Khi nào thì người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Cử tri Lương Công Tiến ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cho biết, gia đình ông cũng như rất nhiều hộ dân ở xã Ngọc Lâm chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với phần đất có nguồn gốc nông, lâm trường đã hàng chục năm nay. Vì vậy, khi biết tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh sáng 7/12 diễn ra phiên chất vấn của các đại biểu, cử tri đối với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông đã theo dõi rất chăm chú.
Qua theo dõi, cử tri Lương Công Tiến cho biết, phần báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cử tri thấy khá toàn diện về hiện trạng, những tồn tại, hạn chế trong khai thác, sử dụng quỹ đất thu hồi từ nông, lâm trường, các tổng đội TNXP. Đồng thời, cũng cho thấy được những giải pháp mà lãnh đạo các cấp ngành đã đưa ra.
Những câu hỏi của đại biểu đưa ra tại hội trường, như đại biểu các huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu… nêu các bất cập rất sát với địa bàn, mong muốn cấp trên có biện pháp cụ thể hơn, thì phần trả lời, các đại biểu tuy nêu được giải pháp giải quyết vấn đề, song điều cử tri quan tâm nhất vẫn là thời gian nào thì sẽ giải quyết xong, khi nào người dân được cấp quyền sử dụng đất thì chưa có đại biểu nào khẳng định.
Cử tri Nguyễn Quang Hợp ở thành phố Vinh cho biết, cử tri không chỉ thường xuyên theo dõi thông tin, hoạt động các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, mà còn thường xuyên cập nhật tin tức trên các báo, đài địa phương. Qua đó, cử tri thấy rằng không chỉ tại Kỳ họp thứ 17 này, mà trước kỳ họp, các cơ quan báo chí đã phản ánh khá đa chiều, nhiều bài sâu về những khó khăn, vướng mắc, bất cập mà các cấp xã, huyện không thể giải quyết, và phải cần sự vào cuộc của các sở, ngành, UBND tỉnh.
Trong đó, có khó khăn về kinh phí thực hiện trích đo, lập quy hoạch để thu hồi đất, giải quyết vấn đề chồng lấn đất đai của các nông, lâm trường, tổng đội TNXP với đất của người dân. Tại phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời sẽ tiếp tục tham mưu xử lý, và có nêu được khá nhiều giải pháp, nhưng chưa thấy có giải pháp nào khắc phục khó khăn về nguồn cán bộ chuyên môn ở cơ sở, và thời gian nào sẽ xử lý xong? Vì đây có thể thấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm trễ và vướng mắc ở các khâu tiếp theo.
Cử tri Nguyễn Quang Hợp cũng bày tỏ, về phần tổng kết nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý, cử tri rất đồng tình, cho thấy quan điểm quyết liệt trong nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai của lãnh đạo tỉnh với nhiều giải pháp cụ thể. Với tinh thần chỉ đạo đó, cử tri hy vọng vướng mắc, bất cập nêu ra sẽ sớm được giải quyết.
Sớm hoàn thành thủ tục bàn giao đất cho địa phương và người dân
Cử tri Lê Văn Toan, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho biết: Đối với địa phương Châu Bình, trong những năm qua, Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn đã thực hiện các đợt bàn giao đất lâm trường cho xã với tổng diện tích trên 900 ha. Trong đó có khoảng 500ha đã bị người dân xâm canh, xâm cư từ trước khi lâm trường trả về, còn hơn 400ha đất sau khi nhận bàn giao tại thực địa xã đã tổ chức giao đất cho các hộ dân thiếu đất theo quy định.
Mặc dù vậy, diện tích này chủ yếu là đất đồi cao, chỉ thích hợp trồng cây keo, đối với các cây lâm nghiệp hay cây ăn quả khác đều không đạt hiệu quả kinh tế. Chính quyền xã Châu Bình mong muốn các sở, ban, ngành, đơn vị, phía lâm trường phối hợp để có các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân trên diện tích đất đã bàn giao; tập trung vào việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trồng keo cho bà con, nâng cao hiệu quả rừng trồng.
Ngoài ra, hiện nay phía Lâm trường Cô Ba đang tiếp tục chuyển giao khoảng 200ha đất cho địa phương quản lý. Chính quyền xã mong muốn các ban, ngành phối hợp với lâm trường hoàn tất thủ tục chuyển giao sớm để địa phương chia cho bà con để người dân có đất sản xuất.
Cử tri Cao Tiến Thìn, xã Tân An, huyện Tân Kỳ cho biết: Đối với địa phương Tân An, trên địa bàn có Nông trường An Ngãi trước đây quản lý 2.453ha, đến nay phía nông trường đã bàn giao về cho địa phương hơn 1.300 ha, song chủ yếu là đất vườn tạp, đất núi đá, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đất giao thông, đất chuyên dùng khác… Do đó, thực tế đất để địa phương bàn giao cho người dân sản xuất vẫn còn thiếu.
Do đó, bà con và chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành cũng như phía Nông trường An Ngãi tiếp tục thực hiện công tác chuyển giao đất về cho địa phương và nhân dân theo các quy định để người dân ổn định sinh kế lâu dài.
Cần rõ trách nhiệm các bên liên quan trong các vi phạm
Cử tri Trần Văn Hạnh ở thôn Tân Dân, xã Bồng Khê (Con Cuông) cho biết, qua theo dõi chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Hoàng Quốc Việt- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cử tri nhận thấy 12 câu hỏi đặt ra khá trọng tâm, trọng điểm, các câu hỏi đi thẳng vào vấn đề công tác quản lý đất lâm trường trước đây được đông đảo cử tri đang quan tâm.
Đối với nội dung trả lời của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cử tri này nhận xét, phần trả lời thẳng thắn, cụ thể, không vòng vo; đảm bảo được các chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý đất đai; làm rõ được những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất lâm trường trước đây.
Trước các đại biểu và cử tri, ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành. Tuy nhiên, cử tri đề nghị Sở cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời cần cụ thể hóa các giải pháp nhằm khắc phục triệt để tình trạng tranh chấp, lấn chiếm sử dụng đất sai mục đích tại các công ty, nông, lâm nghiệp… nhằm chấm dứt các bất cập, vi phạm liên quan vấn đề giao khoán đất nông, lâm nghiệp, phát huy hiệu quả sử dụng đất đai.
Hoài Thu - Quang An - Bảo Hân