Thu nhập cao từ kinh tế vườn

Trên diện tích đất vườn gần 3.000m2, ông Nguyễn Văn Trung (xóm 9, xã Nghi Đức) trồng các loại cây ăn quả lâu năm như: Na, ổi, hồng gáo, bưởi… cùng hoa, cây cảnh để bán ra thị trường. Tuy nhiên, do không có quy hoạch, nên các loại cây phân bố không hợp lý, năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, khi Thành phố triển khai xây dựng vườn mẫu nông thôn mới, đọc báo, nghe đài, biết nhiều thông tin về những hiệu quả mà vườn mẫu ở các địa phương trong tỉnh cũng như tỉnh bạn Hà Tĩnh, ông Trung đăng ký xây dựng vườn chuẩn.

anh-1-tham-dinh-vuon-bac-trung.jpg
Thẩm định vườn ông Nguyễn Văn Trung

Trước hết là quy hoạch lại vườn theo đúng sự tư vấn của Hội làm vườn tỉnh, Thành hội, Hội Nông dân xã; tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức về xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Đồng thời, đầu tư kinh phí để chỉnh trang lại vườn, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động; xây dựng 2 bể ủ phân vi sinh; lát gạch block tạo các lối đi... Ông Trung cho biết: “Các khu nuôi trồng được quy hoạch khoa học, hợp lý. Theo đó, trong khu vực trồng cây ăn quả lâu năm cũng bố trí lại, chỗ nào na, chỗ nào hồng, chỗ nào bưởi; khu vực trồng cây cảnh; khu vực trồng rau; khu vực nuôi cá… Phân ra rõ ràng như vậy giúp mình điều tiết nước tưới phù hợp, tiện chăm sóc từ làm cỏ, bón phân đến thu hoạch. “Mùa nào thức nấy”, 4 mùa vườn tôi đều có sản phẩm bán ra thị trường, đem lại thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng/năm, là sinh kế chính của gia đình”, ông Trung cho biết.

Là người kinh doanh hoa, cây cảnh lâu năm, ông Trần Ngọc Quyết, xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông cũng là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vườn. Trên diện tích 1.200m2, ông bố trí thành các nhà màng, nhà lưới hiện đại với từng ô, thửa khoa học. Trong đó, có một nhà lưới chuyên ương trồng hoa giống (cúc, ly, tuy lip, thược dược…) để cung ứng cho các nhà vườn khác; một nhà lưới chuyên trồng hoa cắt cành để bán ra thị trường và một nhà màng chuyên trồng rau ngắn ngày và một ao vừa nuôi cá, vừa là nguồn nước tưới cho hoa, cho rau… Thu nhập từ kinh tế vườn của gia đình ông Quyết lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động. Có được hiệu quả đó, một phần là nhờ áp dụng các kiến thức xây dựng vườn mẫu nông thôn mới với phát triển kinh tế vườn.

phat-trien-kinh-te-vuon-dang-la-huong-di-duoc-nhieu-nong-dan-ngoai-thanh-Vinh--trien-khai-co-hieu-qua.JPG
Phát triển kinh tế vườn đang là hướng đi được nhiều nông dân ngoại thành Vinh triển khai có hiệu quả

Theo thống kê sơ bộ, ở các địa phương như Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên, Hưng Đông… kinh tế vườn, chủ yếu là rau, hoa, cây cảnh là thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Có những khu vườn doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng/năm như: Vườn anh Hải Dung (Nghi Ân), vườn anh Nguyễn Văn Quang (Nghi Liên), vườn ông Lê Quang Hùng (Hưng Hoà), ông Trần Ngọc Quyết (Trung Mỹ)…

Nhiều “cái khó” nhưng không “bó cái khôn”

Bắt tay vào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới, thành phố Vinh gặp không ít khó khăn như: Quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh, diện tích đất vườn của các gia đình nhỏ, nhiều diện tích nằm trong các quy hoạch dự án... Trong quá trình xây dựng, một số vườn đang xây dựng vườn chuẩn thì bị ảnh hưởng do thi công các dự án lân Đông do tính chất kinh doanh, thường xuyên có xe lớn ra vào, nên không thể hoàn thiện tiêu chí đường đi trong vườn, hàng rào xanh, bố trí quy hoạch vườn... Trước những khó khăn, thách thức đặt ra từ thực tiễn, Hội Nông dân thành phố Vinh đã có những phương án “mềm” để triển khai phong trào đạt hiệu quả cao nhất.

Hoa-cay-canh-dang-la-loi-the-phat-trien-kinh-te-vuon-o-nhieu-dia-phuong-thanh-pho-Vinh.JPG
Hoa, cây cảnh đang là lợi thế phát triển kinh tế vườn ở nhiều địa phương thành phố Vinh

Theo đó, từ năm 2019, Hội Nông dân Thành phố Vinh bắt tay vào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Để tạo “hạt nhân” cho phong trào, làm điển hình từ đó nhân ra diện rộng, Hội đã lựa chọn gia đình anh Nguyễn Văn Quang để triển khai. Sau thành công của vườn anh Quang, thấy rõ hiệu quả của việc xây dựng vườn mẫu đem lại, các hộ dân ở Nghi Liên đã dần thay đổi nhận thức, nhiều gia đình đã tự chỉnh trang, quy hoạch lại vườn. Bà Nguyễn Thị Hoài Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Liên cho biết: “Nắm bắt nhu cầu của người dân, đặc biệt là phát huy kết quả đề án cải tạo vườn tạp, các chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế vườn, phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương như hoa, cây cảnh ở Nghi Liên, rau an toàn theo hướng VietGAP, mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Isarel, các mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm, nuôi đà điểu ...Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện để triển khai thực hiện xây dựng vườn chuẩn NTM. Hiện, toàn xã đã có 2 vườn mẫu được công nhận; hiện đang chờ thẩm định 10 vườn, hầu hết các vườn đạt thu nhập từ vườn: 45 triệu đồng – 250 triệu đồng từ hoa, cây cảnh, tiền bán gà thịt, trứng gà sạch...”.

Xay-dung-vuon-chuan-mang-lai-loi-ich-kep-vua-dam-bao-moi-truong-canh-quan-xanh-sach-dep-vua-nang-cao-thu-nhap--.jpg
Xây dựng vườn chuẩn mang lại lợi ích kép, vừa đảm bảo môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp vừa nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn kiến thức xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu cho nông dân; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng vườn chuẩn ở các huyện bạn; lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ thêm cho các hộ về nguồn lực xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn; ở các địa phương, tích cực hỗ trợ người dân quy hoạch vườn, hỗ trợ ngày công chỉnh trang vườn... Đồng thời, tư vấn cho người dân thiết kế, bố trí vườn phù hợp với diện tích nhỏ, đất ngập nước (làm giàn, nhiều tầng, làm mái che, hệ thống tưới tiêu và cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp); hướng dẫn, vận động các hộ trồng và kinh doanh hoa cây cảnh làm lối đi và hàng rào linh hoạt, không xây kiên cố, phù hợp với đặc thù kinh doanh hoa cây cảnh. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ men vi sinh để các hộ xây dựng hố ủ, hình thành phân loại rác thải sinh hoạt và phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân vi sinh. Sử dụng đệm lót sinh học đối với chuồng chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, toàn thành phố đã có 04 vườn mẫu NTM; Năm 2022, xây dựng 20 vườn, dự kiến 10-12 vườn đạt chuẩn NTM. Ông Trương Văn Huệ, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Vinh cho biết: “Điều quan trọng không phải là phong trào mà là hiệu quả kinh tế từ vườn mẫu mang lại; các vườn cơ bản là vườn sản xuất, theo hướng VAC, hoa, cây cảnh, mang lại thu nhập từ 60-500 triệu đồng/năm. Đặc biệt là góp phần tích cực trong cải thiện môi trường, cảnh quan ở các địa phương; góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM nâng cao…”.