Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh minh họa
Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An vừa có Báo cáo tình hình thực hiện thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An (tính từ ngày 16/3/2023 đến ngày 15/4/2023).
Theo đó, về kết quả tiếp nhận và xử lý hồ sơ: Tổng số hồ sơ mới tiếp nhận: 336 hồ sơ; Có 119/336 hồ sơ được nộp trực tuyến, đạt tỷ lệ 35,42%; Tổng số hồ sơ đang xử lý: 170 hồ sơ, trong đó: 146 hồ sơ trong hạn giải quyết, 24 hồ sơ tồn đọng từ các kỳ trước chuyển sang.
Việc hướng dẫn hồ sơ của các sở, ngành tại Trung tâm bảo đảm đúng quy định về thủ tục và yêu cầu cơ bản về nội dung, thực hiện đúng nguyên tắc mỗi hồ sơ chỉ hướng dẫn 01 lần. Trong tháng, 100% hồ sơ của nhà đầu tư được giải quyết đúng hạn.
Việc theo dõi và đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ đối với các sở chủ trì được thực hiện thường xuyên và kịp thời. Do vậy, đã tăng cường trách nhiệm của các sở chủ trì trong việc chỉ đạo xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Các cán bộ, công chức, viên chức chấp hành tốt quy chế làm việc của Trung tâm và kỷ cương, kỷ luật hành chính; có phương pháp giao tiếp, ứng xử đúng mực, xác định rõ vai trò đồng hành cùng nhà đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính, không có tình trạng gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư.
-Các sở, ngành chủ trì đã nghiêm túc, tích cực và trách nhiệm trong việc phân công và phối hợp xử lý hồ sơ đầu tư; chủ động tham mưu UBND tỉnh, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết vướng mắc, khó khăn liên quan về áp dụng pháp luật vào giải quyết thủ tục đầu tư.
Một số sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt tỷ lệ cao, lĩnh vực PCCC có 100% hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường đạt 36,36%, Ban quản lý KKT Đông Nam đạt 33,96 % hồ sơ.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế:
Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông cho các nhà đầu tư còn chưa nghiêm túc; các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự làm đúng trách nhiệm phối hợp, chậm trả lời hoặc kéo dài thời gian trả lời đối với các nội dung liên quan dẫn đến thiếu cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư.
Các đơn vị có nhiều hồ sơ chưa trả lời và kéo dài thời hạn giải quyết gồm UBND các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, TP Vinh... cá biệt, có những hồ sơ kéo dài thời hạn giải quyết gần 1 năm (Dự án Cửa hàng xăng dầu Nghi Hương - TX Cửa Lò; Dự án Khu khai thác và chế biến đá xây dựng- huyện Nghĩa Đàn; Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ- huyện Nghi Lộc...); mặt khác, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư còn thiếu chủ động, phối hợp với cơ quan liên quan trong việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến hồ sơ tồn đọng nhiều (có 12/24 hồ sơ tồn đọng do lỗi của nhà đầu tư).
Những nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã, trong thời gian tới:
- Đề nghị các sở, ngành, đơn vị chưa có văn bản trả lời đối với 24 hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn thuộc các lĩnh vực: chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ nguyên nhân, có phương án tháo gỡ, giải quyết và có Văn bản trả lời trước ngày 14/5/2023 để giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư theo đúng quy định.
- Tiếp tục có giải pháp thực hiện tốt Đề án Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 được ban hành tại Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh, trong đó tập trung các nhiệm vụ:
+ Tiếp tục tập trung rà soát các TTHC nội bộ, quy trình thủ tục về đầu tư tại các sở, ngành, địa phương đảm bảo đúng thời gian theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình đối với các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của sở, ban, ngành trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh;
+ Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, vi phạm các quy định, quy trình, thủ tục gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh;
+ Tiếp tục rà soát thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân theo đúng quy định;
+ Định kỳ hằng tháng thực hiện rà soát, báo cáo kết quả giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết quả thực hiện các Thông báo kết luận, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về số hoá và tái sử dụng kết quả số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp theo quy định. Trong đó, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền thực hiện của các sở, ban, ngành cấp tỉnh do các bộ, ngành triển khai cung cấp thuộc các lĩnh vực như: Đăng ký doanh nghiệp; Quản lý đầu tư nước ngoài; Cấp Giấy chứng nhận QSD đất; Giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô; hộ tịch điện tử; Lý lịch tư pháp; Đăng ký, cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh; Xây dựng,...
- Các sở, ngành, đơn vị tiếp tục rà soát nhiệm vụ theo Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030 để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc và đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm theo các Kế hoạch: số 771/KH-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06; số 63/KH-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023;
- Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện việc kiện toàn, đầu tư cơ sở vật chất tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo đúng yêu cầu, tiến độ tại Công văn số 2608/UBND-KSTT ngày 06/4/2023 của UBND tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận 100% hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
-Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo đột phá trong cải cách hành chính theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo đó:
- Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giải quyết 100% hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện;
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải tiếp tục rà soát dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền thực hiện của ngành do các Bộ triển khai cung cấp thuộc các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp; Quản lý đầu tư nước ngoài;
Đăng ký hộ tịch; Lý lịch tư pháp; Cấp đổi giấy phép lái xe... để tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị các Bộ tích hợp, công bố, công khai và đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ đầy đủ, chính xác, thường xuyên trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, bảo đảm đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg; đồng thời hạn chế các thao tác của cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại địa phương trên nhiều hệ thống;
- Đẩy thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Đức Dũng