Quan tâm đến “tiếng lòng” của nhân dân

Theo dõi hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV có thể thấy, các ĐBQH tỉnh luôn phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Mỗi đại biểu đều ý thức rõ trọng trách “người đại diện của nhân dân”, luôn quan tâm sâu sắc đến “tiếng lòng” cử tri đã gửi gắm. Điều này được thể hiện rất rõ trong từng ý kiến phát biểu cũng như tranh luận của các ĐBQH tỉnh qua từng phiên thảo luận, chất vấn.

Dona%20DBQH%20tinh%20Nghe%20An.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV

Đơn cử, trong phát biểu thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, bên cạnh đề nghị Chính phủ sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC. Trong đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống cho đại biểu dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc các Đoàn ĐBQH; xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để thuận lợi hơn trong quản lý, lưu trữ, xử lý đơn thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư.

Đại biểu đã có phát biểu rất ấn tượng, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu đối với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri: khi gửi đơn, thư đến cơ quan của Quốc hội, ĐBQH, người dân mong muốn được đôn đốc, giám sát việc giải quyết đã bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hay chưa?

Tại các phiên thảo luận hội trường, thảo luận tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An luôn đóng góp nhiều ý kiến, chỉ rõ từng bất cập trong các luật, nghị quyết gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cử tri và nhân dân. Điển hình, thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ mong muốn, cơ chế, chính sách đặc thù về xây dựng sớm được thông qua, thực hiện thí điểm để chi trả, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh. Mục đích nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự; tránh lãng phí trong chi ngân sách. Bởi, thực tế khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đã có rất nhiều đơn thư của người dân có nội dung đề nghị bồi thường. Trong đó, riêng tỉnh Nghệ An, đã có tới hơn 3.000 hộ dân có đơn khiếu nại, thậm chí rất nhiều đơn khởi kiện ra tòa liên quan đến vấn đề này.

Đóng góp ý kiến chất lượng trong xây dựng pháp luật

Kỳ họp thường kỳ cuối năm của Quốc hội, nhất là các năm giữa nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, tập trung nhiều vào nhiệm vụ lập pháp. Cụ thể tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Trong đó, nhiều dự án luật quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Do đó, các ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng để đóng góp được nhiều ý kiến chất lượng nhằm hoàn thiện các dự án luật.

Điển hình, đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH chuyên trách Trần Nhật Minh băn khoăn khi dự thảo luật trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV không còn quy định cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với đất ở được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1.7.2004 nhưng chưa xây dựng nhà ở và cũng không có các quy định về thu hồi, xử lý đối với loại đất này. Theo đại biểu, việc mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là các hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền vào mục đích để ở, nhưng vì lý do nào đó chưa xây dựng nhà ở thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là phù hợp, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng; đặc biệt là đối với những trường hợp chưa có nhà đã được cấp Giấy theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6.1.2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 42/2014/NĐ-CP.

Theo đánh giá của đông đảo cử tri, đề nghị giữ nguyên quy định nêu trên của đại biểu Minh sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cũng như công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Liên quan đến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - dự án luật có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người lao động, tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần cân nhắc kỹ từng đối tượng đưa vào diện đóng BHXH bắt buộc, hay khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, các ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phân tích cụ thể nhiều trường hợp, ngành nghề với những đặc thù công việc, mức lương, những ích lợi và thiệt thòi của từng đối tượng khi thuộc diện bắt buộc, hay tự nguyện… Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu nguyên tắc để cách tính đóng BHXH bắt buộc vừa đáp ứng mở rộng đối tượng, vừa hạn chế mức thấp nhất các doanh nghiệp cố tình chia nhỏ quỹ lương để giảm mức đóng BHXH...

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc cuối cùng với nhiều dấu ấn nổi bật, được đông đảo cử tri, nhân dân đánh giá cao. Thành công ấy có sự đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Bằng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, các ĐBQH tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ngày càng đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri, nhân dân toàn tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung.

Mỹ Hạnh