bna-1-6661.png

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Chiều 25/11, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác tham mưu giúp việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và công tác thẩm tra, thẩm định giai đoạn 2021-2025”. Dự và chủ trì hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh, Chi cục phát triển nông thôn.

Năm 2022, kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch, các địa phương vừa phát triển kinh tế vừa xây dựng nông thôn mới nên gặp rất nhiều khó khăn; Các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 đều là các xã thuộc khu vực miền núi, kinh tế khó khăn, việc huy động nguồn lực hạn chế. Đây cũng là năm đầu triển khai bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới các cấp độ của giai đoạn 2021-2025 nên có nhiều nội dung, chỉ tiêu mới yêu cầu cao hơn, khó thực hiện hơn; Nguồn vốn, xi măng phân bổ chậm do nhiều nguyên nhân…

bna-cham-xi-mang-8926.png

Người dân Anh Sơn đóng góp ngày công xây dựng các công trình tại địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Vượt qua các khó khăn đó, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, các chỉ tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An năm 2022 cơ bản hoàn thành. Theo đó, dự kiến hết năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Đô Lương và huyện Diễn Châu); có thêm 36 sản phẩm được công nhận OCOP (tiêu chuẩn 3 sao). Bình quân toàn tỉnh đạt 16,92 tiêu chí/xã.

Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như: công tác tham mưu còn chậm, chất lượng chưa cao, các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của các ngành ban hành còn chậm, tham mưu cấp xi măng còn chậm; một số địa phương tổng hợp đề xuất kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 chậm và điều chỉnh đề xuất nhiều lần làm chậm tiến độ tổng hợp trình UBND tỉnh của cơ quan thường trực chương trình; nhiều địa phương mới chú trọng thực hiện các nội dung tiêu chí nông thôn mới do cấp xã đảm nhận, chưa thực sự quan tâm đầy đủ việc thực hiện các nội dung ở cấp thôn, bản và hộ gia đình.

bna-stc-5733.png

Đại diện Sở Tài chính trao đổi về việc cung cấp xi măng xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Phúc

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, sở, ngành đã có ý kiến tham luận, đề xuất các chính sách hỗ trợ; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Việc chậm hỗ trợ xi măng cho các địa phương ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng; các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều là các xã miền núi khó khăn nên việc huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí còn nhiều hạn chế; cần cân đối và nâng mức thưởng xã nông thôn mới lên mức cao hơn để phù hợp tình hình mới. Riêng tại các xã miền núi đặc biệt khó khăn thì khi đã đạt chuẩn nông thôn mới bị cắt hết mọi chế độ hỗ trợ nên người dân giảm động lực...

Bên cạnh đó là những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện tiêu chí về thiết chế văn hoá; tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

bna-tk-4909.png

Hồ Phi Triều - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế, đăng ký kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023 của các địa phương, năm 2023 dự kiến sẽ có thêm 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã.

Thanh Phúc