Lắng đọng chương trình cầu truyền hình “Đôi bờ ví, giặm”
Tham dự chương trình, tại đầu cầu Hà Tĩnh, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hồ An Phong – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Hoàng Trung Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thiếu tướng Bùi Quang Thanh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Phan Đại Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.
Chương trình có sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đại diện các CLB Dân ca ví, giặm tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo quần chúng nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Chương trình cầu truyền hình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm” là hoạt động mở đầu Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (27/11/2014 - 27/11/2024).
Chương trình gồm các tiết mục trình diễn dân ca ví, giặm đa dạng, mang đậm chất trữ tình sâu lắng, xen lẫn các phóng sự ngắn, giao lưu trên sân khấu, được chia làm 3 phần:
Phần 1 - "Trầm tích xứ Nghệ" khẳng định Nghệ Tĩnh là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, từ ngàn xưa đã lắng đọng những trầm tích văn hóa, lịch sử đi cùng thời gian. Mạch nguồn ví, giặm được kết tinh từ trong lao động, sản xuất, từ quá trình đấu tranh với thiên nhiên, giặc dã, từ tình yêu, trí tuệ và sự tài hoa của chính người dân nơi đây. Ví, giặm độc đáo bởi chính ngôn ngữ, diễn xướng; bởi các làn điệu gắn với nhịp sống của vùng quê nắng lắm, mưa nhiều nhưng đầy ý chí kiên cường; mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; lạc quan, da diết mà đầy sâu lắng, thiết tha...
Phần 2 - "Hành trình di sản" nhấn mạnh, 10 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ví, giặm ngày càng chứng minh sức sống mãnh liệt qua sự nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của các cấp, các ngành, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các câu lạc bộ dân ca. Câu ví, giặm ngày nay, không chỉ cất lên trên đồng ruộng, bờ tre, mái rạ, bay qua cánh võng trẻ thơ, mà thực sự đang âm thầm lan tỏa qua các mái nhà, trao truyền qua các thế hệ. Dân ca ví, giặm đã có mặt tại rất nhiều không gian, kết nối du lịch sinh thái, đưa câu hát không ngừng bay xa.
Phần 3 – "Để mạch nguồn chảy mãi" khẳng định, câu ví, giặm quê nhà giờ đây không chỉ là sản phẩm tinh thần vô giá, là đại sứ thu hút du lịch; là văn hóa độc đáo của xứ Nghệ mà ví, giặm đã vươn tầm thành tinh hoa nhân loại. Tự hào truyền thống của dải đất Hồng Lam, để hôm nay, nối "đôi bờ ví, giặm" cũng là thêm một lần người xứ Nghệ thấm đượm hơn nghĩa tình tự ngàn xưa, để thêm động lực trên hành trình tương lai dài rộng, trong hành trình di sản.