Nhập chú thích ảnh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bổ sung nội dung mới về điểm của giấy phép lái xe

Một trong những điểm mới của dự thảo luật trình Quốc hội lần này là điểm của giấy phép lái xe. Đây là vấn đề được nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc...

Theo dự thảo, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe. Tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm cụ thể bị trừ tương ứng với từng trường hợp vi phạm và sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết 12 điểm và tài xế không bị trừ điểm thêm lần nào trong 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ gần nhất, sẽ được phục hồi đủ số điểm.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

pctqh-tran-quang-phuong-dieu-hanh-6982.jpg.webp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Về căn cứ để bổ sung nội dung mới này vào dự thảo Luật, theo Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.

Tính trung bình hàng năm, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 500 nghìn trường hợp.

Tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người, mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.

Trong khi hiện nay công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi, không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp giấy phép lái xe nhưng không đủ tự tin để lái ô tô ra đường, kỹ năng lái xe kém, không nắm được các quy định của pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là các quy tắc tham gia giao thông.

Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung nội dung về điểm của giấy phép lái xe đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Làm rõ một số vấn đề về trừ điểm giấy phép lái xe

Tham gia ý kiến thảo luận về điểm giấy phép lái xe, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho biết, dự thảo Luật quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Đại biểu phân tích, quy định này có hai vấn đề cần quan tâm làm rõ và bổ sung thêm. Đó là cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

Theo đại biểu, đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào dự thảo Luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 58 dự thảo Luật quy định giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Đối với trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo Luật thì người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm.

“Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì giấy phép lái xe này có còn hiệu lực hay không?”, đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề, đồng thời đề nghị cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ 12 điểm sẽ có hiệu lực trở lại.

nguyen-minh-tam-quang-binh-51.jpg.webp

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Có chung mối băn khoăn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ tính hiệu lực của giấy phép lái xe trong trường hợp bị trừ hết điểm, theo hướng quy định trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe hết hiệu lực và sẽ bị thu hồi.

Khoản 3 Điều 58 quy định “Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm”.

Theo đại biểu Tâm, điều này chưa phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 61 của dự thảo: “Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe…” và khoản 5 Điều 62: “Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe…”.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bảo đảm tính thống nhất trong việc quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng.

Đây cũng là nội dung được đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre ) nêu khi tham gia ý kiến vào dự thảo Luật.

Thông tin với báo chí trước đó, Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) cho biết, điểm, trừ điểm giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Biện pháp này vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; mỗi lần bị trừ điểm như là “tiếng chuông” cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.