san-bay-vinh-1351.jpg
Cảng hàng không quốc tế Vinh - Nghệ An

Vai trò của Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư

Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, trong đó, có việc nâng cao vai trò của Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Nghệ An (Nghệ An IPSC) trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, tư vấn và hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Nghệ An IPSC đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm (Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 13/01/2017) và Quy chế phối hợp giữa Trung tâm với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã (Quyết định số 4926/QĐ-UBND ngày 19/10/2017); tích cực tham gia góp ý ban hành Quy định mới về trình tự, thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Quyết định số 72/2017/QĐ-UBND ngày 28/11/2017 thay thế Quyết định 06/2015/QĐ-UBND). Nghệ An IPSC từng bước khẳng định vị trí, vai trò là cầu nối, “bà đỡ” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với Nghệ An để thực hiện đầu tư kinh doanh, được các nhà đầu tư tin cậy.

Thành tựu bước đầu

Tính đến cuối năm 2017 và quý I năm 2018, Nghệ An đã thu hút thành công hơn 172 dự án đăng ký đầu tư, xây dựng và sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực với số vốn gần 15 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh 15 lượt dự án, với tổng vốn điều chỉnh trên 314,43 tỷ đồng.Nhiều dự án với số vốn hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như các dự án của Tập đoàn Vingroup, Masan, FLC; Nhà máy Hoa Sen, Nhà máy Xi măng Sông Lam; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Dự án đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp của Tập đoàn Hemaraj đến từ Thái Lan, Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết; Tổ hợp khách sạn vui chơi, giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội, Dự án Đô thị Vinh (WB), Tổng kho xăng dầu DKC, Cảng biển Vissai… hứa hẹn sẽ tạo nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Nghệ An cũng đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với các tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực ASEAN, châu Úc, châu Á như Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bước đầu, hiệu quả của các cuộc đàm phán song phương đã tạo điểm sáng cho Nghệ An được các nước trên thế giới quan tâm, ủng hộ, tạo đà cho việc thu hút nguồn vốn FDI vào đầu tư.

Ngoài việc gặp gỡ với các đối tác là tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới, Nghệ An còn duy trì các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nghĩa với các tỉnh, thành phố thuộc các quốc gia như: TP Vinh với TP Fukuroi của tỉnh Shizuoka (Nhật Bản); TP Namyangju (Hàn Quốc) với TP Vinh; Nghệ An với các tỉnh biên giới giữa Lào và Việt Nam…

vinh-nghe-an-1353.jpg
Cầu vượt đường sắt cửa ngõ phía Bắc - TP. Vinh, Nghệ An

Bằng các mối quan hệ hữu nghị nói trên, Nghệ An đã tranh thủ được sự ủng hộ của các Bộ, ngành trung ương và các quốc gia trên thế giới để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng của mình nhằm thu hút đầu tư một cách có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, trong thời gian qua, Nghệ An cũng đã đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư dễ dàng giao thương, qua lại. Xác định hạ tầng cơ sở kỹ thuật là động lực tạo đà phát triển cho kinh tế xã hội nên Nghệ An luôn ưu tiên GPMB, nhanh chóng đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng để phục vụ những dự án lớn.

Đơn cử như việc đưa vào sử dụng Cụm cảng biển quốc tế tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc cho tàu 50 nghìn tấn vào bốc dỡ hàng hoá; đường nối QL1A - Nghĩa Đàn – Thị xã Thái Hòa, cầu vượt đường sắt; tuyến đường N5 - D4 nối Quốc lộ 7 với QL 1A và Cụm cảng Cửa Lò…

Tương lai không xa, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có hướng tuyến đi qua cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương), đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An hoàn thành, phát triển cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, sẽ là sự cải thiện lớn về giao thông, tạo đà cho Nghệ An phát triển hơn nữa.

Bước qua năm 2017, lần đầu tiên Nghệ An cũng đã ghi dấu ấn bằng việc hoàn thành đạt và vượt 27/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,25%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây.

Thu ngân sách của Nghệ An trong năm 2017 cũng đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Điều đáng ghi nhận là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Nghệ An đã có nhiều kết quả rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (42,03%), công nghiệp - xây dựng (33,10%) và giảm tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp (24,87%). Đây cũng là một trong những bước tiến đáng ghi nhận để Nghệ An hoàn thiện và đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Nghệ An cũng cần xác định các khâu đột phá mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, công tác cải cách chính sách để thu hút đầu tư, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm về môi trường sản xuất kinh doanh mang tính bền vững hơn nữa.