1. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Xây dựng Cầu Vai Chón, thuộc tỉnh lộ 554 tại bản Lìm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu

Tuyến ĐT.544 được nâng cấp từ đường huyện lên từ ngày 22/7/2016 theo QĐ số 3552/UBND-CN của UBND tỉnh nghệ An. Thời điểm nâng cấp lên đường tỉnh mặt đường nhiều vị trí hư hỏng, xuống cấp, rãnh dọc bị xói lở, các cống, cầu tràn nhiều chân khay, tứ nón bị xói trôi,… Thời gian qua, Sở GTVT đã tăng cường chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện công tác BDTX đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông được ổn định. Bên cạnh đó, từ năm 2018-2019 đã thu hút nguồn lực để đầu tư sửa chữa nền mặt đường và công trình trên tuyến một số đoạn với tổng kinh phí là 7,1 tỷ đồng (Km0 + 00 – Km4+00; Km22+650 – Km26+00, ĐT.544).

Đối với tràn Vai Chón thuộc Km25+250, ĐT.544, có chiều dài 145m (bao gồm đường bê tông đầu tràn); rộng 5,5m; hiện tại tràn cơ bản vẫn còn tốt. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ tràn thường bị ngập cục bộ trong khoảng 2-3 ngày, với mực nước ngập lớn nhất là 2,5m. Để đảm bảo an toàn giao thông, trong thời gian mưa lũ Sở GTVT Nghệ An thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý phối hợp chính quyền địa phương tổ chức trực gác 24/24 giờ, bố trí rào chắn, điều tiết giao thông; sau mỗi đợt mưa bão vét đất, đá, thanh thải cành cây, củi rác trên mặt tràn đảm bảo ATGT cho người và phương tiện qua lại.

Nội dung kiến nghị của cử tri về việc đầu tư xây dựng cầu thay thế tràn Vai Chón hiện tại là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn lực còn nhiều khó khăn, hạn chế; việc đầu tư xây dựng cầu cần nguồn kinh phí lớn. Do đó, Sở Giao thông vận tải xin ghi nhận và tiếp thu ý kiến cử tri của huyện Quỳ Châu. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến, đặc biệt tại các ngầm tràn thường bị ngập lụt và sẽ triển khai đầu tư xây dựng cầu khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

2. Cử tri huyện Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh sớm chuyển đổi, chuyển giao đất lâm nghiệp của Ban quản lý Rừng phòng hộ về cho các xã: Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Bình và Châu Hội với diện tích 1.425,01ha.

Việc thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Chính phủ.

Liên quan đến công tác rà soát, cắm mốc ranh giới; đo vẽ bản đồ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng và Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu (trong đó có nội dung rà soát đất đai để thu hồi, chuyển về cho địa phường quản lý), Thủ tướng đã có Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng.

Ngày 26/3/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai thực hiện Quyết định trên. Trong đó, tại mục 3.1 nêu: “Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt trước 30 tháng 6 năm 2020 Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng tại địa phương và các Thiết kế kỹ thuật – dự toán chi tiết theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án theo đúng tiến độ”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhu cầu khối lượng, kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong Đề án, xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm về tiến độ, khối lượng và khái toán kinh phí để thực hiện Đề án trình Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2645/STNMT-QLĐĐ.ĐĐBĐVT ngày 09/6/2020; đồng thời đã dự thảo Đề án theo quy định.

Ngày 11/5/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1319/QĐ-UBND về vệc phê duyệt đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân sử dụng.

Ngày 24/01/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 222/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 1319/QĐ-UBND của UBND tỉnh về nội dung nêu trên để tổ chức thực hiện. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới; đo vẽ bản đồ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị (trong đó có Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu) theo kế hoạch được phê duyệt.

Ngày 11/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì làm việc với UBND các huyện có liên quan, các BQL rừng và các đơn vị tư vấn để triển khai kế hoạch và thực hiện các nội dung nêu trên. Mặt khác, việc đề xuất chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất, đề nghị BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu tổ chức rà soát cụ thể từng vị trí để tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn them mưu xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Vì vậy, sau khi hoàn thành việc rà soát đất đai, cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính theo quy định, đề nghị UBND huyện Quỳ Châu phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thu hồi phần diện tích đất lâm nghiệp trả về cho địa phương để quản lý sử dụng.

3. Cử tri phản ánh các tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công các tuyến đường sau:

- Đầu tư nâng cấp tuyến đường từ cầu Vai Chón đến cầu Bản Lìm (xã Châu Phong) thuộc ĐT.544, làm cầu thay thế cầu Vai Chón, bản Lìm (Cử tri huyện Quỳ Châu).

+ Tuyến đường từ cầu Vai Chón đến cầu Bản Lìm (xã Châu Phong) thuộc ĐT.544:

Đoạn tuyến từ cầu Vai Chón đến cầu Bản Lìm (xã Châu Phong) thuộc lý trình Km23+850 - Km25+250, có quy mô bề rộng nền từ 6,5m, bề rộng mặt đường từ 3,5m. Năm 2020, đoạn tuyến này đã được Sở GTVT tiến hành sửa chữa từ Km22+650 – Km26+00 với tổng kinh phí là 3,6 tỷ đồng, hiện tại mặt đường vẫn còn tốt, đảm bảo đi lại thuận lợi, an toàn trên tuyến. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Đơn vị quản lý thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo cho người dân trong vùng đi lại thuận tiện, an toàn.

+ Đầu tư xây dựng cầu thay thế cầu Vai Chón thuộc bản Lìm: Nội dung này đã trả lời tại ý kiến số 25, Mục I.

4. Cử tri xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh bổ sung mở rộng thêm đối tượng không phải hộ nghèo được thụ hưởng theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về “chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” để động viên và đảm bảo tính công bằng đối với người có công.

Nghệ An là tỉnh có số đối tượng hưởng chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng lớn thứ ba cả nước, thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, huy động nguồn lực, tổ chức có hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm tặng, quà và giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với Người có công với cách mạng và gia đình Người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao mức sống gia đình người có công với cách mạng, trước hết là hộ nghèo có thành viên Người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú tiến tới xóa hộ nghèo có thành viên người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo định hướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 19/7/2017 và Quyết định số 773/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB và XH phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025 và Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó quy định chính sách đối với người khuyết tật thuộc thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Những chính sách trên do ngân sách tỉnh đảm bảo 100%, vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chính sách trước tiên đang tập trung hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo, chưa thể bao phủ tất cả đối tượng Người có công với cách mạng và thân nhân Người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng và thân nhân Người có công với cách mạng theo quy định.