Nghệ An tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội
Đồng chí Nguyễn Đức Thành– Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các tổ chức thành viên Uỷ ban MTTQ và MTTQ cấp huyện.
Giám sát, phản biện 12.925 cuộc
Giám sát phản biện xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, được quy định trong nhiều Văn kiện của Đảng, hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ Chính trị quy định cụ thể tại Quyết định số 217, ngày 12/12/2013, Quốc hội ghi nhận trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, cùng các văn bản pháp luật liên quan.
Hoạt động này, thời gian qua đã được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh triển khai thông qua xây dựng kế hoạch theo năm, xác định rõ các nội dung trọng tâm liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, đoàn viên, hội viên.
Như giám sát xử lý ô nhiễm môi trường; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; thực hiện cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư; giám sát việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên...
Hoạt động phản biện được tập trung vào các dự thảo các chính sách, pháp luật và chương trình, đề án có liên quan trực tiếp quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đoàn viên, hội viên.
Trong 5 năm (2019 – 2023), MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 10.788 cuộc giám sát, với tổng 49.834 kiến nghị sau giám sát, trong đó có 43.856 kiến nghị được cấp thẩm quyền tiếp thu, giải quyết và 5.978 kiến nghị chưa được giải quyết.
Các cấp tổ chức 2.137 cuộc phản biện xã hội với 31.494 kiến nghị đối với các cấp; trong đó có 30.887 kiến nghị được giải quyết và 607 kiến nghị chưa được giải quyết.
Cần thiết ban hành Đề án
Bên cạnh kết quả đạt được, tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều khó khăn, hạn chế trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, nhận thức của một số cấp uỷ về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Trách nhiệm tạo điều kiện, tiếp thu giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện từ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ chính quyền chưa cao.
Hiện đang thiếu cơ chế để đảm bảo các kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được thực thi triệt để, hiệu quả.
Mặt khác, liên quan đến chức năng giám sát, phản biện, hiện được quy định trong nhiều văn bản và mỗi văn bản với hình thức tổ chức khác nhau, dẫn đến việc triển khai thực hiện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi còn lúng túng. Cùng với đó là thiếu tính chủ động, sáng tạo và kỹ năng giám sát còn hạn chế, việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát chưa thật sự phù hợp; chất lượng kiến nghị sau giám sát, phản biện chưa cao.
Từ thực tiễn đó, các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều khẳng định sự cần thiết ban hành Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 – 2030”.
Các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ các cơ sở pháp lý, thực tiễn và sự cần thiết ban hành đề án; đồng thời bổ sung, đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, nhấn mạnh rõ vai trò trách nhiệm của cấp uỷ các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như quan tâm kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp có chất lượng; trách nhiệm của chính quyền trong tạo điều kiện và giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện; trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần vươn lên để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị và trong xã hội.