1.jpg

head-1_aqnq-ccopy.jpg

Lần đầu tiên, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức đến 07 kỳ họp trong một năm (bao gồm 02 kỳ thường lệ và 05 kỳ chuyên đề). Số lượng kỳ họp cho thấy khối lượng công việc đồ sộ đã triển khai thực hiện. Tinh thần, nguyên tắc làm việc đặt ra xuyên suốt, nhất quán là vừa chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn nhưng phải luôn đảm bảo sự chặt chẽ, nghiêm túc, tuân thủ quy định và quy chế làm việc. Trong số 106 nghị quyết đã được ban hành, nhiều nghị quyết với các cơ chế, chính sách là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển, tạo đà tăng trưởng như: Nghị quyết về tỷ lệ phần trăm nguồn thu tiền sử dụng đất từ các dự án có thu tiền sử dụng đất cho ngân sách cấp tỉnh để tạo nguồn vốn thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò; các Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2022 - 2025, hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng đô thị Thị trấn huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030.

kyhop.jpg

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có những nghị quyết rất quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội như: Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đối với văn hóa cơ sở, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị quyết số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV ngày 11/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành hệ thống các nghị quyết tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, kịp thời để triển khai 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025: Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022 cũng đánh dấu là năm Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiều cuộc giám sát chuyên đề nhất từ trước đến nay. Bốn chuyên đề giám sát là những vấn đề có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trước mắt cũng như lâu dài. Đó là về các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Sau giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực nêu trên.

gs.jpg
Một số hình ảnh Đoàn Giám sát chuyên đề Thường trực HĐND tỉnh

Hoạt động chất vấn, giải trình đi vào những vấn đề dân sinh, những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân đồng thời còn nhiều khó khăn, vướng mắc: việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh xã hội; công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ; việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; công tác đảm bảo an toàn giao thông, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; theo dõi tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Có thể nói, hoạt động giám sát đã soi chiếu toàn diện đến mọi mặt đời sống, khởi nguồn từ tâm tư, tiếng nói của cử tri, nhân dân gửi đến đại biểu và cơ quan dân cử. Giám sát không dừng lại ở đánh giá, đề nghị mà theo dõi, đeo bám đến cùng quá trình triển khai thực hiện những vấn đề đã cam kết thông qua hình thức kỳ chất vấn, giải trình sau đều có xem xét, giám sát kết quả thực hiện nội dung kết luận của kỳ chất vấn, giải trình trước.

Bên cạnh sự toàn diện, trọng tâm về nội dung, phương thức hoạt động của cơ quan dân cử tỉnh tiếp tục được đổi mới, cải tiến hướng đến sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Tinh thần đổi mới bao trùm và xuyên suốt là chuyển đổi số trong mọi hoạt động, đi đầu là hoạt động tại kỳ họp. Đến nay, kỳ họp không giấy đã đi vào nề nếp, bài bản. Hoạt động giám sát ngày càng "tinh, gọn, sâu". Kỹ năng hoạt động của mỗi đại biểu trong và ngoài nghị trường cũng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

bna_54736954_2532022.jpg
Kỳ họp không giấy HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Đồng hành và hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh thời gian qua không thể không kể đến vai trò của công tác thông tin tuyên truyền mà nổi bật là Trang thông tin điện tử đại biểu nhân dân. Trên cơ sở Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang, nhiều chuyên mục đã được mở thêm giúp cho đại biểu dân cử nói riêng và độc giả nói chung có cái nhìn đa chiều, hòa nhịp cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Tin, bài trên Trang tăng cả về số lượng và chất lượng. Sự kết nối hoạt động trở nên thông suốt, sâu rộng từ nghị trường Quốc hội đến hoạt động của Hội đồng nhân dân cơ sở. Số lượng truy cập, theo dõi Trang tăng nhanh (trung bình xấp xỉ 10.000 lượt/ngày), đội ngũ cộng tác viên thường xuyên đã phát triển lên 80 người.

head-2_poma-copy.jpg

Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh thời gian qua không những ghi dấu ấn trong hệ thống chính trị, được cử tri và nhân dân đánh giá cao mà thực sự đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ xuống Hội đồng nhân dân cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tổ chức kỳ họp không giấy đã và đang trở thành xu thế của Hội đồng nhân dân các cấp. Đến nay, rất nhiều đơn vị cấp huyện đã tổ chức bài bản kỳ họp không giấy như: Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu v.v...Thậm chí, Hội đồng nhân dân cấp xã miền núi Châu Lý, huyện Quỳ Hợp cũng đã triển khai được mô hình này.

kgiay.jpg
HĐND cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tổ chức kỳ họp không giấy

Nhiều nội dung quan trọng, ách yếu được Hội đồng nhân dân tỉnh đưa vào giám sát, chất vấn, giải trình cũng đã được Hội đồng nhân dân cấp huyện tiếp nối triển khai. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên giải trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Hội đồng nhân dân huyện Tân Kỳ cũng đã tổ chức phiên giải trình, Hội đồng nhân dân huyện Diễn Châu tiến hành chất vấn, Hội đồng nhân dân huyện Nam Đàn tổ chức giám sát về nội dung này. Kỳ họp cuối năm vừa qua, Hội đồng nhân dân huyện Diễn Châu chất vấn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quản lý lao động - chuyên đề đã được Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát...

hnc.jpg
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện được duy trì và phát huy hiệu quả. Cùng với đó, các hội nghị tập huấn, hoạt động kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh có sự tham dự của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân cấp huyện đã tăng thêm tính kết nối giữa Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân các huyện cũng đề nghị sắp tới đây được dự phiên thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân tỉnh. Nếu triển khai được nội dung này thì sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn sâu sẽ giúp cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng hiệu quả.

Từ kết quả đạt được của năm 2022, năm 2023 mở ra hứa hẹn về những đóng góp quan trọng, tiến tới một nhiệm kỳ thành công của Hội đồng nhân dân tỉnh nói riêng và Hội đồng nhân dân các cấp nói chung./.