Nhận địa chỉ giúp đỡ

Nghĩa Lâm là một trong những xã khó khăn của huyện Nghĩa Đàn. Để phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội uĐảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 -2025, Thường trực Đảng ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách và chỉ đạo từng làng. Theo đó, cách làm của Đảng ủy xã Nghĩa Lâm là giao các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã phụ trách hỗ trợ 1 làng, HĐND xã phụ trách 1 làng, UBND xã phụ trách 3 làng, Mặt trận Tổ quốc xã phụ trách 1 làng và các tổ chức đoàn thể phụ trách 1 làng. Đồng chí Nguyễn Đăng Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm chia sẻ: Là xã khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới của địa phương là việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện xã đạt 15/19 tiêu chí, còn tiêu chí về nhà ở, nhà văn hóa, trường học, đường giao thông chưa đạt, nhưng Đảng ủy quyết tâm huy động nguồn lực, phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

508a281e-bd2d-46b0-989f-5db5bbad8c77.jpg
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn kiểm tra công trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Liên Thanh

Chương trình xây dựng nông thôn mới được Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn chọn để xây dựng và thông qua đầu tiên sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ này. Định kỳ 3 tháng một lần, Ban Thường vụ Huyện ủy nghe và cho ý kiến chỉ đạo đối với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời phát động cán bộ, đảng viên mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể cấp huyện nhận hỗ trợ 1 xóm của xã chưa về đích. Huyện Nghĩa Đàn ban hành chương trình và kế hoạch hành động cụ thể gắn với trách nhiệm các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới. Huyện Nghĩa Đàn tập trung chỉ đạo các xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Lâm, Nghĩa Mai và xóm Mẻn, xã Nghĩa Thọ tích cực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2022. Trên cơ sở đó, huyện ban hành chương trình và kế hoạch hành động cụ thể gắn với trách nhiệm các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đến nay, Nghĩa Đàn đã có 17/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.

Chia sẻ cách làm của Huyện, đồng chí Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể được Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn phát động cán bộ, đảng viên mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể cấp huyện nhận hỗ trợ 1 xóm của xã chưa về đích xây dựng nông thôn mới.

Linh hoạt, sáng tạo

Để đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2021 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra, ngay sau đại hội, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã giao cho các đơn vị, địa phương rà soát các tiêu chí chưa đạt để chỉ đạo và quyết liệt thực hiện. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn và khó khăn khác khi thực hiện các tiêu chí liên quan đến nông thôn mới, huyện Quỳnh Lưu đã có những cách làm, vận dụng sáng tạo các nội dung phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương để tháo gỡ khó khăn. Đơn cử, trong vấn đề quy hoạch, một số xã trên địa bàn tại huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức công bố, công khai, niêm yết bản đồ quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại trung tâm xã và tại nhà văn hóa các thôn, xóm để người dân biết và thực hiện, gắn với đó lập kế hoạch và tổ chức cắm mốc thực địa theo quy hoạch.

5c6fa2ed-ceae-48e3-a594-85f488757fd1.jpg
Một góc xã nông thôn mới Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu. Ảnh: internet

Huyện Quỳnh Lưu thành lập Ban chỉ đạo của Huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, thường xuyên kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Ban chỉ đạo của huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thưởng cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới phù hợp với thực tế tại địa phương… Đồng thời, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách vùng, cấp ủy phụ trách điểm. Phát động các phong trào thi đua để vận động các thành viên, hội viên tham gia chương trình như: Hội Phụ nữ xây dựng “Đường hoa thay cỏ dại”; Huyện đoàn hỗ trợ xây dựng các khu vui chơi; Hội Nông dân “Xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới”,...

Song song đó, địa phương chú trọng việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao sau đạt chuẩn để đảm bảo phát triển bền vững. Và tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Hoàng Danh Lai – Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu cho biết: Huyện đã rà soát các tiêu chí để có sự chỉ đạo cụ thể đối với từng tiêu chí cần hoàn thiện và tiêuchí phải nâng cao; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhờ phát huy dân chủ, đoàn kết toàn dân, người dân thấy được lợi ích thiết thực của quá trình xây dựng nông thôn mới nên nhiều xã tuy rất khó khăn, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới rất thuyết phục.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 đơn vị cấp huyện có quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An phấn đấu đến năm 2025, có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 1 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu). Để đạt được mục tiêu trên, với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, cấp ủy các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình với đích đến là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Lê Thanh