Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 30/4/2023, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 48 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 10.176,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã điều chỉnh 49 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 15 dự án (tăng 2.580,5 tỷ đồng). Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 12.757,2 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2022, số lượng dự án cấp mới tăng 29,73%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 2,4%.
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục là địa phương nằm trong tốp 10 về thu hút FDI của cả nước với 397 triệu USD.
Đoàn công tác Trung ương, tỉnh Nghệ An khảo sát phối cảnh quy hoạch tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu BNA
Trong đó có thể kể đến một số dự án sản xuất quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD) đã đi vào hoạt động từ năm 2019; Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD), dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD) và dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD) đang triển khai xây dựng theo tiến độ đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023; Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD), Foxconn (100 triệu USD) đang triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Nhờ tích cực thu hút đầu tư, nhiều công trình hạ tầng cũng được xây dựng với quy mô lớn. Ví như hạ tầng các khu công nghiệp như Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích 20.776,47 ha nằm trên địa bàn 6 huyện, thành, thị. Hiện trong Khu kinh tế Đông Nam có 4 khu công nghiệp đã thu hút các dự án đầu tư đi vào hoạt động (khu công nghiệp Nam Cấm; Khu công nghiệp Bắc Vinh; Khu công nghiệp, đô thị dịch vụ VSIP Nghệ An; khu công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An).
Năm 2023, khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1 quy mô 500 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị khởi công. Ngoài ra có 1 khu công nghiệp đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là khu công nghiệp Hoàng Mai II, quy mô 334,79ha. Nghệ An cũng hiện có 3 khu công nghiệp đang được nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, đề xuất tài trợ quy hoạch (khu công nghiệp Thọ Lộc B, khu công nghiệp Nghĩa Đàn, khu công nghiệp WHA giai đoạn 3).
Một góc Khu công nghiệp WHA nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh tư liệu
Về hạ tầng giao thông, thời gian qua, nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Nghệ An đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (10,8 km); Đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) Km76+00 - Km83+500 (7,5 km) có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại của thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò. Các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam như Đường D4 (dài 7,066 Km), Đường ngang N5 (đoạn 2, dài 6,5 km) góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện tỉnh đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An), triển khai thủ tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đi huyện Nam Đàn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Nghệ An); đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bến số 7, 8 cảng Cửa Lò, một số bến của cảng Vissai Nghi Thiết, khu bến Đông Hồi.
Hoài Thu