Chiều 27/11, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, điều hành phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Cùng tham dự có đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành.

bna_img_7920.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, điều hành phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11/2024. Ảnh: Phạm Bằng

GRDP năm 2024 ước đạt 8,5-9,0%

Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe, tập trung thảo luận, đánh giá về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Báo cáo nêu rõ, tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Song, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Nhờ nắm chắc tình hình, chủ động, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo trong điều hành, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bna_img_8059.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Ảnh: Phạm Bằng

Với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, nhất là được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả rất tích cực và khá toàn diện trên các ngành, lĩnh vực.

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt 8,5-9,0% (số ước tính nội bộ, số liệu chính thức sẽ được Tổng cục Thống kê công bố chính thức vào ngày 30/11/2024), cao hơn bình quân giai đoạn 2021-2023 (7,45%).

Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 14,5% (riêng công nghiệp tăng 16,5%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,3%.

bna_img_8104.jpg
Giám đốc Sở Lao động -TB&XH Đoàn Hồng Vũ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả rất tích cực. Năm 2024 ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 110,4% so với thực hiện năm 2023, và là năm thứ 3 liên tiếp vượt trên 20.000 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 327/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,5% so với 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 31,2%, vượt 16,6% so với kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.226 triệu USD, tăng 56,22%, vượt 48,4% so với kế hoạch.

bna_img_8180.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tổng lượt khách du lịch ước đạt 9.200 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú du lịch là 5.800 nghìn lượt, doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 11.000 tỷ đồng.

11 tháng năm 2024, tỉnh đã giải ngân 6.879,535 tỷ đồng, đạt 69,31%, cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 57%). Phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thu hút vốn FDI ước đạt 1,696 tỷ USD

Nhờ nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, kết quả thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của tỉnh. Đến nay, Nghệ An đã cấp mới 77 dự án, điều chỉnh 157 lượt dự án với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh 44.789 tỷ đồng.

bna_img_8142.jpg
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Nghệ An đã thu hút được 13 dự án FDI, điều chỉnh 12 lượt dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm gần 980 triệu USD. Dự kiến năm 2024, tỉnh thu hút được 1,696 tỷ USD vốn FDI.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở tiếp tục được chỉ đạo triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 20/10, đã hoàn thành được 10.260 nhà, đạt 65% nhu cầu cả giai đoạn 2023-2025.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định, thuộc tốp đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ vượt bậc. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm 2023.

bna_img_8112.jpg
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47.705 người, đạt 101,5% kế hoạch. Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, an ninh biên giới tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu chủ động của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, đảm bảo ngày càng hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả.

bna_img_8127.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phùng Thành Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Việc triển khai Đề án số 06 của Chính phủ tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Nghệ An là 1 trong 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, biểu dương vì có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, với nhiều hoạt động nổi bật, đặc biệt là ngoại giao kinh tế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Nghệ An được Quốc hội thông qua Nghị quyết 137 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1243 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

bna_img_8186.jpg
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trong 28 chỉ tiêu tại Nghị quyết số 61 ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến đến hết năm 2024 có 27 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt và 1 chỉ tiêu khó đạt.

Cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững.

Việc nhân rộng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn hạn chế, quy mô nhỏ, tính bền vững chưa cao.

bna_img_8008.jpg
Các đồng chí thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng

Tiến độ giải ngân đầu tư công của một số chủ đầu tư, nguồn vốn còn chậm. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được các địa phương quyết liệt triển khai, nhưng gặp nhiều khó khăn.

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chuyển đổi số của tỉnh còn có nhiều hạn chế, bất cập do cơ sở hạ tầng của một số cơ quan, đơn vị còn yếu, chưa đồng bộ.