Trong lịch sử, phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là một việc rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào. Lịch sử phát triển của đất nước ta từ thời dựng nước đến ngày nay, việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi danh xưng mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng chính thể nhà nước đó, đại diện cho một quốc gia có chủ quyền, ghi dấu ấn về lịch sử và văn hóa sâu sắc của dân tộc. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, xác định năm “khai sinh” tên gọi địa danh là mong muốn thiết tha của nhiều địa phương trên cả nước.

Dưới thời Trần, một số địa phương tại Nghệ - Tĩnh có tên gọi như sau:

Nha Nghi, tức Nghi Xuân hiện nay

Phi Lộc, tức Can Lộc hiện nay

Đỗ Gia, tức Hương Sơn hiện nay

Chi La, tức Đức Thọ hiện nay

Thổ Du, tức Thanh Chương hiện nay

Kệ Giang, một phần Thanh Chương hiện nay

Thổ Hoàng, tức Hương Khê hiện nay

Hà Hoàng, tức một phần Thạch Hà hiện nay

Bàn Thạch, tức một phần Thạch Hà hiện nay

Hà Hoa, tức Kỳ Anh hiện nay

Kỳ La, một phần Kỳ Anh hiện nay

Thạch Đường, một phần Nam Đàn hiện nay

Đông Ngàn, Đông Thành hiện nay

Lộ Bình, Hưng Nguyên hiện nay

Sa Nam, một phần Nam Đàn hiện nay

Về sau, những danh xưng dưới thời Trần như trên đều đã được thay đổi và đặt lại tên từ sự kiện Vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Và để đánh dấu sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn lao này, sang năm Canh Dần, Vua Lê Thánh Tông cũng đã đổi niên hiệu từ Quang Thuận sang Hồng Đức.

Cải tổ hệ thống chính quyền địa phương luôn là vấn đề được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm thực hiện. Trong lịch sử nước ta, công cuộc cải tổ hệ thống chính quyền địa phương dưới triều Vua Lê Thánh Tông (thời Lê) và triều Minh Mệnh (thời Nguyễn) được coi là có quy mô và thành công nhất và gần như tồn tại cho đến tận ngày nay.

ban-do-xu-nghe.jpg
Bản đồ 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Điều đáng tiếc là Đại Việt sử ký toàn thư - bộ chính sử Việt Nam xưa nhất và quan trọng nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn, chỉ ghi thông tin chung về cuộc cái cảnh đó mà không đề cập cụ thể về những địa phương có sự thay đổi về tên gọi. Nhưng rất may mắn là sự việc này lại được bộ chính sử do Quốc sử quán triều Nguyễn là Khâm định Việt sử Thông giám cương mục nhắc đến.

Đây là bộ quốc sử được biên soạn muộn vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nhưng hệ thống tài liệu tham khảo của Cương mục khoảng trên 200 bộ, bao gồm dã sử, thơ văn, các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... Đặc biệt, Cương mục cũng đã tham khảo và dựa trên cơ sở nhiều bộ sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, có tham khảo các sách sử của Trung Quốc cùng các sách sử khác của Việt Nam.

Bộ sách này được viết theo thể “cương mục” của Chu Hi thời Tống, chia ra “cương” (phần tóm tắt gọn và sáng) và “mục” (việc chép rộng ra cụ thể hơn), theo thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại trên cơ sở khảo chứng các sách sử, tư liệu của Việt Nam và Trung Quốc, lời chú thích tên người, tên đất, chế độ thi cử, tổ chức hành chính, rải rác có các lời phê của Vua Tự Đức.

Chính vì vậy, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục là bộ sử lớn thứ hai của Việt Nam, vừa tiếp thu được nhiều thành tựu của các sử gia tiền bối, đồng thời, có nhiều đóng góp riêng có giá trị về sử học. Các nhà nghiên cứu ngày nay đều coi Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục là 2 bộ sử quan trọng làm điểm khởi phát để nghiên cứu các vấn đề liên quan của lịch sử Việt Nam. Cương mục đã “cẩn án” nhiều sự kiện lớn, nhỏ trong lịch sử mà các bộ sử trước đây không ghi chép đến, hoặc ghi chép nhưng nhầm lẫn.

Ví như sự kiện Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đánh Ai Lao, Toàn thư chép địa điểm là “Kiềm Châu”, nhưng văn bia “Ma Nhai kỷ công bi văn” thì địa điểm đó là “Mật châu”; Toàn thư chép mốc thời gian là năm Giáp Tuất, nhưng văn bia “Ma Nhai kỷ công bi văn” lại ghi là năm Ất Hợi. Những dữ liệu mà Cương mục viết ra đều giống với văn bia tại thực địa, nên lời cẩn án từ Cương mục là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi cho rằng, sự kiện Vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) trong Cương mục là hoàn toàn có cơ sở khoa học và có độ xác tín.

van-bia-ma-nhai(1).jpg
Văn bia “Ma Nhai kỷ công bi văn” ở núi Thành Nam (xã Chi Khê, huyện Con Cuông).

Cương mục ghi rõ rằng, tháng 3 năm Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469), Vua Lê Thánh Tông định bản đồ trong nước, đặt 12 thừa tuyên. Trong đó, thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh tất cả gồm 8 phủ, 18 huyện, 2 châu. Cụ thể như sau:

1. Phủ Đức Quang quản lĩnh 6 huyện: Thiên Lộc, La Sơn, Chân Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn và Nghi Xuân;

2. Phủ Diễn Châu quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành và Quỳnh Lưu;

3. Phủ Anh Đô quản lĩnh 2 huyện: Hưng Nguyên và Nam Đường;

4. Phủ Hà Hoa quản lĩnh 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa;

5. Phủ Trà Lân quản lĩnh 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang và Hội Ninh;

6. Phủ Quỳ Châu quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thúy Vân;

7. Phủ Ngọc Ma quản lĩnh 1 châu: Trịnh Cao;

8. Phủ Lâm An quản lĩnh 1 châu: Quỳ Hợp.

Đặc biệt nhất, một thông tin ít người chú ý nhưng lại mang tính then chốt trong việc khẳng định mốc thời gian ra đời một số địa phương, đó chính là gần như tất cả những danh xưng của các huyện trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Nam Đường (Nam Đàn), Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Nghi Xuân, Hương Sơn, Thạch Hà, Kỳ Hoa (Kỳ Anh), đều ra đời vào năm 1469.

Xưa nay, rất nhiều người tán đồng quan điểm tên gọi Thanh Chương ra đời sau năm 1729 do kiêng húy của chúa Trịnh Giang mà đổi từ Thanh Giang sang Thanh Chương. Như nhận định của nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Hùy (đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An tháng 8/2021): "Không phải ngẫu nhiên có đến 6 tài liệu ghi chép việc đổi tên Thanh Giang thành Thanh Chương. Công trình khảo cứu công phu “đặt nền móng cho môn tị húy học Việt Nam” theo đánh giá của GS. Hà Văn Tấn nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại của Ngô Đức Thọ (Nxb Văn hóa 1997), mục Kiêng húy đổi địa danh thời Lê Trung Hưng chép: “Thanh Giang 青江 tên huyện thuộc xứ Nghệ An, sau năm 1729 đổi là Thanh Chương. Nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An”. Như đã nói trên, chúng tôi cho rằng danh xưng Thanh Chương chỉ xuất hiện năm 1729 hay sau năm này. Còn những tác phẩm chép địa danh Thanh Chương có trước mốc này là do người đời sau sửa chữa như nhận định của GS. Hà Văn Tấn”.

sac-phong-cho-ong-tran-van-xa-co-nien-dai-nam-1660-de-cap-toi-ten-goi-thanh-chuong-co-truoc-nam-1729.jpg
Sắc phong cho ông Trần Văn Xạ có niên đại năm 1660, đề cập tới tên gọi Thanh Chương có trước năm 1729. Ảnh: TMC

Chính vì được trích dẫn từ những công trình khảo cứu công phu và giá trị của 2 cây đại thụ trong giới học thuật, nên quan điểm này dễ dàng được chấp nhận và lan tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, những nhận định ở trên là chưa đủ cơ sở và thiếu chính xác. Bởi dựa vào những tư liệu gốc hiện tồn gồm các loại hình văn bản hành chính của 2 triều đại Lê và Nguyễn, như: Văn bia, Sắc phong, Bằng cấp, Lệnh chỉ, Lệnh dụ, Gia chỉ, Cấp phó... đang được lưu giữ tại các dòng họ ngay trên mảnh đất Thanh Chương hiện nay, thì 2 chữ "Thanh Chương" đã được ghi chép rất rõ ràng từ trước năm 1729. Xin được nêu một số dẫn chứng cụ thể như sau:

Tại Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia: phần mộ và đền thờ Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, xã Thanh Xuân, lưu giữ đạo sắc phong cho ông Trần Văn Xạ, vì có công đi theo Phú Quận công Trịnh Căn để đánh dẹp quân đội Thuận Quảng, mang niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3, tức năm 1660, ghi rõ: “Sắc Thanh Chương huyện, Bích Triều xã Trần Văn Xạ...”; và đạo sắc phong cho ông Trần Văn Lâm được phong ấn tước Kim Nghĩa hầu mang niên hiệu Chính Hòa năm thứ 8, tức năm 1687, ghi rõ: “Sắc Thanh Chương huyện, Bích Triều xã Trần Văn Lâm…”; đạo sắc phong cho Trần Hưng Chuy được thăng lên chức Đô thiêm, có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10, tức năm 1714, ghi rõ: “Sắc Thanh Chương huyện, Bích Triều xã, Chính đội trưởng Hoằng tín đại phu Thực Dụng hầu Trần Hưng Chuy…”.

sac-phong-cho-ong-tran-hung-chuy-co-nien-dai-nam-1714-de-cap-toi-ten-goi-thanh-chuong-co-truoc-nam-1729.jpg
Sắc phong cho ông Trần Hưng Chuy có niên đại năm 1714, đề cập tới tên gọi Thanh Chương, có trước năm 1729. Ảnh: TMC

Bên cạnh những tư liệu bằng giấy, thì tư liệu văn khắc trên đá tại địa phương cũng ghi nhận nội dung tương tự. Văn bia Kiên nghĩa, hiện đặt tại nhà thờ danh tướng Trần Hưng Học, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, viết về võ công của 2 vị tướng Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng trong cuộc đại chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh lần thứ 5 (1655 - 1660). Văn bia này dựng vào "Hoàng triều Chính Hòa vạn vạn niên chi thập cửu Mậu Dần trọng hạ cốc nhật"(Ngày lành giữa mùa Hè năm Mậu Dần, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 19) tức năm 1698, trong đó có câu: “… Đinh Dậu lục nguyệt tặc phạm Thanh Chương/ tháng 6 năm Đinh Dậu, giặc xâm phạm Thanh Chương…”. Năm Đinh Dậu được nói đến ở đây quy sang năm dương lịch là năm 1657.

Văn bia "Hậu thần bi" hiện đặt tại nhà thờ danh tướng Trần Hưng Nhượng, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, dựng vào "Hoàng triều Chính Hòa vạn vạn niên chi thập cửu Mậu Dần quý hạ" (Ngày lành cuối mùa Hè năm Mậu Dần, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 19) tức năm 1698. Trong văn bia có câu: “…Mậu Thành hầu tính Trần húy Văn Cảnh, nãi Thanh Chương Bích Triều nhân dã/ Mậu Thành hầu họ Trần, tên húy là Văn Cảnh, là người ở Bích Triều, Thanh Chương vậy…”.

van-bia-kien-nghia-trai-va-van-bia-hau-than-bi-co-nien-dai-nam-1698-de-cap-toi-ten-goi-thanh-chuong-co-truoc-nam-1729.png
Văn bia Kiên nghĩa (trái) và Văn bia Hậu thần bi có niên đại năm 1698, đề cập tới tên gọi Thanh Chương, có trước năm 1729. Ảnh: TMC

Qua những tư liệu gốc này, tất cả đã cùng xác nhận danh xưng "Thanh Chương" có trước năm 1729. Như vậy, nhận định " danh xưng Thanh Chương chỉ xuất hiện năm 1729 hay sau năm này" là hoàn toàn không chính xác.

Lịch sử là những cái đã qua, nên không một ai có thể thấy tận mắt nghe tận tai những gì xảy ra ngày trước. Như vậy, nếu muốn biết lịch sử như thế nào, chúng ta chỉ có thể dựa vào những tư liệu và chứng cứ đủ độ tin cận thông qua Bằng chứng gốc (original evidence) và Tài liệu gốc (primary documents). “Gốc” tức là tư liệu đó chưa từng trải qua sự sao chép hay viết lại. Và quan trọng hơn là tư liệu kia phải trực tiếp tham gia vào sự kiện được nói đến. Tất cả bằng chứng cứ liệu lịch sử trong 6 cuốn sách xác nhận việc Thanh Chương có từ năm 1729 nói trên, đều không trực tiếp tham gia vào những sự kiện mà bản thân nó đề cập tới. Như vậy, độ xác tín thấp hơn rất nhiều so với bằng chứng gốc và tài liệu gốc.

Qua những cứ liệu chúng tôi đã trình bày ở trên, đều là những hiện vật gốc bằng văn bản được ghi chép vào đúng thời điểm mà nó xuất hiện. Đây thực sự là vật chứng gốc (Original evidence) chưa hề trải qua việc sao chép hay viết lại do người đời sau thực hiện. Chính vì vậy, khoa học lịch sử cũng giống như khoa học hình sự, phải lấy câu "trọng chứng hơn trọng cung" làm đầu. Như vậy thì mới có thể nhận thức đúng đắn về các sự kiện diễn ra trong lịch sử được.

nha-bia-voi-3-tam-bia-da-ghi-danh-267-vi-tien-si-cu-nhan-tu-tai-dau-dat-o-cac-the-ky-xv-xvi-xvii-xviii-tai-xa-thanh-lien.-anh-mai-hoa.jpg
Nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV-XVIII, tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Thanh Chương là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa xứ Nghệ ngàn năm văn hiến, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng. Đó là địa danh Dùng – Rạng, nơi còn lưu giữ dấu tích của nền văn hoá Sơn Vi rực rỡ hào quang trong buổi bình minh lịch sử của loài người trên đất nước ta. Trong lịch sử dân tộc, Thanh Chương luôn là địa bàn trọng yếu, “phên dậu” của đất nước, vùng “địa linh, nhân kiệt, nơi khí tinh hoa tụ họp”, khởi nghiệp của nhiều bậc anh tài trên nhiều lĩnh vực, nhiều dòng họ nổi tiếng như: Nguyễn Duy, Nguyễn Sỹ, họ Đặng…

Thanh Chương còn là được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình nhưng cũng là mảnh đất chịu tiếng đói nghèo. Con người sống giữa nơi ấy, khí chất con người cũng trở nên thuần phác, tài giỏi và bởi có lẽ “đất nghèo nuôi dưỡng anh hùng” nên khó có thể kể hết được bao người con ưu tú của đất Thanh Chương, xưa cho đến nay đều góp phần to lớn làm rạng danh non sông gấm vóc đất Việt.

1(4).jpg
Thị trấn huyện lỵ Thanh Chương hôm nay. Ảnh: Diện Nguyễn