Dự hội nghị có ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Thứ trưởng Bang Haryana phụ trách Đối ngoại; đại diện Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ngành liên quan và các nhà đầu tư kinh doanh KCN trên địa bàn.
Phát biểu tại diễn đàn, ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã có bài phát biểu chào mừng và giới thiệu một số nét cơ bản về tình hình thu hút đầu tư, thương mại của Việt Nam tại Ấn Độ. Tiếp đó, đại diện một số nhà đầu tư, doanh nghiệp giới thiệu một số lợi thế, kinh nghiệm phát triển đầu tư tại bang Haryana.
Quang cảnh sự kiện tọa đàm, kết nối đầu tư, thương mại với bang Haryana (Ấn Độ) từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn HảiNghệ An – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam được Ấn Độ chọn tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển du lịch. Việt Nam và Nghệ An cũng có nét văn hóa tương đồng với bang Haryanan là Phật giáo; 2 địa phương có một số sản phẩm ngũ cốc giống nhau nên tiềm năng hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là về du lịch còn lớn. Tại bang Haryana (Ấn Độ) cũng có một số ngành nghề công nghiệp thế mạnh như về sản xuất ô tô, công nghệ thông tin, hóa dầu và sản xuất nông nghiệp nên khả năng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư sang Nghệ An còn nhiều…
Đại diện KCN VSIP Nghệ An - một trong 3 nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN kêu gọi và mời các nhà đầu tư từ Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn HảiVề phần mình, để mời gọi, tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng có bài phát biểu chào mừng giới thiệu đặc điểm, tình hình và một số chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; các video clip giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Nghệ An.
Tiếp đó, các nhà đầu tư Khu công nghiệp và đô thị tổng hợp VSIP Nghệ An, KCN Industrial Zone 1 Nghệ An, KCN Hoàng Mai 1 giới thiệu cơ sở hạ tầng, chính sách mời gọi vào đầu tư, thuê đất.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An phát biểu giới thiệu tiềm năng thương mại, xuất khẩu giữa Nghệ An và Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn HảiTại tọa đàm, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An chia sẻ: Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Nghệ An với các sản phẩm như bột đá siêu mịn, nhựa thông, hạt phụ gia nhựa, linh kiện điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Nghệ An đạt 31,45 triệu USD, tăng 22,3%; 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Nghệ An sang Ấn Độ đạt 11,48 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nên kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ giai đoạn 2020 - 2021 có biến động giảm mạnh nhưng dự báo trong thời gian tới sẽ tăng mạnh để tương xứng với tiềm năng quan hệ 2 nước.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giới thiệu một số nét về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh với các đại biểu, nhà đầu tư từ Bang Haryana (Ấn Độ). Ảnh: Nguyễn HảiPhát biểu tại tọa đàm, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa của việc ngài Đại sứ quán và Thứ trưởng bang Haryana (Ấn Độ) đã kết nối, tổ chức sự kiện tọa đàm, mời gọi thu hút đầu tư thương mại giữa 2 địa phương. Thông qua việc đánh giá cao các thế mạnh kinh tế của bang Haryana (Ấn Độ) và giới thiệu cơ sở hạ tầng, các chính sách của tỉnh, chia sẻ tầm cao mới về quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 nước Việt Nam - Ấn Độ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trân trọng mời gọi các nhà đầu tư Ấn Độ và bang Haryana vào đầu tư tại Nghệ An.
Tại Nghệ An, hiện Ấn Độ đầu tư 3 dự án gồm Nhà máy chế biến đá vôi trắng Wolkem Việt Nam, Nhà máy chế biến đá ốp lát của Công ty TNHH Đá Wolkem, Nhà máy gỗ dán Nghệ An của Công ty CP Thế giới gỗ Việt Nam với tổng trị giá 8,56 triệu USD. Về viện trợ ODA không hoàn lại, năm 2020 và 2021 với 2 dự án tổng trị giá 50.000 USD gồm dự án xây dựng lớp học mầm non xã Mã Thành (Yên Thành) và Dự án xây dựng Thư viện xanh Trường Tiểu học Làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn).
(Trích báo cáo Sở Ngoại vụ Nghệ An)