- Cử tri gồm 12 hộ dân bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm có giải pháp bố trí chỗ ở an toàn cho 12 hộ dân bị mất nhà do cơn lũ ngày 30, 31/8/2018 gây ra, vì hơn 05 năm nay vẫn chưa có chỗ ở, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương: 12 hộ dân ở bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương nằm trong 65 hộ bị sạt đất, trôi nhà ở do bị ảnh hưởng thủy điện Bản Vẽ xả lũ (ngày 30, 31/8/2018). Trong đó 02 hộ thuộc diện đăng ký di dân tự do theo nguyện vọng và 63 hộ đăng ký vào khu tái định cư (17 hộ vào khu TĐC bản Minh Phương và 34 hộ vào khu TĐC bản Lả, xã Lượng Minh). Tuy nhiên, xã Lượng Minh có địa hình đồi núi dốc, không có mặt bằng để bố trí đất ở tái định cư tập trung cho 63 hộ dân mà chỉ bố trí hai khu tái định cư được cho 51 hộ. Còn 12 hộ, không có quỹ đất để bố trí khu tái định cư tập trung do các địa điểm lựa chọn có nguy cơ sạt lở cao, không đủ an toàn cho người dân về lâu dài, nên UBND huyện vận động nhân dân tự tìm đất ở, di dân tự do theo nguyện vọng theo hình thức xen ghép trong các khu dân cư của các bản, đảm bảo chỗ ở theo phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số.
- Về chế độ hỗ trợ: 12 hộ dân bản Lạ, xã Lượng Minh đã được hỗ trợ mỗi hộ 70 triệu đồng/hộ (trong đó 20 triệu/hộ được hỗ trợ theo Quyết định 54/2016/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về quy định các chế độ chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An và 50 triệu/hộ được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa của các nhà máy thủy điện trên địa bàn và các nguồn hợp pháp khác). Ngoài ra trong 12 hộ này có 03 hộ nghèo (hộ Vi Văn Thoan vợ là Vi Thị Lan, hộ Lim Văn Cáng và hộ Vi Văn Dạng) được hỗ trợ thiếu đất ở theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền 40 triệu/hộ.
- Hiện trạng về đất ở và nhà ở: Trong 12 hộ, hiện nay có 05 hộ đã có đất ở và nhà ở ổn định, còn 07 hộ chưa có đất ở, nhà ở và đang ở nhờ nhà người thân trong bản.
- Giải pháp đảm bảo ổn định về đất ở và nhà ở cho các hộ dân trong thời gian tới: UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2030. Trong thời gian tới, sau khi chính sách được ban hành, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Tương Dương triển khai thực hiện để hỗ trợ cho nhân dân đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.
- Cử tri Lo Văn Cường, người uy tín bản Văng Môn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương phản ánh việc máy cày thuộc Dự án theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tưởng Chính phủ do cơ quan điều tra thu hồi, nay chưa thấy trả lại. Đề nghị trả lời có trả nữa hay không để Nhân dân được biết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn I (2016 – 2020) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 với tổng nguồn kinh phí đã được giao và thực hiện là: 28.181.000.000 đồng (Hai mươi tám tỷ một trăm tám mươi mốt triệu đồng).
Trong quá trình triển khai thực hiện có một số hạng mục chi không đúng đã bị cơ quan điều tra thu hồi. Theo Bản án số 170/2021/HS-ST ngày 19/11/2021 của TAND tỉnh, tổng số tiền sai phạm là 1.042.731.000 đồng (Một tỷ, không trăm bốn mươi hai triệu, bảy trăm ba mươi mốt nghìn đồng), trong đó có hạng mục mua máy cày là 224.500.000 đồng.
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính, số tiền 1.042.731.000 đồng thuộc nguồn Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn I: 2016 - 2020 đã kết thúc, Ban Dân tộc tỉnh phải nộp trả ngân sách Nhà nước theo quy định.
- Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công dứt điểm, cụ thể:
+ Nâng cấp mặt đường và mở rộng hệ thống cống thoát nước trên toàn tuyến đường Tỉnh 543B (đoạn từ đầu cầu cứng Cửa Rào vào đến ngã 3 Xiềng Líp). Mặc dù đã được nâng cấp và sửa chữa nhiều lần nhưng ở mức nhỏ lẻ, chắp vá. Các phương tiện giao thông đi lại trên tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây tai nạn do nền đường nhỏ hẹp, mặt đường có nhiều ổ gà, lồi lõm (các cử tri: Lộc Văn Du, Trưởng bản Hào, xã Yên Hòa; Vi Hồng Dương, trú tại bản Lạ, xã Lượng Minh; Lô Văn Đông, trú tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương);
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đường tỉnh 543B dài 37km được chuyển từ tuyến Cửa Rào – Lượng Minh – Vẽ - Yên Hoà, huyện Tương Dương tại Quyết định số 3552/UBND-CN ngày 22/7/2016. Thời điểm nâng thành đường tỉnh, tuyến đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường rộng 3,5m bị hư hỏng, nền đường nhiều vị trí bị xói lở, sạt trượt nhưng chưa được xử lý; hệ thống thoát nước và an toàn giao thông thiếu nhiều và không đồng bộ….
Để đảm bảo ATGT trên tuyến, từ khi tiếp nhận quản lý Sở GTVT đã tập trung thực hiện công tác chỉnh trang tuyến, sửa chữa các hư hỏng mặt đường, xử lý các điểm sạt lở trên tuyến, nạo vét khơi thông cống rãnh, bổ sung sửa chữa hệ thống an toàn giao thông... Trong các năm 2021 - 2022 Sở GTVT đã sửa chữa nền, mặt đường khắc phục hậu quả bão lụt với kinh phí 15,7 tỷ đồng; năm 2023 Sở GTVT đang thực hiện dự án sửa chữa các đoạn Km3+078 - Km4+200 và Km7-Km8+400 với kinh phí 8,4 tỷ đồng, hoàn thành trong Quý 4/2023. Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn nhiều 18,95 km có mặt đường rộng 3,5m, công trình trên tuyến đã xuống cấp cần được sửa chữa như ý kiến cử tri nêu.
Do nhu cầu sửa chữa tuyến đường là rất lớn trong khi nguồn vốn bảo trì còn hạn chế nên việc đầu tư sửa chữa tuyến đường phải ưu tiên các đoạn hư hỏng nặng, đi qua các trung tâm hành chính, khu đông dân cư,... Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Sở GTVT tiếp thu ý kiến cử tri và đã chỉ đạo Đơn vị quản lý tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; đồng thời sẽ tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí sửa chữa các đoạn còn lại trong thời gian tới.
- Các cử tri: Nguyễn Văn Hòa, Phó hiệu Trưởng Trường THCS bán trú xã Xá Lượng; Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú xã Lượng Minh; Kha Văn Thông, Hiệu Trưởng Trường THCS xã Nga My, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu chế độ chính sách cho cán bộ giáo viên nhân viên được giao thêm nhiệm vụ quản lý học sinh tại các trường dân tộc bán trú trên địa bàn huyện với mức hỗ trợ bằng 150% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức và không quá 9 tháng/01 năm hoặc mức hỗ trợ bằng 75.000 đồng/học sinh/tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 19/11/2021 về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3279/QĐ UBND ngày 24/10/2022 phê duyệt Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 63 trường phổ thông dân tộc bán trú, 56 trường phổ thông có học sinh bán trú với khoảng 20.405 học sinh ăn, ở, học tập tại trường. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động bán trú cho học sinh tại các trường phổ thông có học sinh bán trú nhưng cán bộ quản lý, giáo viên chưa được thụ hưởng các chế độ chính sách đặc thù. Để đảm bảo quyền lợi đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên, nhân viên trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành.
- Các cử tri: Nguyễn Hữu Trung, Trưởng bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng; Lữ Văn Liêng, trú tại bản Đình Yên, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét nâng mức phụ cấp đối với cán bộ y tế thôn, bản từ mức 969.500đ/tháng lên mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu công việc và mức sống tối thiểu cho đối tượng này.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Để nâng cao mức phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng tác viên dân số đồng thời đảm bảo có người phụ trách công tác y tế tại khối, HDNĐ tỉnh đã Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, cộng tác viên dân số khối thuộc phường, thị trấn kiêm nhiệm công tác y tế được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 0,35 lần mức lương cơ sở và được hỗ trợ thêm 150.000 đ/tháng; nhân viên y tế xóm, bản kiêm nhiệm công tác dân số tại các xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Nhà nước được hưởng mức hỗ trợ 0,55 mức lương cơ sở và hỗ trợ thêm 150.000 đ/tháng; nhân viên y tế xóm, bản kiêm nhiệm công tác dân số tại các xã còn lại được hưởng mức hỗ trợ 0,35 mức lương cơ sở và hỗ trợ thêm 150.000 đ/tháng.
Phụ cấp của đội ngũ nhân viên y tế xóm, bản phụ thuộc vào quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg nên việc nâng cao hơn nữa mức phụ cấp của đội ngũ này phải chờ thay đổi các quy định của Trung ương.
- Các cử tri Lô Thị Chuyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Hòa; Cụt Xuân Thiện, trú tại bản Côi, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã và thôn, bản khi thực hiện kiêm nhiệm 02 (hai) chức danh cần được hưởng 100% phụ cấp đối với cả 02 chức danh để đáp ứng nhu cầu công việc và mức sống hiện nay.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 về việc quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo đó có sự điều chỉnh để giải quyết những bất cập về chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Hiện nay, Sở Nội vụ đang triển khai rà soát và đề nghị các địa phương đề xuất phương án, báo cáo các nội dung có liên quan để làm căn cứ xây dựng dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HDNĐ dân tỉnh ban hành.
- Các cử tri: Vi Đức Xum, Trưởng bản Tam Hương; Nguyễn Thị Hoài, Bí thư chi bộ làng Bãi Sở; Lương Sĩ Thoại, Bí thư chi bộ bản Tam Liên, xã Tam Quang, huyện Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Thủy điện Khe Bố, Thủy điện Chi Khê giải quyết dứt điểm việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn tồn đọng, đồng thời tổ chức khảo sát các điểm sạt lở phát sinh sau cơn lũ các ngày: 30, 31/8/2018 và khi tích nước làm sạt lở nhiều điểm, ảnh hưởng đến đất ở và đất sản xuất của người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Đối với dự án thủy điện Chi khê: Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo UBND huyện Tương Dương, Công ty Cổ phần Thủy điện Chi Khê thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3997/STNMT-QLĐĐ ngày 16/6/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Đối với Thủy điện Khe Bố:
+ Về rà soát các nội dung tồn đọng: Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các Công văn số 8219/STNMT-QLĐĐ ngày 15/12/2022, số 86/STNMT-QLĐĐ ngày 05/01/2023, đề nghị UBND huyện Tương Dương báo cáo cụ thể việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách bồi thường tái định cư không còn phù hợp theo Quyết định số 4026/QĐ-UBND.CNXD ngày 18/8/2009 của UBND tỉnh phê duyệt dự án tổng thể hợp phần bồi thường GPMB, di dân, TĐC công trình thủy điện Khe Bố, huyện Tương Dương để tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân và đề xuất hướng xử lý gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến các Sở, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
+ Về hỗ trợ khác: UBND tỉnh có Công văn số 8061/UBND-NN ngày 25/9/2023 vể việc chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm dự án Thủy điện Khe Bố; trong đó, giao UBND huyện Tương Dương căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 4385/STC-GLG&CS ngày 20/9/2023 để triển khai thực hiện đúng quy định.
- Cử tri xã Tam Quang, huyện Tương Dương kiến nghị hỗ trợ 2.175 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn (trong đó 675 tấn làm đường giao thông nông thôn loại B dài 4,5km; 1500 tấn xi măng làm đường giao thông nội đồng loại B dài 10km).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Xã Tam Quang huyện Tương Dương là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2017 xã Tam Quang đã được hỗ trợ 1.400 tấn xi măng để thực hiện xây dựng nông thôn mới theo chính sách tại quyết định số 48/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và căn cứ theo quy định tại Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 thì xã Tam Quang huyện Tương Dương không nằm trong đối tượng được hỗ trợ. Trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình thực tế việc xây dựng nông thôn mới của địa phương và trên cơ sở có văn bản để xuất của UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tham mưu, đề xuất trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, quyết định.