Nhiều sản phẩm xuất khẩu tăng khá

Một trong những lĩnh vực tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao của Nghệ An phải kể đến dệt may, với mức tăng 36%.

Tại thị xã Hoàng Mai, nhà máy may Vinatex được xây dựng trên khu đất hơn 32.000 m2, với 24 chuyền may, tạo việc làm cho khoảng 900 lao động. Sản phẩm chủ lực là quần áo nam, nữ, được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Ông Trần Văn Hóa - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần May Vinatex Hoàng Mai, cho biết, năm 2024, doanh nghiệp kín đơn hàng đến cuối năm và đã có nhiều chuyến hàng xuất đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ. 3 tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất kinh doanh toàn Vinatex tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán ký kết các đơn hàng trong quý III.

bna_det-may-hoang-mai.jpg
Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: T.H

Đối với lĩnh vực nông sản, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu gạo của Nghệ An là Công ty cổ phần Vilaconic. Năm 2024, Vilaconic đã xuất khẩu khoảng 62.000 tấn gạo với kim ngạch 40 triệu USD tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó, có 38.000 tấn gạo sang Philippines trị giá 22,8 triệu USD.

Ông Nguyễn Quốc Hưng – trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vilaconic, cho biết: Những năm qua Vilaconic có nhiều hoạt động giao thương kết nối và quảng bá thương hiệu đến thị trường quốc tế. Vilaconic đã quảng bá thành công sản phẩm, khẳng định thương hiệu gạo Việt và cam kết đẩy mạnh thương mại song phương. Vừa rồi, chúng tôi đã tham dự hội chợ Gulfood 2025 tại Dubai - hội chợ lớn nhất thế giới về thực phẩm, tháng 5 tới đây chúng tôi cũng tiếp tục đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam tới tham dự hội chợ Thaifex tại Thái Lan.

bna_mat-hang-gao-cua-cong-ty-cp-vilaconic-xuat-sang-thi-truong-hoa-ky-anh-th.jpg
Mặt hàng gạo của Công ty CP VIlaconic xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: TH

Hiện doanh nghiệp này cũng phát triển thương hiệu gạo Bluesilk cao cấp với chất lượng cao, cạnh tranh với các sản phẩm gạo đến từ Thái Lan, Ấn Độ. "Ngoài mặt hàng gạo chủ lực, chúng tôi mở rộng kinh doanh xuất khẩu thêm các nông sản khác như hạt tiêu, tinh bột sắn, bánh tráng, bún phở, cơm dừa… 3 tháng đầu năm, chúng tôi đã xuất khẩu khoảng 10.000 tấn gạo và gia vị ra thị trường quốc tế", ông Hưng chia sẻ.

Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 17 FTA đã và đang đưa vào thực thi; 2 FTA đang đàm phán. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới đi vào thực thi những năm gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP... được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tăng cường giải pháp duy trì đà tăng trưởng

Trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An đạt 840,92 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Kim ngạchnhập khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng, tăng 56% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Trong khi đó, xuất khẩu trên cả nước kỳ đầu tháng 3/2025 ghi nhận tăng khoảng 9,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần hồi phục. Dự báo hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý 2/2025 khi có thêm nhiều dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động ổn định.

bna_bieudo-xnkquy1.png
Đồ họa: Hữu Quân

Động lực tăng trưởng xuất khẩu đến từ nhiều nhóm mặt hàng chủ lực. Thiết bị, linh kiện điện tử tăng trưởng mạnh với mức tăng 110%, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao. Các ngành hàng khác cũng có sự tăng trưởng cao, cụ thể: Hàng dệt may tăng 36%; Giày dép các loại tăng 128%, Viên nén gỗ tăng 176%; Dây điện và cáp điện tăng 25%;...

Sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chủ lực bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đánh giá: Tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2025 dự kiến sẽ có những thuận lợi. Chúng tôi kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế và thương mại toàn cầu, cùng với đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh đang tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu. Việc mở rộng thị trường nhờ các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với các thách thức như bất ổn địa chính trị, đặc biệt là khủng hoảng tại Trung Đông, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và chi phí vận tải. Xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên thế giới như các chính sách của EU, chính sách thuế đối đẳng của Mỹ,... đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách linh hoạt.

bna_cang-cua-lo.jpg
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Cửa Lò. Ảnh: TH

Để duy trì đà tăng trưởng và vượt qua các thách thức, chúng tôi tập trung vào các giải pháp sau: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, như: Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, Hội chợ Foodexpo, Hội chợ kết nối chuỗi cung ứng quốc tế,...; Tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu, kết nối giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN,…; Tăng cường giao dịch thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu của tỉnh tại thị trường Trung Quốc, Anh - Bắc Ai len; Xúc tiến xuất khẩu theo định hướng nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước; Rà soát để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án thu hút đầu tư nhằm đi vào sản xuất, xuất khẩu, nhất là các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh, tạo nguồn hàng lớn cho xuất khẩu như: sản xuất, lắp ráp ô tô; các dự án sản xuất linh kiện điện tử,....

Phối hợp Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời cung cấp, xử lý các vướng mắc về xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật tại các nước để các đơn vị liên quan và doanh nghiệp của tỉnh có giải pháp ứng phó kịp thời. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ AI để tìm kiếm thị trường, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Amazon, Alibaba,...

Ngành cũng tham mưu tỉnh xây dựng Nghị quyết hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu.Huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics. Đặc biệt năm nay, Sở sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng “Đề án phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị.

Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương