Tại cụm Công nghiệp Diễn Hồng, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh phế liệu, nhựa và nghe lãnh đạo xã báo cáo tình hình chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong cụm công nghiệp. Tại cụm công nghiệp hiện có 33 doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh phế liệu, nhựa, phôi thép, đồ gỗ....với gần khoảng 200 lao động. Qua khảo sát thực tế cho thấy, môi trường ở đây rất ô nhiễm, rác thải không được thu gom, hoạt động nấu nhựa, tái chế phế liệu đã gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và người dân sinh sống tại cụm công nghiệp.
Tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Đoàn khảo sát làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, hiện do sản lượng đánh bắt và số lượng tàu thuyền giảm kéo theo số lao động tham gia chế biến hải sản cũng giảm, còn khoảng 1000 lao động. Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tại làng nghề hầu hết là cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ; hầu hết người lao động khi làm việc tại đây tự trang bị khẩu trang, phương tiện bảo hộ lao động. Từ trước đến nay, làng nghề chưa xảy ra vụ việc về an toàn, vệ sinh lao động.
Khảo sát và làm việc tại Văn phòng mỏ đá Lèn Dơi của Công ty TNHH Hòa Hiệp tại xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Đoàn đã nghe báo cáo và khảo sát trực tiếp khu vực khai thác đá của Công ty. Theo đó, tại mỏ đá hiện có khoảng 40 lao động (với 3 trạm xay đá đang hoạt động) làm các công việc nặng nhọc, độc hại như nổ mìn, xay đá, khai thác đá,… Thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động, Công ty đã xây dựng, đăng ký nội quy an toàn vệ sinh lao động; ban hành nội quy, quy trình an toàn vận hành máy móc, thiết bị; trang cấp trang phục, phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động mỗi quý 1 lần như: quần áo, mũ, ủng;… Đối với việc sử dụng vật liệu nổ, Công ty đã xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố khẩn cấp, 3 lao động sử dụng vật liệu nổ đều có chứng chỉ theo quy định. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, tại khu vực khai thác đá có nhiều đá treo có nguy cơ rơi xuống gây nguy hiểm cho người và thiết bị hoạt động dưới chân tầng, một số người lao động không mặc đầy đủ trang phục bảo hộ lao động,…
Tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, đoàn đã khảo sát tại Công ty Cổ phần tập đoàn bao bì Sài Gòn, Công ty hiện có 121 người lao động đang làm việc. Tại Khu công nghiệp VSIP, Đoàn đã đến khảo sát tại Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam, Công ty hiện có 60 lao động đang làm việc. Cả 2 Công ty này đều có hệ thống sản xuất, máy móc thiết bị theo công nghệ hiện đại, tự động hóa. Về cơ bản, các Công ty đã quan tâm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động như: đã huấn luyện và cấp chứng nhận an toàn vệ sinh lao động; các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được kiểm định; trang thiết bị bảo vệ cá nhân được cấp phát định kỳ cho người lao động và được Công ty kiểm tra giám sát việc sử dụng hàng ngày, nếu không đảm bảo bảo trang phục, phương tiện bảo hộ lao động sẽ không được vào làm việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (khám 1 lần/năm); việc đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động được các Công ty thực hiện theo đúng quy định…. Đặc biệt Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam còn yêu cầu người lao động có ý kiến đề xuất đảm bảo an toàn vệ sinh lao động hàng tháng, ý kiến đó được làm tiêu chí khen thưởng hàng tháng, cả năm.
Qua khảo sát tại hai Công ty cho thấy, hầu hết người lao động tại các Công ty đều mặc trang phục bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn trong lao động, tuy nhiên xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần tập đoàn bao bì Sài Gòn có độ ồn lớn, nhưng một số người lao động không đeo nút tai chống ồn. Việc người lao động phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn cao nguy cơ gây suy giảm thính lực và bị bệnh điếc nghề nghiệp.
Đoàn khảo sát đã ghi nhận những kết quả một số Công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh đạt được trong việc chấp hành khá tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, quản lý chặt chẽ việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động của người lao động; quan tâm rà soát, phòng ngừa, khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn lao động; thực hiện tốt các chế độ với người lao động.
Ngoài ra, Đoàn khảo sát đã đến hỏi thăm, động viên anh Bùi Đình Bình là lao động của Công ty TNHH Châu Tiến. Anh Bình là một trong 9 người lao động đầu tiên phát hiện mắc bụi phổi tại Công ty (hiện có 6/9 người đã tử vong); kết quả giám định y khoa, anh bị mắc bụi phổi Silic nghề nghiệp với tỷ lệ tổn thương cơ thể 87%. Từ năm 2022 đến nay, Công ty mới đến hỏi thăm, hỗ trợ 1 lần với mức hỗ trợ 2 triệu đồng, các khoản hỗ trợ khác không có và hiện tại Anh vẫn chưa được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp do vướng mắc hồ sơ (thiếu Biên bản hội chẩn của Hội đồng giám định y khoa). Đoàn đề nghị anh Bình khắc phục khó khăn, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc với chính quyền, đồng thời đề nghị chính quyền xã, phòng chuyên môn cấp huyện quan tâm, có kiến nghị với Công ty và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện để người lao động sớm được hưởng chế độ, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Thông qua hoạt động khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nắm bắt tình hình, thu thập thông tin phục vụ cho phiên giải trình 6 tháng đầu năm 2024 của Thường trực HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, dự kiến được tổ chức vào ngày 15/5 sắp tới./.