Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh ở khu vực trọng điểm về sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản là nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm mạnh. Tại Nghệ An, nhiều địa phương các yêu cầu giãn cách xã hội, phòng chống dịch bằng các biện pháp chặt chẽ từ phía chính quyền làm cho sản xuất và xuất khẩu bị ngưng trệ.
Anh Nguyễn Văn Hào, chủ đầm tôm ở xã Nghi Tiến huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay, 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 làm đầu ra cho tôm gặp khó khăn, giá xuống thấp và rất khó tiêu thụ. Có thời điểm, người nuôi tôm phải bù lỗ cả trăm triệu đồng cho mỗi vụ nuôi. Thời điểm này dù tôm chưa đủ trọng lượng cũng phải bán cắt lỗ, gần 10 năm trong nghề, chưa năm nào gặp khó khăn như năm nay. Thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài kèm theo những đợt mưa bất ngờ khiến tôm mắc bệnh, chết nhiều. Giá đầu vào, cùng thức ăn, thuốc men tăng cao, nhưng giá đầu ra lại “lao dốc” vẫn khó tiêu thụ. Trung bình, mỗi 1kg tôm, người nuôi phải bù lỗ từ 30.000 - 50.000 đồng.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đầu ra cho con tôm gặp khó, giá cả xuống thấp, người nuôi tôm thua lỗ |
Thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ hải sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế do nhiều nhà hàng, khách sạn… tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch. Ông Nguyễn Ngọc Lợi - chủ một kho đông xã Tiến Thủy, Quỳnh Lưu cho biết, công ty chuyên thu mua thủy sản của người dân xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kho cấp đông của gia đình hiện đang còn tồn khoảng gần 300 tấn hải sản các loại. Hiện nay, các thị trường lớn là Đà Nẵng, và một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt nên phần lớn các doanh nghiệp cũng ngừng buôn bán nên chỉ chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh với số lượng rất ít ỏi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, những tháng đầu năm 2021 mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19 nhưng bà con ngư dân vẫn tích cực bám biển, khai thác hải sản. Trong 8 tháng đầu năm, toàn huyện khai thác hải sản gần 39.000 tấn, tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước. Bằng nhiều biện pháp gỡ khó cho bà con, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện khi tàu thuyền về bờ, hải sản được thương lái trong và ngoài địa phương đến thu mua hết trong ngày. Đối với các phương tiện lưu hành đều phải đăng ký mã QR và lái xe phải có giấy xác nhận kết quả Test nhanh âm tính Covid–19 có hiệu lực trong vòng 72 giờ. Do vậy, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa thủy sản cũng thuận tiện mặc dù huyện đang thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Thế nhưng bên cạnh đó một lượng hàng hoá đông lạnh ở các kho cũng còn rất lớn, cả huyện có tới 40 kho đông với tổng công suất trên 2.000 tấn. Số lượng hàng hải sản tồn trong các kho tắc ngẽn lên trên 1.500 tấn. Chính quyền đã thông thoáng tạo điều kiện cho các xe “luồng xanh” đi qua chốt thu mua hải sản cho ngư dân, tuy nhiên hiện nay các xe chủ yếu về thu mua nông sản… còn lại rất ít xe về mua hải sản.
Tương tự, tại thị xã Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) có trên 1.000 tàu thuyền khai thác hải sản, bình quân mỗi tháng khai thác từ 3.500 - 4.000 tấn hải sản các loại. Trên địa bàn có đến 70 kho đông, hiện đang còn tồn gần 5.000 tấn hải sản. Mỗi ngày ước tính tiêu thụ khoảng từ 15 - 20 tấn hải sản các loại. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yêu thu mua và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sản phẩm chủ yếu là thủy sản ướp đá (tôm, cá…). Hiện, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc thắt chặt biên mậu; đồng thời, thực hiện thiết lập và áp dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản từ Việt Nam (trong đó có thủy sản). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bản tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác, dẫn đến gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa.
Bà con ngư dân Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai đưa hải sản từ tàu thuyền lên bờ. |
Theo ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Hoàng Mai cho biết, thuỷ sản là sản phẩm chủ lực của địa phương, thời gian qua dịch bệnh kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Theo ông Thuỷ thì "những mặt hàng đông lạnh thì tiêu thụ khá ổn định ở thị trường nội địa, chỉ có mặt hàng tươi sống là tiêu thụ chậm hơn so với trước đây. Cái khó nhất của bà con hiện nay, là lượng hải sản qua thị trường Trung Quốc bị dừng, hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh như: trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần... không những vậy, doanh nghiệp còn phải gánh thêm các khoản chi phí đầu vào và logistics tăng mạnh..."
Hay tại HTX Đoàn Kết - tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) có 10 kho đông lạnh chủ yếu cấp đông các mặt hàng hải sản, mực, cá thu, cá đốm... với trữ lượng trên 700 tấn. Số lượng hàng cấp đông của HTX lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc tuy nhiên từ khi dịch bùng phát, hàng hải sản rất khó để xuất khẩu. Chính quyền địa phương tạo điều kiện như cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết, chuyển đổi qua cung cấp cho thị trường nội địa, kết nối với các tư thương một số tỉnh trong Nam và phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chậm, mỗi ngày chỉ bán được từ 2 - 3 tấn hải sản, giá bán giảm so với ngày bình thường là 25 - 30%, ông Lê Hội Hưng - Chủ nhiệm HTX tác xã cho biết.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng xuất nhập khẩu sở Công Thương Nghệ An cũng cho rằng, đối với một số nhà máy sản xuất chế biến cá hộp, bột cá như Royal Foods, Xuri Việt Trung, nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna...Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, sản lượng cá ngày càng ít dần. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này do hiện tượng biến đổi khí hậu và việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài gặp khó khăn do chính sách bảo hộ ngành đánh bắt cá trong nước và việc kiểm soát dịch bệnh Covid 19; bên cạnh đó việc xác định doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Việt Nam chậm thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước mắt, ngành Công Thương và ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch liên hệ với các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu sản phẩm; hướng dẫn các doanh nghiệp những kiến thức cơ bản để có thể xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường nhiều nước bằng con đường chính ngạch. Cùng với đó tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối để đưa hải sản vào tiêu thụ tại các siêu thị Big C, Vinmart… liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua hải sản cho các kho đông. Ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ hải sản qua các loại hình phân phối bán lẻ online… Cùng với đó có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước, xây dựng các cửa hàng kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn và hỗ trợ tiêu thụ nội địa; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản theo đường tiểu ngạch nâng cao năng lực, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nghệ An hiện có 288 kho đông lạnh, tập trung ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò; có gần 15.000 tấn hải sản các loại đang tồn kho. Khó khăn nhất hiện nay là các kho cấp đông trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đã đầy hàng vì vậy việc mua hải sản tích trữ cho ngư dân khai thác càng khó khăn.
H o à ng Trinh
(Nguồn: NTV)