1. Cử tri bản Nhãn Lý, xã Tà Cạ phản ánh năm 2017, Thủy điện Nậm Mô đã xây kè chống sạt lở đất dọc sông Nậm mộ cho 7 hộ dân ở bản Nhãn Cù bị ảnh hưởng do làm Thủy điện, tuy nhiên khi trời mưa nước dâng cao kè bị ngập đến cả nhà dân, các hộ dân phải di dời đi nơi khác có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với nhà máy Thủy điện Nậm Mô xây dựng lại bờ kè để nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, có 7 hộ dân thuộc bản Nhãn Cù, xã Tà Cạ ở gần bờ lòng hồ thủy điện bị ảnh hưởng do tích nước hồ thủy điện Nậm Mô. Do vậy, năm 2017 nhà máy thủy điện Nậm Mô thuộc Công ty cổ phần Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An đã tiến hành xây dựng kè chống sạt lở (kè ghép bằng rọ đá). Sau khi nhận được đề nghị của Sở Công Thương, UBND huyện Kỳ Sơn đã kiểm tra thực tế tại hiện trường, kết quả như sau:
- Kè có tổng chiều dài 78,0m, cao từ 1,0- 2,85m, trong đó:
+ Đoạn 1 (Dài 61,0m, cao từ 2,0 - 2,85m, đáy kè rộng từ 1,0m - 2,0m): Đoạn kè này có một vài điểm lưới B40 ghép rọ đá bị đứt dẫn đến kè bị sập xuống lòng hồ. Dọc bờ kè có một điểm có hiện tượng sụt lún đất do nước lòng hồ xâm nhập và một đoạn cuối của kè đã bị sập xuống lòng hồ dẫn đến nước xói mòn bờ ăn sâu vào sát nhà dân (chỉ cách cột nhà sàn của gia đình ông Lô Văn Tình 0,8m).
+ Đoạn 2 (Dài 17,0m, cao 1,0m, đáy kè rộng 1,0m): Đoạn kè này đã bị đất vùi lấp.
Toàn bộ kè ghép rọ đá chống sạt lở đất cho 7 hộ dân thuộc bản Nhãn Cù, xã Tà Cạ hiện tại không còn đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng của các hộ dân này. Như vậy, phản ánh của cử tri là đúng sự thật. Công ty cổ phần Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Tà Cạ thống nhất phương án xử lý. Đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thành phương án thiết kế và đã được sự thống nhất của UBND huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, Công ty đang làm thủ tục ký hợp đồng để triển khai thi công. Dự kiến sẽ hoàn thành trước 20/06/2022
2. Cử tri bản Sơn Thành, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho phép sử dụng phần đất nhà ở cũ của công nhân lâm trường thuộc đất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và rừng phòng hộ huyện quản lý để xây dựng nhà văn hóa bản Sơn Thành.
a) Về nguồn gốc hình thành và hiện trạng nhà và đất Trạm quản lý bảo vệ rừng Tà Cạ
- Sau khi được Ban chỉ đạo Dự án 661 tỉnh Nghệ An nhất trí cho phép làm nhà Trạm bảo vệ rừng tại xã Tạ Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ngày 02/5/2000, Lâm trường Kỳ Sơn (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn) có Tờ trình xin đất làm nhà Trạm bảo vệ rừng tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn gửi UBND xã Tà Cạ và bản Sơn Thành. Đến ngày 29/6/2000, UBND xã Tà Cạ đã có văn bản thống nhất cấp đất cho Đơn vị để xây dựng nhà Trạm bảo vệ rừng Tà Cạ, có nội dung: “Về vị trí: tại bản Sơn Thành - xã Tà Cạ; Về kích thước, diện tích lô đất: Chiều dài tính từ quốc lộ 7 đi lên theo hướng từ (Đông - Tây) dài 26,8m; Chiều rộng tính (Bắc - Nam) đo theo hình thang là (5,5m+12,5m+13,0m); Tổng diện tích là 300 m2.”
- Về hiện trạng nhà và đất: Trạm bảo vệ rừng Tà Cạ có tổng diện tích 300 m2, có hiện trạng gồm:
+ Diện tích đất sân, vườn là: 230 m2
+ Diện tích nhà Trạm: 70 m2 (hiện tại không sử dụng, đã xuống cấp) đã tiến hành thanh lý theo Công văn số 2735/SNN-KL ngày 28/10/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thanh lý tài sản Dự án 661 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về chủ trương thanh lý tài sản Dự án 661 thuộc Ban quản lý rừng rừng phòng hộ Kỳ Sơn tại Văn bản số 8647/UBND-NN ngày 11/11/2016.
b) Về giải quyết kiến nghị của cử tri
Ngày 18/11/2021, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức buổi làm việc giữa UBND huyện, UBND xã Tà Cạ và Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn để giải quyết kiến nghị của UBND xã Tà Cạ tại Tờ trình số 53/TTr-UBND ngày 07/9/2021 về việc xin đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn để xây dựng nhà văn hóa bản Sơn Thành. Qua buổi làm việc, các bên liên quan, trong đó có Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn hoàn toàn nhất trí với nội dung UBND xã Tà Cạ xin đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn để xây dựng nhà văn hóa bản Sơn Thành.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, để có cơ sở trả đất đơn vị phải rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Trạm quản lý bảo vệ rừng Tà Cạ; và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Hiện nay UBND huyện Kỳ đã chỉ đạo UBND xã Tà Cạ, các phòng chuyên môn huyện phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn sớm hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét chủ trương bàn giao Trạm quản lý bảo vệ rừng Tà Cạ để xây dựng nhà văn hóa bản Sơn Thành theo đúng quy định của pháp luật.
3. Cử tri các xã: Nậm Cắn, Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn phản ánh từ khi nhà máy Thủy điện Nậm Cắn, Thủy điện Nậm Mô đi vào hoạt động đến nay đã làm giảm diện tích đất canh tác sản xuất, chăn nuôi của người dân. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất để ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, diện tích thu hồi để xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Cắn là 19,8 ha, chủ yếu là đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý. Việc xây dựng thủy điện Nậm Cắn không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất chăn nuôi của nhân dân và không có tình trạng nhân dân thiếu đất sản xuất. Diện tích thu hồi để xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Mô là 48,22 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp của nhân dân bản Cánh, xã Tà Cạ. Qua kiểm tra, xác minh không có tình trạng từ khi nhà máy thủy điện Nậm Cắn, thủy điện Nậm Mô đi vào hoạt động đến nay làm phát sinh thêm diện tích đất bị ảnh hưởng ngoài phạm vi đã được bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy kiến nghị của cử tri là không đúng thực tế.
Nguyên nhân người dân bản Cánh xã Tà Cạ thiếu đất sản xuất là do diện tích đất phía trên mốc GPMB của thuỷ điện Nậm Mô thuộc BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý, người dân không được phép khai hoang, sử dụng đất này để làm đất sản xuất và chăn nuôi. Đất đai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn chủ yếu do các đơn vị chủ rừng quản lý (95,56%), không có quỹ đất để giao cho nhân dân sản xuất và chăn nuôi. Hiện nay, diện tích Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý là 170.395,67 ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang lập hồ sơ trả lại cho huyện khoảng 95.000 ha đất lâm nghiệp để giao cho nhân dân quản lý, sử dụng. Diện tích này một phần quy hoạch giữ lại mục đích lâm nghiệp và một phần chuyển sang mục đích đất sản xuất nông nghiệp.
4. Cử tri các bản: Huồi Bắc, Phia Khăm 1, Kèo Pha Tú, xã Bắc Lý; các bản: Kèo Lực 1, Kèo Lực 2, Kèo Lực 3, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn phản ánh công trình nước sinh hoạt của các bản đã xuống cấp, hư hỏng, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa công trình để đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con.
a) Đối với nước sinh hoạt các bản Huồi Bắc, Phia Khăm 1, Kẻo Pha Tú, xã Bắc Lý:
- Công trình nước sinh hoạt bản Huồi Bắc: Được xây dựng năm 2014, ban đầu có 43 hộ, đến nay là 56 hộ sử dụng; chiều dài tuyến ống 2km, gồm 03 bể chứa kết hợp nhà tắm.
- Công trình nước sinh hoạt bản Phia Khăm 1: Được đầu tư xây dựng từ năm 2005, ban đầu có 64 hộ dân, đến nay có 105 hộ dân sử dụng; chiều dài tuyến ống 3km bằng ống tráng kẽm, 04 bể chứa kết hợp nhà tắm.
- Công trình nước sinh hoạt bản Kẻo Pha Tú: Được xây dựng năm 2013, ban đầu có 38 hộ, đến nay là 55 hộ sử dụng; chiều dài tuyến ống 1,3km, gồm 04 bể chứa kết hợp nhà tắm.
Hiện nay các công trình đã hư hỏng đập đầu nguồn, tuyến ống và các bể. Nguyên nhân chính là do công trình đã xây dựng nhiều năm, các vị trí đập đầu nguồn ở khe có độ dốc lớn và thường xuyên xẩy ra lũ ống, lũ quét; nguồn nước ở khu vực đầu nguồn dần bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu; công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng, ý thức bảo quản của người dân còn hạn chế.
Giải pháp khắc phục:
- Đối với nước sinh hoạt bản Phia Khăm 1: UBND xã đã đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng trong Dự án 4 của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2022.
- Đối với nước sinh hoạt bản Kẻo Pha Tú và Huồi Bắc: UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã kiểm tra, rà soát lại và đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư thuộc các Chương trình MTQG do xã làm chủ đầu tư; các hạng mục hư hỏng nhỏ đưa vào kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hàng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG; ngoài ra có giải pháp huy động thêm các nguồn vốn của địa phương, của người dân hưởng lợi; tăng cường công tác tuyên truyền người dân trong việc bảo quản công trình, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là sau các đợt mưa bão.
b) Đối với nước sinh hoạt bản Kẻo Lực 1-2-3, xã Phà Đánh:
- Công trình nước sinh hoạt bản Kẻo Lực 1-2-3, xã Phà Đánh gồm: Đập số 01 (xây dựng từ năm 1995); Đập số 02 ở vị trí khe khác cách đập 01 khoảng 2km (xây dựng năm 2017) để gom bổ sung nguồn nước và nhập chung vào 1 tuyến ống chính chạy về bản Kẻo Lực 1-2-3. Chiều dài tuyến ống 4000m, bằng ống sắt tráng kẽm đường kính từ 110mm-25mm (toàn bộ tuyến ống chính chảy song song với tuyến QL 16, trừ đoạn nhánh tuyến vào đập số 01); có 06 bể chứa, kết hợp nhà tắm.
- Hiện nay Đập đầu nguồn số 02, bị nước lũ cuối trôi hoàn toàn, hệ thống tuyến ống bị trôi, gẫy không sử dụng được. Cả 3 bản đang dùng tạm nguồn nước tại đập đầu nguồn cũ xây dựng từ năm 1995 (đập số 01) do đập này đã được khắc phục, sửa chữa năm 2020. Tuy nhiên do nguồn nước khe nhỏ, nhất là vào mùa khô nước hầu như không có, hơn nữa phải phục vụ cho cả 3 bản với hơn 201 hộ dân, và các trường học, trạm Y tế xã, UBND xã Phà Đánh. Nguyên nhân chính là do công trình xây dựng đã lâu, đập đầu nguồn số 02 nằm ở vị trí khe có độ dốc lớn và thường xuyên xẩy ra lũ ống, lũ quét; nguồn nước ở khu vực đầu nguồn số 01 dần bị cạn kiệt do biến đổi khí hậu.
Giải pháp khắc phục: UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo UBND xã Phà Đánh tiến hành kiểm tra, rà soát những hạng mục hư hỏng lớn, nhất là đập đầu nguồn số 02, các đoạn tuyến ống và bể chứa để đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư bằng vốn các CTMTQG giai đoạn 2022-2025 do xã làm chủ đầu tư; ngoài ra có giải pháp huy động nguồn vốn khác, sự tham gia đóng góp của người dân để khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ và làm tốt công tác bảo trì, bảo quản, duy tu bảo dưỡng thường xuyên; không quy hoạch vùng sản xuất ở phía lưu vực đầu nguồn có công trình nước sinh hoạt để giữ nguồn nước.
5. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:
- Nâng cấp đường từ bản Huồi Cáng 1 đến bản Buộc, xã Bắc Lý (Cử tri xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn).
Tuyến đường liên bản từ bản Huồi Cáng 1 đến bản Buộc, xã Bắc Lý, dài khoảng 8,5 Km. Hiện tại là đường đất rộng 6m, đi lại khó khăn như cử tri phản ánh. Năm 2021, UBND huyện Kỳ Sơn đã rà soát, đề xuất đưa tuyến đường vào danh mục Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn quan tâm chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.
- Mở con đường từ các bản Huồi Giảng 1, bản Huồi Giảng 2, bản Huồi Giảng 3, bản Lữ Thành, xã Tây Sơn vào khu sản xuất nương rẫy của người dân (Cử tri các bản Huồi Giảng 1, bản Huồi Giảng 2, bản Huồi Giảng 3, bản Lữ Thành, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn);
Đường từ các bản Huồi Giảng 1, bản Huồi Giảng 2, bản Huồi Giảng 3, bản Lữ Thành, xã Tây Sơn vào khu sản xuất nương rẫy của người dân hiện tại là đường mòn do người dân tự mở, độ dốc lớn đi lại khó khăn. Việc đầu tư xây dựng dựng các tuyến đường này theo kiến nghị cử tri là cần thiết. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn hạn chế nên UBND huyện Kỳ Sơn xin tiếp thu và sẽ triển khai đầu tư xây dựng khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.
6. Cử tri huyện Kỳ Sơn kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng chính sách – xã hội giảm lãi suất ưu đãi, bởi vì với mức vay cho hộ nghèo là 0,55%/năm, hộ cận nghèo là 0,66%/năm, hộ thoát nghèo là 0,68%/năm như hiện nay vẫn cao so với khả năng chi trả của các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tại khoản 1, Điều 18 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định: “Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định này do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III”. Theo đó, lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội, phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước. Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định: lãi suất cho vay hộ nghèo 0,6%/tháng (7,2%/năm) xuống còn 0,55%/tháng (6,6%/năm); hộ cận nghèo từ 0,72%/tháng (9,64%/năm) xuống còn 0,66%/tháng (7,92%/năm); hộ mới thoát nghèo từ 0,75%/tháng (9%/năm) xuống còn 0,6875%/tháng (8,25%/năm).
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đối tượng vay vốn gặp khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi Ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26/11/2021 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, cụ thể: giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng (bao gồm: chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo) tại Ngân hàng Chính sách xã hội; thời gian giảm lãi từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Sau ngày 31/12/2021, lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định hiện hành.
Tại điểm d, khoản 2, mục II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế quy định: “Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 – 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng giải ngân trong năm 2022 – 2023…”. Theo đó, các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 – 2023 sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
7. Cử tri các xã: Na Loi, Mỹ Lý, Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí làm thao trường, bãi bắn bảo đảm phục vụ công tác huấn luyện quân sự tại các địa phương.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính cam kết nguồn vốn các dự án trọng điểm ngoài nguồn vốn đầu tư công như Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2): 1.052.000 triệu đồng; Đường N3 trong Khu công nghiệp Hoàng Mai: 166.495 triệu đồng; Đường giao thông liên xã từ Tây Sơn đến xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn: 178.000 triệu đồng;... Vì vậy, trong điều kiện hiện tại, ngân sách tỉnh chưa thể cân đối hỗ trợ đầu tư hỗ trợ đầu tư các công trình thao trường, bãi bắn phục vụ công tác huấn luyện quân sự. Do đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp với Bộ CHQS tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch đầu tư để tham mưu bố trí nguồn vốn thực hiện từ nguồn kế hoạch đầu tư công. Sở Tài chính sẽ tham gia ý kiến về nguồn vốn theo quy định.
8. Cử tri các bản: Huồi Bắc, Phà Coóng, Xám Thang, Cha Nga, xã Bắc Lý; cử tri các bản: Phù Quặc 1, Phù Quặc 2, Ka Trên, Huồi Thun, Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn phản ánh các nhà văn hóa đã xuống cấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng mới nhà văn hóa để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho nhân dân.
Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách địa phương, trong đó hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa và thể thao ở cơ sở 34 tỷ đồng. Ngày 12/01/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa- thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 (đợt 1); trong đó, tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã có 03 nhà văn hóa gồm: Bản Phù Quặc 2, Thăm Hón và Ka Nọi.
Đối với các nhà văn hóa: Huồi Bắc, Phà Coóng, Xám Thang, Cha Nga, xã Bắc Lý; bản Phù Quặc 1, Ka Trên, Huồi Thun, Phù Khả 1, xã Na Ngoi, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn cân đối nguồn kinh phí từ Chương trình mcuj tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các nguồn hợp pháp khác của địa phương để xây dựng.
9. Cử tri các xã: Na Loi, Nậm Căn, Mỹ Lý và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế, bổ sung thêm y bác sỹ phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
- Về nội dung hỗ trợ kinh phí
+ Hàng năm căn cứ vào Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An về ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở dự toán chi thường xuyên của UBND huyện Kỳ Sơn xây dựng, Sở Tài chính tổng hợp; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định dự toán chi thường xuyên theo quy định. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các trạm y tế xã Na Loi, Nậm Cắn, Mỹ Lý và thị trấn Mường Xén được UBND huyện Kỳ Sơn giao về cho Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn quản lý và thanh toán, quyết toán.
+ Kinh phí hàng năm của các trạm y tế các xã núi cao được quy định là 145 triệu đồng/biên chế/năm (đã bao gồm: Tiền lương; các khoản đóng góp theo lương; các khoản chi khác ngoài quỹ lương để thực hiện nhiệm vụ như: các khoản chi mua sắm, sửa chữa nhỏ tài sản, chi chăm sóc người cao tuổi, chi thuê phần mềm công nghệ, chi duy trì hoạt động cơ sở điều trị và điểm cấp phát Methadone). Tỷ lệ chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp tối đa bằng 85%’ nếu vượt quá 85% sẽ được cân đối cấp bù cho các khoản chi khác.
Vì vậy, kinh phí chi thường xuyên hàng năm đã dược ngân sách cân đối đủ cho các trạm y tế theo đúng quy định về định mức hiện hành tại Nghị quyết số 21 nên trên.
- Về nội dung hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế
+ Năm 2018, khảo sát để đề xuất xây dựng mới, cải tạo và đầu tư trang thiết bị thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng nguồn vốn ODA của ADB. Trung tâm Y tế Kỳ Sơn đã đề xuất và được Sở Y tế ưu tiên đưa vào gửi Bộ Y tế phê duyệt xây mới 03 trạm y tế xã là: Mường Lống, Đoọc Mạy và Bảo Thắng; sửa chữa 02 xã là Na Loi và Mường Ải; đồng thời đề xuất đầu tư trang thiết bị cho cả 05 xã trên. Các xã trên sẽ được triển khai khi trung ương cấp vốn.
+ Hiện tại, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị rà soát nhu cầu trang thiết bị, máy móc để đầu tư từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, kết quả rà soát Trung tâm Y tế Kỳ Sơn không đề xuất trang thiết bị cho các trạm y tế xã. Đề nghị các xã rà soát nhu cầu trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế gửi Trung tâm Y tế Kỳ Sơn đề xuất gửi về Sở Y tế.
+ Việc mua sắm vật tư y tế sử dụng tại các cơ sở y tế được thực hiện dựa trên nguồn bảo hiểm y tế. Các mặt hàng vật tư y tế mua sắm cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng quy định.
- Về nội dung bổ sung thêm y bác sĩ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
+ Để tăng cường nhân lực y, bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong những năm vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, trong đó bao gồm tăng cường công tác thu hút, tuyển dụng, đào tạo từ nguồn tại chỗ và tăng cường luân phiên từ Trung tâm Y tế huyện về cơ sở xã, phường, thị trấn. Trong năm 2021, ngành y tế đã tích cực động viên, thu hút và đã tuyển được 02 bác sĩ về công tác tại các Trạm y tế xã thuộc huyện Kỳ Sơn. Cử bác sĩ tăng cường từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, từ tuyến huyện xuống tuyến xã, đặc biệt là các xã chưa có bác sĩ. Trong năm đã cử 154 lượt bác sĩ đi tăng cường xuống các xã chưa có bác sĩ, trong đó huyện Kỳ Sơn cử 6 lượt bác sĩ tăng cường cho 3 xã chưa có bác sĩ.
+ UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực Y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An với nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút cho phát triển nguồn nhân lực miền núi đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt khó khăn ban đầu cho đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, phát triển nguồn nhân lực y tế về cả số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao có chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh nhà nói chung các huyện miền núi nói riêng, sau 6 năm thực hiện đã thu hút được 237 bác sĩ, dược sĩ trong đó huyện Kỳ Sơn 18 bác sĩ.
Mặc dù việc tuyển dụng bác sĩ về công tác tại các trạm y tế trong những năm qua là rất khó khăn, đặc biệt là các trạm y tế vùng sâu, vùng xa. Ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, đặc biệt chú trong nhân lực bác sỹ. Ngành dành nhiều chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng bác sĩ, tăng cường công tác đào tạo bác sỹ từ nguồn y sĩ tại chỗ, tăng cường bác sĩ công tác tại tuyến huyện về làm việc tại tuyến xã, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 90%, trong đó huyện Kỳ Sơn đạt trên 80% trạm Y tế xã có bác sĩ làm việc.
10. Cử tri bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh quan tâm có chế độ cho con em bị tai nạn khi đi bộ đội (như trường hợp của anh Lầu Bá Pó, bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn đi bộ đội bị tai nạn, hiện nay chưa được hưởng chế độ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn).
Chế độ tai nạn lao động là một trong 5 chế độ của BHXH bắt buộc trong Quân đội (nay là Luật an toàn vệ sinh lao động số 84): Thực hiện theo Luật BHXH số 58/2014/QH13; Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn theo quy định tại Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc là tai nạn xẩy ra trong khi làm nhiệm vụ, trong huấn luyện quân sự, trong học tập, công tác, luyện tập thể dục thể thao theo chế độ quy định; bị tai nạn nơi làm việc, trong giờ làm việc bao gồm những tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, trong thời gian ngừng việc giữa giờ do nhu cầu sinh hoạt đã được Bộ Luật lao động và chế độ, nội quy của cơ quan, đơn vị và cơ sở sản xuất, kinh doanh quy định, như: vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, tai nạn trong thời gian nghỉ giải lao, tai nạn trong thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc;
- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được sử dụng tai nạn lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý người lao động, bao gồm các công việc gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bị tai nạn trên đường đi công tác và trở về sau chuyến đi công tác;
- Bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc và từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong đó, khoảng thời gian hợp lý và khoảng thời gian cần thiết để người lao động đến cơ quan trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc theo quy định hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu của người sử dụng tai nạn lao động; tuyến đường hợp lý là tuyến đường hằng ngày người lao động thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.
Quân nhân Lầu Bá Pó; Sinh ngày 20/01/1998
Nhập ngũ: Tháng 02/2017
Xuất ngũ: Tháng 01/2019
Đơn vị khi xuất ngũ: Tiểu đoàn 25/Lữ đoàn 414/Quân khu 4
Theo quy định quân nhân khi bị tai nạn thuộc trong các điều kiện hưởng chế độ TNLĐ thì đơn vị quản lý trực tiếp thực hiện, khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo TNLĐ theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-BQP ngày 04/01/2017 của Bộ Quốc phòng theo quy định.
Quân nhân Lầu Bá Pó không thuộc quân số và quyền quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Vì vậy, không thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An. UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn anh Lầu Bá Pó liên hệ Lữ đoàn 414, Quân khu 4 để được xem xét, giải quyết.