Trao đổi với ông Trần Mến – Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đăng Cao, xã Diễn Đoài tại Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Nghệ An lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022 -2027 về sự phát triển của làng nghề chổi đót Cao Minh và chuyện giáo xứ Đăng Cao xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ông Trần Mến cho biết, làng nghề chổi đót Cao Minh, xã Diễn Đoài là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, 100% số hộ dân trong làng đều biết làm nghề. Nghề làm chổi đót đem lại thu nhập không cao nhưng nó giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên không kể trời mưa, nắng, người già, trẻ, trai gái trong làng đều làm được.

lang-nghe-choi-dot638023088812507149--n1.jpg
Nghề làm chổi đót mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đăng Cao, xã Diễn Đoài Trần Mến phấn khởi cho hay, gia đình ông là một trong những hộ chuyên cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Hiện nay, các công ty xí nghiệp nhiều, thu hút lực lượng trong độ tuổi lao động vào công ty làm việc, nhưng làng nghề chổi đót vẫn đang phát triển tốt và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thực tế hiện nay, số lao động đi làm việc ở các công ty là lao động chính trong các hộ gia đình, còn những người không đủ điều kiện về tuổi tác, sức khỏe... thì làm nghề chổi đót. Mỗi ngày công lao động làm chổi đót thu nhập từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/người/ngày công, tính bình quân thu nhập khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng nên thu nhập của nhiều hộ gia đình có nhiều người làm chổi đót ngoài việc chi tiêu hàng ngày vẫn còn số tiền dư kha khá để dùng vào phát triển kinh tế và học tập của con em cũng như trang trải cuộc sống. Sản phẩm chổi đót của làng nghề làm ra có những thời điểm không đủ cung cấp ra thị trường.

Để có nguyên liệu cho làng nghề, gia đình ông cùng 2 hộ gia đình khác trong làng làm đại lý cung cấp nguyên liệu cho dân, bên cạnh đó còn làm đại lý tiêu thụ sản phẩm. Ngoài cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, các hộ còn thu hút từ 10-15 lao động làm tập trung thường xuyên.

Theo ông Mến, khó khăn của làng nghề chổi đót là vốn để giữ nghề và phát triển làng nghề. Nguyên liệu đót mỗi năm chỉ có 1 đợt trong vòng 2 tháng đó là tháng 1 và tháng 2. Số lượng có hạn, trong khi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều tập trung thu mua, các hộ gia đình làng nghề không đủ kinh phí để thu mua nên phải mua lại các đại lý khác với giá chênh lệch quá cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Để phát triển làng nghề, ông Mến đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho làng nghề phát triển bền vững.

Song song với việc phát triển làng nghề, các hộ dân trong làng còn hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, làng nghề được tỉnh đầu tư làm 700m đường nhựa, đến năm 2019 đầu từ 1,5 km đường bê tông, năm 2020 tiếp tục được đầu tư làm 1 km đường bê tông, còn lại một số tuyến đường hiện nay tiếp tục được ngân sách cấp trên cấp xi măng và nhân dân đóng góp đang hoàn thiện để xã nhà về đích nông thôn mới.

Có được tuyến đường rộng rãi khang trang như hiện nay tại địa phương, ngoài sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của Ban công tác Mặt trận phối hợp với Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ đặc biệt là lời kêu gọi của Cha quản xứ cùng toàn thể người dân trong làng.

Ước tính, các hộ dân làng nghề chổi đót Cao Minh đã hiến 4.275 m3 đất và bờ rào, công trình trị giá khoảng 6,9 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động, có những hộ gia đình hiến 100m3 đất công trình, 40 đến 70 triệu đồng. Hiện nay, 100% đường làng ngõ xóm trong làng đã được nhựa hóa và bê tông hóa, có 0,7 km đường nhựa rộng 8 m trong đó (mặt nhựa 5,5 m), có 2 km đường bê tông các trục chính rộng 5-6m, các tuyến đường còn lại 3m trở lên và có 1 km kênh mương bê tông phục vụ tưới tiêu đạt chuẩn.

Ông Mến cũng cho biết thêm, sau khi hoàn thành đường giao thông mỗi người, mỗi gia đình trong làng đều rất phấn khởi. Việc hiến đất, đóng góp công, góp của người dân để xây dựng các tuyến đường giao thông nhằm thuận tiện cho việc đi lại của người dân, góp phần xây dựng vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt, đóng góp một phần nhỏ để đưa xã Diễn Đoài đạt chuẩn Nông thôn mới.

PT