1. Cử tri huyện Tương Dương phản ánh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Theo quy định của Luật Giá thì mặt hàng phân bón (Phân đạm, phân NPK) thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp áp dụng bình ổn giá đối với mặt hàng nêu trên.

Thời gian qua, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới thì giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Đây chính là nguyên nhân chính làm giá phân bón luôn ở mức cao trong thời gian qua trên phạm vi cả nước trong đó có tỉnh Nghệ An.

images3149669_1tan.jpg
Ảnh minh họa

Theo điều 15, Luật giá năm 2012 thì mặt hàng phân bón (phân đạm, phân NPK) thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Do đó, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp áp dụng bình ổn giá đối với mặt hàng phân bón như sau:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

- UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 731/UBND-KT ngày 28/01/2022 về việc triển khai các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật.

- Sở Công Thương ban hành văn bản số 265/SCT-QLTM ngày 14/02/2022 về việc thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Trong đề án sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2022 và các văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý để nâng cao hiệu quả trong sản xuất trồng trọt, bao gồm: bón đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách và bón cân đối các loại phân bón nhằm vừa giảm thiểu chi phí đầu tư vừa đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản.

- Ngoài ra, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ, thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.

2. Cử tri bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương kiến nghị tiếp tục hỗ trợ giống bò, chuồng trại cho 25/77 hộ chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi bò theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025.

Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số ít người giai đoạn 2016-2025 và được Trung ương bố trí nguồn vốn thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Năm 2021 chuyển sang thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng DTTS-MN, đến nay chưa được cấp nguồn vốn để thực hiện.

Đối tượng thụ hưởng thực hiện theo Quyết định số 3869/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 của UBND tỉnh Nghệ An. Tổng số hộ dân tộc Ơ Đu được thụ hưởng Đề án này là 103 hộ, 445 nhân khẩu đều đang sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Kết quả thực hiện đến hết năm 2020: Năm 2018, nguồn vốn do Trung ương cấp chậm (ngày 06/11/2018) không kịp triển khai thực hiện, do đó phải chuyển sang thực hiện trong năm 2019. Hàng năm, căn cứ nguồn vốn được cấp, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND xã Nga My và BQL bản Văng Môn tổ chức họp với các hộ dân được thụ Đề án để lựa chọn, thống nhất các danh mục trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi thực hiện. Trong đó có hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng bò và cấp bò giống cho đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên có 25/103 hộ chưa được hỗ trợ, do một số hộ không nhận bò giống, một số hộ già cả neo đơn không có lao động, không đủ điều kiện để chăn nuôi bò; đồng thời các hộ đề nghị sửa chữa nhà ở tái định cư đã xuống cấp, nhà vệ sinh và lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt. Ban Dân tộc đã báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Dân tộc nhưng không được chấp thuận, do nội dung sữa chữa nhà ở không có trong nội dung của Đề án theo Quyết định 2086/TTg.

Từ năm 2021 đến nay, dân tộc Ơ Đu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là dân tộc có khó khăn đặc thù tại Quyết định 1227/QĐ-TTg ngày 14/07/2021 và đưa vào kế hoạch hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù quy định tại Dự án số 9 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KTXH vùng Dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, gia đoạn I từ năm 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các hộ Dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương sẽ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách theo Chương này.

3. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Xây dựng đoạn mương thoát nước dọc tại km 127+500, Quốc lộ 7A; kéo dài đoạn mương thoát nước dọc km 122+40, Quốc lộ 48C tại mố cầu phía Làng Mỏ (Cử tri bản Tam Bông và làng Mỏ, xã Tam Quang, huyện Tương Dương);

Theo báo cáo của Cuc Quản lý đường bộ II:

+ Về kiến nghị xây dựng mương thoát nước dọc tại Km127+500, QL7: Hiện tại 2 bên đoạn tuyến này đã có rãnh thoát và đảm bảo thoát nước tốt.

+ Kéo dài mương thoát nước dọc Km122+040 Quốc lộ 48C đọan mố cầu phía làng Mỏ: Đoạn này nằm phía bắc đầu cầu Tam Quang, Cục QLĐB II đã lập kế hoạch đưa vào dự án sửa chữa định kỳ năm 2022 đã được phê duyệt và dự kiến triển khai thi công, hoàn thành trong năm 2022./.