Sáng 17/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Hội nghị kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của doanh nghiệp nước ngoài ở trong và ngoài nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Nghệ An.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng
NGHỆ AN CHUẨN BỊ "5 SẴN SÀNG" ĐÓN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đề dẫn về "Bối cảnh trong nước và quốc tế: Cơ hội và thách thức - Giải pháp nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới". Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, khi dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với các lợi thế như: kinh tế, chính trị, xã hội ổn định; nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao; nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, tiếp tục hoàn thiện; vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực; sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Đại diện Eurocham: "Chúng tôi tin chắc rằng, Việt Nam cũng sẽ vượt qua khó khăn hiện tại và đất nước chắc chắn sẽ tái thiết mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có những đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp mới. Các địa phương cũng sẽ có tham luận về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu phản hồi, tiếp thu chính sách.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong 3 năm gần đây, trước sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư, tỉnh có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đó là xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; Thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai thủ tục Dự án FDI. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án trọng điểm đã được giảm 2/3 theo quy định; Hỗ trợ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp FDI, nhất là hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối, tuyển dụng lao động; Phát huy vai trò của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư thứ cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,8 tỷ USD vốn FDI, trong đó, có 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất điện tử, công nghệ như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Lần đầu tiên, trong 8 tháng năm 2022, tỉnh Nghệ An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Đầu tư nước ngoài vào tỉnh Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, quy mô các dự án ngày càng lớn và tiếp tục mở rộng, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này đã chứng minh sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư, vào sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền tỉnh Nghệ An.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá được các thuận lợi, khó khăn và chuẩn bị điều kiện để tiếp tục đón làn sóng đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh gọi là "5 sẵn sàng". Đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”.
TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI YÊN TÂM ĐẦU TƯ
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến chính đáng tại hội nghị, tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: Giữ vững ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; Hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen, nhưng Việt Nam xác định, khó khăn, thách thức là nhiều hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện hiệu quả 4 ổn định: Ổn định kinh tế vĩ mô; Ổn định các các loại thị trường; Ổn định và nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân; Ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm vào đầu tư.
Bên cạnh đó, thực hiện 3 tăng cường: Tăng cường nắm tình hình, kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả, linh hoạt đối với tình hình khó lường hiện nay; Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó có người lao động, tăng cường công tác an sinh xã hội; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hệ thống quản lý Nhà nước. Thực hiện 2 đẩy mạnh: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm các chi phí không cần thiết, trong đó, có chi phí đầu vào của doanh nghiệp và không điều hành kinh tế giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Chính phủ sẽ tập trung tư duy điều hành trên tinh thần: Đảm bảo sự ổn định trong sự bất định; Giữ được sự chủ động trong thế bị động; Kiên định, nhất quán trong điều kiện có sự tác động nhiều chiều từ bên trong và bên ngoài; Thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với khủng hoảng, suy thoái của kinh tế thị trường có thể xảy ra; Hội nhập, thiết lập được phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế lành mạnh.
Mặt khác, trong mọi hoàn cảnh luôn luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho các tư duy đổi mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần cân đối hợp lý, linh hoạt, trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, các vùng, miền, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch, các mục tiêu, yêu cầu phát triển theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; chủ động đánh giá, rà soát các điều kiện cần thiết về pháp lý, hạ tầng, năng lượng, lao động; nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới.
Đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực thuộc công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; Xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, kết nối hỗ trợ các nhà đầu tư; có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp đối với các ngành, lĩnh vực mà có lợi thế cạnh tranh; chủ động hình thành các trung tâm năng lượng lớn, đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; nghiên cứu đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp; Tập trung nâng cao năng lực, nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chia sẻ với Việt Nam những thách thức, khó khăn vì Việt Nam đang chuyển đổi, đang phát triển trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ". Nghiêm túc tuân thủ luật pháp, điều kiện phát triển bền vững, các quy định về an ninh, quốc phòng, đề cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Phạm Bằng