Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh phải thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ ngày 31.7 đến 17 giờ ngày 6.8. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển (thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia với 17 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước).

Để đảm bảo an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến, Bộ GD-ĐT đã chia lịch để thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ đăng ký xét tuyển theo các tỉnh/thành phố (nơi thí sinh đã nộp hồ sơ) thành 6 đợt.

Trong đó, đợt 1 gồm các tỉnh/thành: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Đợt 2 gồm các tỉnh/thành: Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng.

Đợt 3 gồm các tỉnh/thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Đợt 4 gồm các tỉnh/thành: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.

Đợt 5 gồm các tỉnh/thành: TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh. Đợt 6 gồm các tỉnh/thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Sau thời gian nộp lệ phí xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai công tác lọc ảo từ ngày 13.8 đến 17 giờ ngày 17.8 và được thực hiện 6 lần.

Ở mỗi lần lọc ảo, phần mềm sẽ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống. Các trường sau đó điều chỉnh điểm chuẩn và danh sách thí sinh cho sát chỉ tiêu, rồi tải lên hệ thống để tiếp tục lọc.

Lần lọc ảo cuối cùng hoàn thành vào 16 giờ ngày 17.8. Chậm nhất 1 giờ sau đó, các trường đại học nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát lại và chuẩn bị công bố kết quả. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.

z5657703782898_461155120208aff73-1722968349862.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Trần Hiệp)

Bộ GD-ĐT yêu cầu trước 17 giờ ngày 19.8, các cơ sở đào tạo thông báo điểm chuẩn, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trước 17 giờ ngày 27.8, thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Mùa tuyển sinh năm 2024, có khoảng trên 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hơn 1 triệu em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này khá cao, đạt 68,5%. Trong khi 2 năm trước đây, tỷ lệ này lần lượt là 66,5% và khoảng 64%.

Tương tự như mọi năm, năm nay, có tổng cộng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều em đăng ký. Khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, tức là ngành sư phạm có số lượng thí sinh đăng ký rất đông.

Lĩnh vực khoa học đào tạo giáo viên tăng 85% số nguyện vọng so với năm 2023; lĩnh vực khoa học tự nhiên số lượng nguyện vọng tăng 61%. Trong khi đó, có một số lĩnh vực giảm như kinh doanh và quản lý giảm 3% số lượng nguyện vọng; máy tính và công nghệ thông tin giảm khoảng 5%. Tổng thể ở khối STEM, số nguyện vọng chiếm khoảng 30%. Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%.