bna_4357.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quy hoạch, chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; ngoài phần trả lời của các sở, ngành, trên cơ sở yêu cầu của đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa đã trả lời chất vấn, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

bna_4471.jpg
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Thị Hồng Hoa trả lời chất vấn liên quan đến thẩm quyền trách nhiệm của ngành. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Trong quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm có 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Công Thương. Và trong 33 nhóm danh mục quản lý, có 6 nhóm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Y tế.

Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật An toàn thực phẩm; Nghệ An có Quyết định số 11, ngày 20/5/2021 về phân công, phân cấp và phối hợp công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

bna_4330.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, phân công, phân cấp trong quản lý an toàn thực phẩm trước cổng trường, trước bệnh viện thuộc về UBND cấp xã; quản lý an toàn thực phẩm trong các trường học được phân cấp cho UBND cấp huyện.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng thông tin: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú tại các nhà máy, khu công nghiệp và trường học, bệnh viện phục vụ số lượng lớn công nhân, học sinh và cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; trong đó hơn 600 bếp ăn tập thể tại các trường học thuộc phân cấp của UBND cấp huyện quản lý.

bna_4567.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Đối với trách nhiệm của Sở Y tế, trên cơ sở chức năng quản lý với phạm vi được giao và là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm của tỉnh; hàng năm Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại các địa phương có đông dân và có nguy cơ về an toàn thực phẩm, gắn với phát động và tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân.

Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm của tỉnh được kiện toàn thường xuyên và ở cấp huyện, cấp xã cũng đều thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo theo phân cấp theo Quyết định số 11 của UBND tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, tập huấn và kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm được ban chỉ đạo các cấp quan tâm chỉ đạo, bao gồm kiểm tra công tác quản lý nhà nước và kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, năm 2023, ngành Y tế đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra 60 bếp ăn tập thể; trong đó phát hiện 3 đơn vị vi phạm và tiến hành xử phạt 16 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kiểm tra 37 bếp ăn tập thể, có 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 12 triệu đồng.

Đồng thời, ngành Y tế cũng thường xuyên tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước thuộc cấp huyện quản lý đối với bếp ăn tập thể, trong đó trực tiếp lấy mẫu tại các bếp ăn của trường học; xây dựng 200 mô hình có kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

bna_4598.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến quản lý ngộ độc thực phẩm, từ năm 2023 đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền gắn với kiểm tra, giám sát, nên ít xảy ra các vụ ngộ độc lớn trên địa bàn tỉnh. Năm 2023 chỉ có 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn Trường Mầm non Thuận Sơn (huyện Đô Lương) với 76 cháu mắc và năm 2024 có 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH MLB Tenergy (huyện Yên Thành) với 72 người mắc.

Khi phát hiện các vụ ngộ độc, ngành Y tế đã phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương phối hợp kịp thời để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và người lao động.

3 nhóm vấn đề cần tập trung

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Hồng Hoa cũng thừa nhận, về đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân liên quan đến an toàn thực phẩm, còn nhiều vấn đề mà ngành Y tế thấy cần quan tâm và cố gắng hơn nữa.

Trong thời gian tới, là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm của tỉnh, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch và chỉ đạo được giao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, hướng dẫn kiến thức các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, an toàn trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

Tăng cường nhiều hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể theo phân cấp quản lý. Tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong giám sát tại các bếp ăn tập thể trường học, doanh nghiệp.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân được tốt hơn, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An kiến nghị, tiếp tục chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và ý thức của người dân rất là quan trọng, ngoài trách nhiệm của ngành Y tế, đặc biệt chú trọng giám sát quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, chế biến, bảo quản an toàn.