Với mục tiêu sửa đổi cơ bản và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quán triệt chủ trương của Trung ương, Quốc hội về việc ‘‘Luật chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, đúng thẩm quyền của Quốc hội’’ nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 gồm 07 chương, 50 điều (giảm 1 chương, 93 điều so với Luật TCCQĐP năm 2015) với các nội dung cơ bản như: Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; mô hình tổ chức chính quyền địa phương, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;...
Luật giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý 41/50 điều so với dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội tại đầu kỳ họp bất thường lần thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025 nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế theo yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị.
Bố cục của Luật năm 2025 có nhiều thay đổi so với Luật 2015. Cụ thể:
Chương I: Quy định chung (gồm 07 điều – giảm 08 điều so với Luật 2015)
Chương I có 2 nội dung đáng chú ý như sau:
(1) Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Luật 2025 tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của Luật 2015 và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính nêu rõ, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND. Việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp theo yêu cầu tại Kết luận số 121-KL/TW.
(2) Luật 2025 quy định nguyên tắc hoạt động của HĐND là làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số (theo Luật 2015, HĐND làm việc theo chế độ hội nghị). UBND hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của chủ tịch UBND.
Chương II: Tổ chức ĐVHC và thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới và đổi tên ĐVHC (gồm 03 điều, giảm 09 điều so với Luật năm 2015): Đổi tên chương và thứ tự chương so với Luật 2015 để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 quy định về tổ chức ĐVHC trước Điều 111 về tổ chức chính quyền địa phương tại các ĐVHC).
Chương này quy định theo hướng khái quát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới và đổi tên ĐVHC và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về việc lập đề án, trình tự, thủ tục xem xét, thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đổi tên ĐVHC.
Chương IIII: Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp (gồm 04 Điều): Thay vì được quy định tại Chương I về Quy định chung như Luật 2015, nội dung này được quy định thành 1 chương riêng, là cơ sở để các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước ở địa phương trong các ngành, lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm phù hợp.
3.1. Về nguyên tắc phân định thẩm quyền
Luật 2025 kế thừa các nguyên tắc còn phù hợp, đồng thời bổ sung các nguyên tắc nhằm phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương[1]. Theo đó, khi phân quyền, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm 07 nguyên tắc:
(1) Xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả;
(2) Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương;
(3) Phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó;
(4) Bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; kịp thời điều chỉnh nội dung phân quyền, phân cấp khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân quyền, phân cấp thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
(5) Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật;
(6) Đáp ứng yêu cầu quản trị địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
(7) Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.
3.2. Về phân quyền
(1) Luật 2025 quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật, nghị quyết của Quốc hội (theo Luật 2015 việc phân quyền chỉ quy định trong luật)
(2) Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định của Luật này, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền.
(3) Cơ quan nhà nước cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát về tính hợp hiến, hợp pháp trong việc chính quyền địa phương các cấp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
3.3. Về phân cấp
(1) So với Luật 2015, Luật 2025 quy định rõ chủ thể được phân cấp là UBND cấp tỉnh, cấp huyện; chủ thể nhận phân cấp cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghị công lập thuộc UBND cùng cấp; UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới.
(2) Luật 2025 quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp;
(3) Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình rà soát và đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp thẩm quyền kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện.
3.4. Về uỷ quyền
(1) Luật 2025 mở rộng và quy định rõ chủ thể được uỷ quyền và chủ thể nhận uỷ quyền. So với Luật 2015, Luật 2025 đã quy định rõ việc UBND ủy quyền cho Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới; Chủ tịch UBND ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp dưới; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp dưới)
(2) Luật 2025 quy định rõ yêu cầu của việc uỷ quyền (uỷ quyền phải bằng văn bản hành chính của cơ quan uỷ quyền; văn bản phải quy định rõ nội dung, phạm vi, thời hạn, cách thức và các điều kiện cần thiết để uỷ quyền), quy định một số nhiệm vụ không được uỷ quyền (nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ mà nếu uỷ quyền sẽ làm thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật);
(3) Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc uỷ quyền và thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền;
(4) Quy định việc sử dụng con dấu và hình thức văn bản khi thực hiện nhiệm vụ uỷ quyền (nhằm phân biệt giữa uỷ quyền thẩm quyền và uỷ quyền ký văn bản).
3.5. Để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn và thực hiện ngay tinh thần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp của Trung ương, tại điều khoản chuyển tiếp của Luật quy định:
(1) Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này được thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, uỷ quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật 2025.
(2) Để kịp thời đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, Quốc hội giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chương IV: Nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương (gồm 04 mục, 12 điều)
Thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, Luật 2025 quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi ĐVHC theo hướng:
(1) Phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND. Các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp được thể hiện theo hướng quy định một cách khái quát về các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này theo các nhóm lĩnh vực như Luật hiện hành, có sự phân biệt nhất định về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, tạo cơ sở cho việc tiếp tục quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong các luật chuyên ngành.
(2) Phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND.
Chương V: Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (gồm 02 mục, 14 điều)
Nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, Luật 2025 quy định theo hướng:
5.1. Đối với HĐND
(1) Quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND từng cấp trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.
(2) Giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương. Theo đó:
- HĐND tỉnh thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội.
- HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.
- HĐND cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
- HĐND ở các tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập Ban Dân tộc. Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(3) Giao tăng thẩm quyền của Thường trưc HĐND
a) Trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định biện pháp giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất (Khoản 14, Điều 29)
b) Quyết định số lượng thành viên các Ban của HĐND cấp mình. Phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm Phó Trưởng Ban, Ủy viên của Ban của HĐND trong số đại biểu HĐND theo đề nghị của Trưởng Ban của HĐND (khoản 7, Điều 29). Theo Luật 2015, việc quyết định số lượng thành viên các Ban của HĐND và cho thôi làm Phó Trưởng Ban của Ban của HĐND thuộc thẩm quyền của HĐND.
c) Trong thời gian HĐND không họp xem xét, chấp thuận việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND trong các trường hợp:
+ Đại biểu HĐND không còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu;
+ Theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác (Khoản 3, Điều 36)
(4) Sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động của HĐND để phù hợp với yêu cầu thực tiễn
a) Về việc bầu các chức danh của HĐND (Khoản 1 Điều 34)
HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND trong số đại biểu HĐND theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Thường trực HĐND (Luật 2015 quy định việc bầu Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND)
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND trong số các đại biểu HĐND theo đề nghị của Thường trực HĐND khóa trước (Luật 2015 quy định việc bầu theo giới thiệu của Chủ tọa Kỳ họp)
b) Về hình thức quyết định các vấn đề của HĐND (Khoản 1 Điều 33)
HĐND quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình bằng hình thức biểu quyết. Việc biểu quyết có thể bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo Quy chế làm việc của HĐND ((Luật 2015 quy định HĐND quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín)
c) Về việc tạm đình chỉ công tác đại biểu HĐND
- Chủ tịch HĐND quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của HĐND cùng cấp, Chủ tịch HĐND cấp dưới trực tiếp trong các trường hợp theo quy định của cấp có thẩm quyền (điểm d, khoản 1, Điều 30)
- Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND khi đại biểu bị khởi tố hoặc trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của đại biểu HĐND, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có văn bản đề nghị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu (khoản 1 Điều 36)
Luật 2015 chỉ quy định khi đại biểu HĐND bị khởi tố bị can thì Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu đó.
d) Bổ sung quy định về thẩm quyền điều hành hoạt động của HĐND khi khuyết Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND bị xử lý kỷ luật (khoản 4 Điều 30)
5.2. Đối với UBND
(1) Cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (Luật 2015 quy định Ủy viên UBND là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an)
(2) Luật 2025 quy định Chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND (khoản 2 Điều 34)
(3) Quy định rõ các nhiệm vụ của UBND phải thảo luận và quyết định tập thể; các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được uỷ quyền cho Chủ tịch UBND thực hiện.
Chương VI: Tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính và các trường hợp đặc biệt khác (gồm 07 điều). Chương này quy định về tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND trong các trường hợp thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC, giải tán HĐND và khi không còn đủ 2/3 tổng số đại biểu HĐND.
Chương VII: Điều khoản thi hành (gồm 03 điều). Chương này quy định về việc sửa đổi bổ sung Luật Biển Việt Nam, hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp khi thực hiện Luật.
[1] Việc phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).