Mang tâm tư, nguyện vọng cử tri đến 'nghị trường' HĐND tỉnh
Hiện nay, ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An đang tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo công tác này được triển khai có hiệu quả chính là nguồn nhân lực con người. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có huyện Tương Dương đang thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học và việc tuyển dụng vô cùng khó khăn.
Cụ thể, toàn huyện hiện đang thiếu 15 giáo viên ngoại ngữ và 12 giáo viên tin học theo quy định về tỷ lệ giáo viên bộ môn/lớp. Do khoảng cách về địa lý giữa các địa phương và trường học xa nhau, cộng với địa hình miền núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; cho nên, việc bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp khó thực hiện. Từ thực tiễn nêu trên, đề nghị tỉnh nghiên cứu xây dựng chính sách ưu tiên trong tuyển dụng để thu hút giáo viên ngoại ngữ, tin học đến công tác ở các huyện miền núi cao nhằm đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên/lớp đối với 2 bộ môn tiếng Anh và Tin học.
Cùng với thiếu giáo viên, ở huyện Tương Dương thời gian qua cũng đã rất quyết liệt thực hiện sắp xếp, đưa các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm để đảm bảo các điều kiện và bình đẳng trong học tập cho học sinh tiểu học, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng 18/19 trường trong toàn huyện.
Việc đưa học sinh từ các điểm trường lẻ về, làm tăng quy mô học sinh tại điểm trường trung tâm, tạo áp lực về cơ sở vật chất cho các trường, nhất là thiếu phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú cho trẻ. Hiện tại, nhiều trường đang áp dụng chuyển các phòng học bộ môn làm nơi ở cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà ăn; bên cạnh đó các công trình phụ trợ phục vụ cho học sinh cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, một số trường như Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hữu Khuông; Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nhôn Mai; cả phòng ăn, phòng ở cho học sinh chưa đáp ứng yêu cầu…
Vì vậy, đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí các nguồn lực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Tương Dương.
*****
Địa hình huyện Quỳnh Lưu chia 3 vùng, gắn với định hướng phát triển 3 vùng kinh tế rõ rệt: vùng kinh tế biển, vùng kinh tế nông nghiệp lúa - rau củ quả và vùng cây ăn quả có múi.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện đã kiên trì chỉ đạo để hiện thực hóa định hướng phát triển kinh tế đó, đảm bảo thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, trong phát triển công nghiệp, địa phương đang gặp những khó khăn. Mặc dù huyện đã quy hoạch và xây dựng một số cụm công nghiệp, như cụm công nghiệp Quỳnh Châu, cụm công nghiệp Quỳnh Hoa, cụm công nghiệp Quỳnh Mỹ và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Quỳnh Thuận; nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư.
Mặt khác, Quỳnh Lưu là địa bàn có lợi thế phát triển kinh tế biển, song do ngư trường ngày càng thu hẹp, giá nhiên liệu tăng và hạ tầng du lịch biển chậm được đầu tư do thiếu kinh phí nên cũng đang gặp khó khăn.
Để tạo điều kiện địa phương phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có; cử tri huyện Quỳnh Lưu kiến nghị tỉnh xem xét, đưa huyện Quỳnh Lưu vào vùng trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh gắn với trục phát triển Nam Thanh - Bắc Nghệ; từ đó tích cực giới thiệu các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, đầu tư các dự án sử dụng nhiều lao động; đồng thời có các chính sách đặc thù trong phát triển thủy sản đầu tư hạ tầng du lịch biển, đưa Quỳnh Lưu trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch của Nghệ An.
Cấp và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân là một trong những vấn đề bức xúc; được cử tri ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc phản ánh nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử các cấp.
Vướng mắc nhất hiện nay là giữa hiện trạng đất người dân đang sử dụng so với bản đồ địa chính đang có sự chênh lệch. Bên cạnh nguyên nhân do người dân hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa; kể cả quá trình sử dụng, người dân lấn chiếm; thì khá nhiều trường hợp do đo đạc bản đồ địa chính trước đây sai, bởi có những trường hợp khuôn viên sử dụng ổn định từ trước năm 1990 đến nay, đo đạc bản đồ địa chính năm 2008, nhưng bây giờ trả mốc thì lại bị lệch mặc dù hình thể thửa đất không thay đổi.
Điều này dẫn đến người dân gặp khó trong thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không thể thực hiện tách thửa, chuyển nhượng, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người dân, đồng thời công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các địa phương cũng hạn chế. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát một cách tổng thể và có kế hoạch đo đạc lại để cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người dân theo hiện trạng sử dụng đất.
Cùng với công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên địa bàn huyện Nghi Lộc, vấn đề ô nhiễm môi trường với mùi hôi thối, nước rỉ rác thường xuyên diễn ra tại bãi rác Nghi Yên, nhất là khi trời mưa to thường có hiện tượng vỡ đường bờ ngăn cách và nước rác bị đổ ra Kênh nhà Lê cũng đang gây bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù, UBND huyện Nghi Lộc đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh cùng các ngành liên quan, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Hiện nay, UBND tỉnh đang tiếp tục có ý kiến khảo sát dự kiến mở rộng dự án Bãi rác tại Nghi Yên; cho nên trước khi xem xét mở rộng thì đề nghị tỉnh, các ngành cấp tỉnh xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác; đồng thời cần có kiểm soát, quy định chặt chẽ những địa bàn được xử lý rác tại bãi rác Nghi Yên.