1. Cử tri huyện Anh Sơn đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân dân có trâu, bò bị chết do dịch bệnh viêm da nổi cục và tiếp tục hỗ trợ người dân có lợn chết do dịch tả Châu Phi gây ra trong năm 2021.

Năm 2021, bệnh trên đàn gia súc chủ yếu xảy ra 02 loại: (1) Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, tổng chết, tiêu hủy 2.423 con, trọng lượng 325.061 kg; (2) bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), tổng số lợn tiêu hủy 36.599 con, trọng lượng 2.175.245 kg.

Nếu áp dụng mức giá hỗ trợ lợn tiêu hủy do bệnh DTLCP theo Quyết định số 250/QĐ ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi năm 2020: 35.000 đ/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác; 30.000 đ/kg đối với lợn thịt, lợn con và hỗ trợ trâu, bò bị bệnh, chết tiêu hủy mức giá ước tính 45.000 đ/kg hơi thì kinh phí hỗ trợ cho người dân khoảng 86 tỷ đồng.

Để có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy do dịch bệnh sớm khôi phục sản xuất, ngày 27/5/2021 UBND tỉnh đã có văn bản số 3329/UBND-NN đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò và bệnh Dịch tả lợn Châu phi năm 2021.

Ngày 27/8/2021 UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 497/BC-UBND đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo, trình Thủ tưởng Chính phủ có cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh DTLCP, VDNC năm 2021.

Tại cuộc họp trực truyến ngày 11/02/2022, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022, do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì; nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, bệnh VDNC; ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã trả lời: Về chính sách hỗ trợ gia súc bị bệnh DTLCP, VDNC năm 2021, Bộ Nông nghiệp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính Phủ từ tháng 10 năm 2021, nhưng do ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên đến nay vẫn chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình chỉ đạo, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y hướng dẫn cơ sở: Khi trâu, bò bị chết do bệnh VDNC, lợn bị bệnh DTLCP phải tiêu hủy, tiến hành lập hồ sơ, ghi cụ thể từng loại trâu, bò, bê, nghé, lợn tiêu hủy, cân nặng, có ký xác nhận của các bên liên quan. Khi có cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh: UBND cấp huyện kịp thời nộp hồ sơ trình hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do tiêu hủy gia súc bệnh.

2. Cử tri xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đề nghị UBND tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch để người dân xã Đỉnh Sơn có nước sạch sinh hoạt.

Thời gian qua, các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện thông qua Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG Nông thôn mới,... ; bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm thực hiện định hướng, chính sách chung của Nhà nước về đẩy mạnh việc xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Tuy nhiên, do khó khăn trong cân đối, bố trí vốn và việc thu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công trình nước sạch còn khó khăn, nên vẫn còn một số công trình cấp nước sinh hoạt (trong đó có công trình cấp nước trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn) chưa được đầu tư như ý kiến của cử tri đề cập.

Về giải pháp trong thời gian tới: Hiện nay, Trung ương đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 và Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ); đang xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và sẽ thông báo chỉ tiêu kế hoạch trung hạn các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh; căn cứ thông báo chỉ tiêu kế hoạch vốn của Trung ương, UBND tỉnh sẽ xây dựng phương án phân bổ vốn cho các địa phương trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Vì vậy, kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn rà soát, xem xét tính cấp thiết, lựa chọn công trình theo thứ tự ưu tiên, trong đó có công trình nước sinh hoạt để đưa vào danh mục các dự án sử dụng vốn các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 khi được thông báo về chỉ tiêu kế hoạch vốn.

Trong trường hợp đề xuất thu hút dự án đầu tư nước sạch, kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan kêu gọi, thu hút các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sinh hoạt trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao của người dân.

3. Cử tri phản ánh nhiều tuyến đường giao thông, cầu, cống xuống cấp, hư hỏng, thi công dang dở, chậm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh hoặc chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri kiến nghị tỉnh cần rà soát, có kế hoạch đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, duy tu, sửa chữa, tiếp tục thi công:

- Sửa chữa, nâng cấp các đoạn đường nối giáp ranh giữa xã Đỉnh Sơn đi Tam Sơn; xã Tam Sơn đi xã Bồng Khê, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (cử tri xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn).

+ Đường giao thông từ Đỉnh Sơn đi Tam Sơn: Có chiều dài khoảng 6,5km, hiện tại là đường láng nhựa, nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m. Tuyến đường được đầu tư xây dựng đã lâu, trong khi nguồn kinh phí bảo trì của địa phương còn hạn chế nên hiện tại có một số đoạn trên tuyến bị hư hỏng, xuống cấp như cử tri phản ánh. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên đoạn tuyến vẫn chưa khắc phục, sửa chữa.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn quan tâm thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

+ Đường từ xã Tam Sơn đi xã Bồng Khê, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông: Có chiều dài khoảng 1,5km, hiện tại là đường đất, đi lại khó khăn như phản ánh của cử tri. Năm 2021, UBND xã Tam Sơn đã phối hợp với UBND xã Thạch Ngàn và UBND xã Bồng Khê, huyện Con Cuông đổ đá cấp phối, phục vụ đi lại tạm thời của nhân dân. Do nguồn lực của địa phương còn nhiều hạn chế nên hiện tại chưa đầu tư xây dựng đoạn tuyến.

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn quan tâm chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông trên tuyến để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

4. Cử tri huyện Anh Sơn phản ánh qua chốt thời gian công tác, cơ quan Bảo hiểm xã hội yêu cầu cán bộ phục viên xuất ngũ trở về địa phương phải có quyết định phục viên xuất ngũ hoặc giấy chuyển sinh hoạt Đảng để xác định thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội, nhưng do chiến tranh, thiên tai nên việc lưu trữ hồ sơ không còn (chỉ có lý lịch đảng viên làm căn cứ) nhưng BHXH không chấp nhận; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh linh hoạt xem xét giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng này.

Nội dung phản ánh, kiến nghị nêu trên là của cử tri Lê Thanh Hà, mã số BHXH 4017579587, cư trú tại thôn 6, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, hỏi cho ông Nguyễn Như Sửu, mã số 4017559387, cư trú cùng thôn. BHXH huyện Anh Sơn đã liên hệ, hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho ông Nguyễn Như Sửu theo quy định tại khoản 1.6 Mục 1 Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT và khoản 81 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2021 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH; cụ thể một trong các loại giấy tờ làm căn cứ ghi xác nhận thời gian công tác trong quân đội để tính hưởng BHXH là quyết định phục viên hoặc xuất ngũ; trường quân nhân bị mất quyết định phục viên, xuất ngũ thì cung cấp giấy xác nhận của Thủ trưởng cấp Trung đoàn và tương đương trở lên nơi trực tiếp quản lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ hoặc trực tiếp quản lý đối tượng sau khi phục viên xuất ngũ tại địa phương.

Kết quả làm việc với ông Nguyễn Như Sửu xác định Ông không thuộc đối tượng được tính hưởng BHXH đối với thời gian công tác trong quân đội và cá nhân ông Sửu không vướng mắc về nội dung trên.

5. Cử tri huyện Anh Sơn phản ánh người dân khu vực miền núi sinh sống chủ yếu bên đồi núi, muốn san đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thêm nhà ở, chuồng trại thì phải vận chuyển múc đất đổ đi nơi khác, nhưng làm như vậy thuộc hành vi khai thác đất trái phép. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hướng dẫn để tạo thuận lợi người dân.

Về nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5525/STNMT-KS ngày 27/9/2021 về việc giải quyết ý kiến của cử tri huyện Anh Sơn về cải tạo đất, hạ nền đất trong khuôn viên đất ở, vườn của hộ gia đình. Cụ thể như sau:

  1. Đối với việc cải tạo đất ở hộ gia đình thực hiện theo quy định Pháp luật về quản lý đất đai; Trong đó phần khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường có trong khu vực đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cụ thể:

- Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó: thì không bắt buộc phải xin giấy phép khai thác được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản 2010.

- Trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có dôi dư sản phẩm là khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường: Hiện chưa có quy định cụ thể của Luật Khoáng sản năm 2010 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về vấn đề này, do vậy đề nghị UBND huyện Anh Sơn tiếp tục thực hiện công tác quản lý theo quy định của Pháp luật và các nhiệm vụ được UBND tỉnh đã phân công phân nhiệm, nghiêm cấm việc lạm dụng, lợi dụng việc cải tạo vườn để bán đất phục vụ san lấp mặt bằng, làm gạch,...

Đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã được quy định tại Điều 43 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

  1. Đối với việc cải tạo ao, hồ, đập, đất nông lâm nghiệp, thực hiện theo quy định của Pháp luật về quản lý Đất đai, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Môi trường, Đầu tư,...; đối với phần khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá) có trong khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư thì giải quyết như sau:

- Khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá) có trong khu vực thuộc dự án đầu tư mà sản phẩm đó chỉ phục vụ cho công trình đó thì chỉ được phép thực hiện sau khi được UBND tỉnh chấp thuận bằng Giấy cho đăng ký hoặc có văn bản cho phép thực hiện theo khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản; tổ chức, cá nhân được phép phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nghĩa vụ thuế có liên quan khác theo quy định. Hồ sơ nộp vào Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường (Hồ sơ lập theo TTHC đã được UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 29/3/2021, tra cứu vào Wedsite Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An).

- Khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá) có trong khu vực thuộc dự án đầu tư mà khoáng sản đó không phục vụ cho công trình đó (vận chuyển đi san lấp, xây dựng các công trình khác hoặc bán cho các nhà máy gạch,..) thì chỉ được phép thực hiện sau khi UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác hoặc cho phép bằng văn bản theo quy định tại Điều 65 Luật khoáng sản 2010.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Anh Sơn xuất hiện tình trạng lợi dụng cải tạo đất ở, vườn đồi, đất lâm nghiệp, cải tạo ao, hồ, đập sản phẩm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường để bán nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, gây thất thu ngân sách và vi phạm các quy định của Pháp luật về quản lý khoáng sản. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Anh Sơn kiểm tra, rà soát xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 về ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

6. Cử tri huyện Anh Sơn phản ánh vẫn còn một số đối tượng chưa được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người tham gia dân công hỏa tuyến. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, tiếp tục triển khai để đảm bảo quyền lợi cho những người có công.

Qua gần 7 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quân khu nhận xét, đánh giá Bộ CHQS tỉnh Nghệ An là đơn vị xét duyệt hồ sơ bảo đảm chất lượng tốt, ít sai sót và tiến độ nhanh nhất trong toàn Quân khu.

Số liệu khảo sát ban đầu của toàn tỉnh 152.647 đối tượng, tính đến ngày 01/6/2022 Bộ CHQS tỉnh đã thẩm định xét duyệt cơ bản xong hồ sơ và báo cáo Quân khu được 212.070 đối tượng. Tư lệnh Quân khu đã ký quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần cho 206.366 đối tượng với số tiền trợ cấp là 474.963.600.00 đồng. Hiện nay còn 6.025 đối tượng (trong đó Quân khu và tỉnh đang xét duyệt 513 đối tượng, cấp huyện xét duyệt 1.500 đối tượng, cấp xã 4.012 đối tượng).

- Đối với huyện Anh Sơn:

Số liệu khảo ban đầu là 9.171 đối tượng, tính đến ngày 01/6/2022. Ban CHQS thị xã đã xét duyệt và báo cáo về Bộ CHQS tỉnh 9.171 đối tượng. Bộ CHQS tỉnh xét duyệt xong và báo cáo Quân khu 9.171 đối tượng, đã có Quyết định hưởng trợ cấp một lần cho 8.377 đối tượng với tổng số tiền chi trả là 21.419.10.100đồng, số số còn lại 927 đối tượng (Trong đó: Quân khu và tỉnh đang tiếp tục xét duyệt và trình Cục Chính sách thẩm định 173 đối tượng, Quân khu và tỉnh đã trả về cho Ban CHQS huyện 489 đối tượng bổ sung và 132 đối tượng không thuộc đối tượng được hưởng theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/1015 của Thủ tướng Chính phủ).