1. Cử tri huyện Quỳnh Lưu phản ánh hiện nay tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi ruộng đất năm 2013 (Yên Thành); cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ số (Quỳnh Lưu) cho nhân dân còn chậm, sai số đo đạc nhiều và thủ tục yêu cầu nhiều giấy tờ, rườm rà. Cử tri tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

- Về công tác đo đạc bản đồ địa chính: Huyện Quỳnh Lưu gồm có 33 xã, thị trấn đều đã được đo đạc lập bản đồ địa chính bằng công nghệ bản đồ số, sản phẩm bản đồ được sử dụng phục vụ lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; trong quá trình thực hiện đo đạc bản đồ địa chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về bản đồ địa chính, kết quả đo đạc đã được các hộ gia đình, cá nhân, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, ký xác nhận đo vẽ đúng hiện trạng sử dụng đất. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng ranh giới khu vực đất ở của một số hộ gia đình, cá nhân tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp ranh giới không rõ ràng, xảy ra tình trạng lấn, chiếm nên khi kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tiến hành đo đạc chỉnh lý theo quy định.

thu-tuc-cap-giay-su-dung-dat-lan-dau.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet)

- Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 06/4/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp giải quyết một số thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định về cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận QSD đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quy trình thủ tục và thời gian cấp đổi Giấy chứng nhận được UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND các xã, thị trấn công khai tại bộ phận một cửa, UBND huyện không yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ khác.

UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 04/01/2022 về việc giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các xã, thị trấn; Công văn số 480/UBND-TNMT ngày 14/3/2022 về việc đẩy nhanh tiến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND các xã, thị trấn và đơn vị tư vấn; đồng thời giải quyết các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Giao Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quỳnh Lưu kiểm soát thủ tục hồ sơ cấp Giấy chứng nhận trong quá trình xét duyệt, thẩm định để không làm phát sinh các giấy tờ ngoài quy định.

2. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân, cụ thể như sau:

- Về kiến nghị sửa chữa hệ thống đê chắn sóng biển Long, Thuận, Hải (Cử tri các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu).

Tuyến đê biển Long – Thuận có chiều dài 2.189m, cao trình đỉnh đê từ +2,7m đến +4,0m, với nhiệm vụ bảo vệ cho 5.600 hộ dân cư (28.500 nhân khẩu) và 1.030ha diện tích đất không bị ngập khi triều cường gặp bão cấp 10; Tuyến đê đã được đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3522/QĐ.UBND-NN ngày 26/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt dự án đầu tư “Xây dựng công trình đê biển Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải và Quỳnh Thọ huyện Quỳnh Lưu”.

Đến nay, công trình đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, tuy nhiên công trình thiết kế theo tiêu chuẩn cho phép chống được triều cường tần suất 5% gặp bão cấp 10, nên khi gặp bão trên cấp 10 thì tuyến đê có thể bị sóng tràn qua, vì vậy việc đầu tư nâng cấp tuyến đê biển Long – Thuận, huyện Quỳnh Lưu là rất cần thiết. Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương khảo sát đánh giá hiện trạng đê điều và đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư.

- Về kiến nghị sửa chữa đê sông Thái đoạn qua các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc

Ngày 01/9/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3536/QĐ.UBND-NN về việc phê duyệt dự án đầu tư: Nâng cấp tuyến đê cửa sông Thái, huyện Quỳnh Lưu; Mục tiêu: bảo vệ an toàn cho hơn 25.000 hộ (120.000 khẩu), trên 1.000 ha đất sản xuất 2 vụ lúa, 300 ha màu và 500 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã Sơn Hải, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Lâm và thị trấn Cầu Giát; Tổng chiều dài 22,55km, bao gồm: tuyến đê phía hữu dài 11,01km và tuyến đê phía tả dài 11,54km; Tổng mức đầu tư: 420,17 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay mới triển khai thực hiện được 6,65 km, trong đó tại địa bàn thị trấn Cầu Giát dài 4,15 km và tại địa bàn xã Quỳnh Hưng dài 2,5 km.

Để dự án phát huy hiệu quả của dự án, tạo điều kiện cho nhân dân vùng ven biển yên tâm sản xuất, xây dựng vùng kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện, bền vững. Kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành toàn bộ chiều dài tuyến đê cửa sông Thái đi qua địa bàn các xã còn lại, đáp ứng nguyện vọng thiết thực của cử tri.

3. Cử tri huyện Quỳnh Lưu phản ánh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Theo quy định của Luật Giá thì mặt hàng phân bón (Phân đạm, phân NPK) thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp áp dụng bình ổn giá đối với mặt hàng nêu trên.

Thời gian qua, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới thì giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Đây chính là nguyên nhân chính làm giá phân bón luôn ở mức cao trong thời gian qua trên phạm vi cả nước trong đó có tỉnh Nghệ An.

Theo điều 15, Luật giá năm 2012 thì mặt hàng phân bón (phân đạm, phân NPK) thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Do đó, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp áp dụng bình ổn giá đối với mặt hàng phân bón như sau:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

- UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 731/UBND-KT ngày 28/01/2022 về việc triển khai các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật.

- Sở Công Thương ban hành văn bản số 265/SCT-QLTM ngày 14/02/2022 về việc thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Trong đề án sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2022 và các văn bản chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý để nâng cao hiệu quả trong sản xuất trồng trọt, bao gồm: bón đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách và bón cân đối các loại phân bón nhằm vừa giảm thiểu chi phí đầu tư vừa đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản.

- Ngoài ra, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ, thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.

4. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Xây dựng hệ thống mương thoát nước và vỉa hè dọc quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Cử tri xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu);

Theo báo cáo của Công ty TNHH 2 thành viên BOT QL1 Cienco 4- 319:

Các vị trí ngập mặt đường khi mưa lớn trên QL1 đoạn qua phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai bao gồm: Km392+995 – Km393+57 (Khối 3); Km393+624 - Km394+016 (Khối 5); Km394+800 - Km394+950 (ngã tư Quỳnh Xuân) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km402+330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An theo hình thức BOT do Liên danh Tổng công ty XDCTGT 4 - Tổng công ty 319 làm nhà đầu tư và Công ty TNHH 2TV BOT QL1A Cienco4 - TCT 319 là doanh nghiệp dự án.

Nguyên nhân gây ngập: Quốc lộ 1 đoạn Km392+00 – Km394+00 đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2015, đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư thuộc phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An thoát nước từ sườn đồi thoải phía Tây sang phía Đông QL.1 thông qua hệ thống rãnh dọc phải tuyến (phía Tây) về các cống ngang thoát về hạ lưu (phía Đông, trái tuyến). Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác sử dụng từ 02 - 03 năm, quá trình đô thị hóa làm hạn chế việc thoát nước tự nhiên từ phía Tây (các đồi thoải) về các cống địa hình theo thiết kế được duyệt; mặt khác khẩu độ thoát nước của hệ thống rãnh dọc hiện tại nhỏ, không đảm bảo khả năng thoát nước nên khi mưa lớn nước lưu lượng nước đổ về lớn vượt quá khả năng thoát nước của rãnh nước chảy tràn qua mặt đường gây ngập úng cục bộ.

Quá trình xử lý:

+ Từ năm 2017 đến nay, Cục QLĐB II đã thường xuyên yêu cầu Công ty TNHH 2TV BOT QL1A Cienco4 - TCT 319 nạo vét, khơi thông cống rãnh đảm bảo thoát nước đồng thời chỉ đạo Chi cục QLĐB II.2 phối hợp cùng UBND thị xã Hoàng Mai và UBND phường Quỳnh Xuân kiểm tra hiện trường, đề xuất phương án xử lý chống ngập; tuy nhiên, địa phương chưa có phương án giải quyết công tác giải phóng mặt bằng để xử lý chống ngập QL.1 đoạn qua phường Quỳnh Xuân. Cục QLĐB II, Doanh nghiệp dự án đã lập phương án báo cáo Tổng cục ĐBVN để xử lý ngập nước như mở rộng khẩu độ, cải tạo dốc dọc, khẩu độ rãnh dọc, bổ sung cống ngang đường,... Tuy nhiên, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nên chưa khả thi.

+ Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN, ngày 28/9/2021, Cục QLĐB II đã chủ trì, mời UBND thị xã Hoàng Mai, Nhà đầu tư kiểm tra hiện trường thống nhất phương án xử lý. Trên cơ sở ý kiến của Cục QLĐB II và UBND thị xã Hoàng Mai, Nhà đầu tư đã lập hồ sơ KSTK xử lý chống ngập và có Văn bản số 548/CV-BOT ngày 01/11/2021 đề nghị UBND thị xã Hoàng Mai, UBND phường Quỳnh Xuân cho ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng để làm cơ sở báo cáo Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN. Hiện tại địa phương chưa có ý kiến phản hồi, cam kết về phạm vi xây dựng rãnh, cam kết đền bù GPMB để triển khai dự án. Sau khi có cam kết về mặt bằng phạm vi thi công xử lý chống ngập của UBND thị xã Hoàng Mai, Cục QLĐB II sẽ phối hợp với Doanh nghiệp dự án trình Tổng cục ĐBVN chấp thuận phương án xử lý.

5. Cử tri các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu phản ánh trước đây bà con ngư dân thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác hải sản và đăng ký cấp lại giấy chứng nhận an toàn tàu cá tại Chi cục Thuỷ sản thì thời gian thực hiện thủ tục nhanh chóng, có thể trả kết quả trong ngày. Tuy nhiên, từ khi các thủ tục này đưa về thực hiện tại Trung tâm hành chính công thì thời gian lâu hơn, ảnh hưởng đến thời gian đi lại, hoạt động sản xuất của ngư dân. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân.

Về nội dung này, Ngày 20/4/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1192/SNN-KHTC v/v giải quyết ý kiến cử tri tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Khoá XVIII, cụ thể:

- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An chính thức đi vào hoạt động từ ngày 02/10/2020; Sở Nông nghiệp và PTNT đã cử 2 cán bộ trực tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm để thực hiện tiếp nhận 112 TTHC thuộc các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, trong đó có 30 TTHC Lĩnh vực thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và khoa học công nghệ và môi trường.

Năm 2021 đã tiếp nhận và giải quyết 3.070 bộ hồ sơ; Quý I, năm 2022 tiếp nhận, giải quyết 677 bộ hồ sơ. Trong đó: Thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản, theo quy định thời hạn giải quyết là 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; Thủ tục cấp lại giấy phép khai thác thủy sản, theo quy định thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Các TTHC trên được nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An, số 16 đường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An; Hoặc nộp trực tuyến mức độ 4 tại địa chỉ: http://dichvucong.nghean.gov.vn.

Trước ngày 02/10/2020, ngày Trung tâm PVHCC đi vào hoạt động thì một số TTHC (như ý kiến của Cử tri các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận huyện Quỳnh Lưu phản ánh) được cán bộ Chi cục Thủy sản trực tiếp nhận hồ sơ (đăng kiểm, đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản…) của từng tàu về xử lý. Sau khi thẩm định, xử lý hồ sơ theo quy định, các Tổ công tác sẽ trả lại cho ngư dân tại địa phương. Việc làm trực tiếp này của cán bộ và người dân không có kiểm soát thời hạn xử lý, không qua giám sát của các cấp trên, đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC, có thể phát sinh nhũng nhiễu tiêu cực.

Hiện nay, tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT đã được công khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An; trong đó có 76/116 TTHC cho phép người dân nộp trực tuyến mức độ 4 (thông qua các thiết bị thông minh nộp trên hệ thống mà không cần trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ hành chính công để nộp hồ sơ). Mọi doanh nghiệp, người dân có thể tra cứu nội dung TTHC, mẫu tờ khai để thực hiện TTHC, quá trình giải quyết, kết quả thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An thông qua các thiết bị thông minh.

- Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT nhận thấy một số thuận lợi và khó khăn khi thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của Tỉnh như sau:

+ Về thuận lợi: Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp trên nên công tác kiểm soát thủ tục hành chính từng bước được đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, nhằm kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế; bảo đảm quy định thủ tục hảnh chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

+ Về khó khăn: Ngành nông nghiệp và PTNT là ngành có địa bàn rộng, đa số đối tượng nộp hồ sơ thủ tục hành chính là người nông dân làm ruộng, đi biển, miền núi vùng sâu vùng xa nên việc tiếp cận các văn bản luật cũng như thao tác trên thiết bị điện tử thông minh còn nhiều hạn chế, khai báo sai sót, khó khăn khi Sở triển khai nộp hồ sơ trực tuyến; Công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân hiệu quả vẫn chưa cao; Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết các TTHC cho tổ chức, công dân.

Để giải quyết kiến nghị cử tri, đồng thời tăng cường hiệu quả thực hiện giải quyết TTHC đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp về công khai minh bạch, thời gian tới Sở sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát TTHC trực tuyến; tiếp tục tham mưu cắt giảm số TTHC và thời gian giải quyết TTHC theo hướng tinh gọn và hiệu quả;

+ Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó gắn trách nhiệm cá nhân thực hiện giải quyết TTHC;

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động kiểm soát TTHC đến cán bộ cơ sở và người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn cụ thể chi tiết, cách thức nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn; tiếp nhận hỏi đáp trực tiếp, nhanh gọn và sử dụng các mạng viễn thông được cấp trên cho phép để trao đổi, chỉnh sửa, cung cấp bổ sung hồ sơ theo quy định nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp;

+ Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính thuộc Ngành nông nghiệp và PTNT quản lý;

+ Chi cục Thủy sản nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cử tri; xem xét và khẩn trương có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế do chủ quan (nếu có); chấn chỉnh nâng cao trách nhiệm cán bộ giải quyết TTHC theo đúng quy định./.