124.jpg

Khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân

Gia đình anh Lữ Văn Minh là một trong nhiều hộ gia đình tại bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đã vươn lên thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ bò sinh sản. Trước đây, cuộc sống gia đình anh với 5 nhân khẩu, đất sản xuất ít, kỹ thuật chăn nuôi không có nên gia đình anh chẳng thể kiếm thu nhập gì thêm ngoài những chuyến đi rừng, vì vậy suốt nhiều năm liền gia đình anh Minh là hộ nghèo. Năm 2017 từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, sau khi được khảo sát điều kiện kinh tế, gia đình anh Lữ Văn Minh được hỗ trợ một con bò sinh sản. Cùng với ý chí thoát nghèo, gia đình anh tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, chăm sóc con bò này để sớm sinh sản ra những con bò khác. Anh Lữ Văn Minh chia sẻ: Nhờ chăm nuôi tốt, từ một con bò mẹ đến nay đã đẻ ra hai chú bò con, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Cùng với làm nương rẫy, chăn nuôi bò, gia đình còn trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đầu năm 2019, gia đình anh đã thoát nghèo.

phat-trien-mo-hinh-chan-nuoi-giup-nguoi-dan-khu-vuc-mien-nui-nghe-an-nang-cao-thu-nhap-.jpg
Phát triển mô hình chăn nuôi giúp người dân khu vực miền núi Nghệ An nâng cao thu nhập.

Được biết từ năm 2017 đến nay tại xã Châu Hạnh mỗi năm có trên 30 hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ bò sinh sản, từ đó, hàng trăm hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Để đảm bảo cho công tác hỗ trợ bò sinh sản giúp người dân địa phương thoát nghèo phát huy hiệu quả cao, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, các gia đình nhận hỗ trợ cũng cam kết lộ trình trong vòng 3 năm sẽ thoát nghèo.

Ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Được sự hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế đã được Nhân dân đầu tư nhân rộng. Tuy nhiên, Quỳ Châu là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42% dân số toàn huyện. Đây là thách thức lớn của địa phương, do đó công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của Huyện tập trung. Làm sao để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của Nhân dân; xác định những lợi thế dễ làm để người dân có thể tiếp cận trong thời gian sớm nhất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao thu nhập cho bà con là giải pháp được địa phương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

tu-nguon-von-quy-htnd-giup-nong-dan-nghia-dan-phat-trien-chan-nuoi-phat-trien-kinh-te.jpg
Từ nguồn vốn Quỹ HTND giúp nông dân Nghĩa Đàn phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế

Là hộ nghèo của bản Na xã Hữu Lập (Kỳ Sơn), cuộc sống bao đời phụ thuộc vào những thứ sẵn có ở rừng nên cuộc sống của gia đình ông Vi Văn Phương ở bản Na xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn luôn trong tình trạng nghèo đói. Năm 2014 hộ ông Phương được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách huyện, với số vốn này ông đầu tư 2 con bò cùng một số gà và lợn giống, khoanh bao diện tích vườn rừng để trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Sau 3 năm gia đình ông Vương không chỉ thoát nghèo mà mô hình chăn nuôi bò, lợn giống của ông đã trở thành mô hình để người dân trong bản học tập làm theo.

Cũng như hộ ông Phương, nhiều hộ dân ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) nhờ vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế nên trên địa bàn xã xây dựng được nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Ông Lô Đình Thụ - Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, Kỳ Sơn cho biết: Nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế. Điều dễ nhận thấy là ý thức của người dân trong phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt.

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng nhất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững. Với phương châm “cho cần câu hơn xâu cá”, huyện Kỳ Sơn đang triển khai 17 dự án, 2 chương trình hỗ trợ cho trên 13.000 lượt hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 65% năm 2016 xuống còn 46% năm 2020. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn phấn đấu sớm thoát khỏi huyện nghèo và phát triển bền vững; tỷ lệ hộ nghèo đến 2025 giảm còn 29 - 32%.

Huy động sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng

Công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Bằng cách lồng ghép các cơ chế, chính sách, chính quyền và Nhân dân các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An không ngừng nỗ lực để công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực nhất. Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo là ngoài khơi dậy sức mạnh nội lực huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo trong đồng bào thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo. Hàng năm thông qua chương trình quỹ hỗ trợ vì người nghèo đã có hàng chục tỷ đồng được đóng góp từ các doanh nghiệp chuyển đến người nghèo một cách thiết thực nhất. Hàng trăm doanh nghiệp đã chung tay cùng chính quyền các cấp để hỗ trợ người nghèo hiệu quả.

fbec48272a97eec9b786.jpg

Đặc biệt, qua 10 năm thực hiện chủ trương mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ một xã nghèo do UBND tỉnh Nghệ An phát động, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo, xã nghèo của tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2012 – 2022, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ các xã nghèo miền Tây với số tiền 310 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền Tây giảm từ 24,04% đầu năm 2016 xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020); các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5,97%/năm.

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, dân số đông thứ 4 cả nước với 76 xã và 38 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%, cao hơn mức bình quân cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh và phát huy được nội lực của toàn dân. Đây là thách thức lớn của tỉnh Nghệ An.

2bd736f45444901ac955.jpg

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã thông qua Nghị quyết: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1% - 1,5%, trong đó vùng miền núi từ 2% - 3%. Để thực hiện các mục tiêu đề ra cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông thông tin, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và Nhân dân xác định rõ mục đích ý nghĩa đối với công tác giảm nghèo; phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ các xã nghèo. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo; giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, cho không; ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện sẽ làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với nỗ lực từ phía người dân, tỉnh Nghệ An quan tâm đẩy mạnh chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững. Tại kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An với hơn 918,8 tỷ đồng; riêng trong năm 2022 là hơn 404 tỷ đồng. Nghị quyết cũng xác định cơ chế, giải pháp huy động và lồng ghép vốn thực hiện chương trình được thực hiện theo Nghị định 27/2022 của Chính phủ; việc lồng ghép phải được xác định khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án. Trong đó, phân định rõ được tỷ lệ huy động, cơ cấu từng nguồn vốn được lồng ghép, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Tuấn Anh