1. Thắng lợi to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III
Ngày 26.4.1964, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III được tiến hành trên toàn miền Bắc XHCN. Tổng số đơn vị bầu cử được quy định là 59; tổng số khu vực bỏ phiếu là 24.521; tổng số người ứng cử là 448, trong đó có 78 người thuộc các dân tộc thiểu số; tổng số đại biểu được bầu là 366. Cuộc bầu cử đã diễn ra rầm rộ như một ngày hội lớn của toàn dân tộc. Trong tổng số 8.775.002 cử tri ghi trong danh sách, có tới 8.580.002 cử tri đã đi bỏ phiếu, tỷ lệ bình quân đạt 97,77%. Ở rất nhiều khu vực, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 100%: Hà Nội có 634 khu vực bỏ phiếu thì 433 khu vực đạt 100%, Quảng Bình 520 khu vực bỏ phiếu thì 379 khu vực đạt 100%[1]…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử tại khu vực bỏ phiếu A24 (trụ sở Bộ Nông nghiệp, phố Ngọc Hà, Ba Đình). Sau đó Người đi thăm một số khu vực bỏ phiếu khác ở Thủ đô như khu vực C29 Đống Đa và các xã Xuân La, Nhật Tân huyện Từ Liêm...
Khu Vĩnh Linh - tuyến đầu của miền Bắc XHCN, cử tri đi bầu với khí thế phấn khởi, hiên ngang, không chỉ thực hiện quyền làm chủ của mình mà còn là hình ảnh trực tiếp cổ vũ đồng bào bờ Nam sông Bến Hải đang đấu tranh giành lại quyền độc lập dân tộc, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Báo cáo Tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cuộc bầu cử đã khẳng định: “Cuộc bầu cử Quốc hội Khóa III ở tất cả các địa phương đã được tiến hành theo đúng luật lệ, bảo đảm tính chất thật sự dân chủ của cuộc bầu cử...”[2]
2. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa III được tiến hành từ ngày 27.6 đến 3.7.1964
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thành lập Chính phủ mới và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước: Cơ quan Chủ tịch nước có 2 chức danh là Chủ tịch và Phó Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng đều đạt 100% số phiếu bầu của đại biểu có mặt). Quốc hội có 5 Ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật; Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Thống nhất; Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Ủy ban này vừa mới được thành lập theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa III, ngày 3.7.1964). Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 26 thành viên, có 3 Ủy viên dự khuyết. Trong đó, lãnh đạo Quốc hội gồm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch. Hầu như tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều hoạt động kiêm nhiệm.
Chính phủ gồm 36 thành viên: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, 5 thành viên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Văn phòng Chính phủ được tổ chức theo mô hình đặc thù của hành pháp thời bấy giờ, gồm 5 văn phòng chuyên lĩnh vực: Văn phòng Nông nghiệp, Văn phòng Công nghiệp, Văn phòng Tài chính - Thương nghiệp, Văn phòng Nội chính, Văn phòng Văn giáo, mỗi Văn phòng có một Chủ nhiệm), 18 Bộ trưởng, 7 Trưởng ngành. Hội đồng Quốc phòng gồm 10 thành viên, do Chủ tịch nước đứng đầu.
Tại Kỳ họp thứ nhất, sau Lời khai mạc của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh ngày 27.6.1964, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ. Quốc hội đã biểu quyết xác nhận tư cách đại biểu của 366 đại biểu trúng cử; quyết nghị thành lập Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; thông qua Nghị quyết của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa III, ngày 3.7.1964 về Báo cáo chính trị của Hội đồng Chính phủ. Nghị quyết gồm 4 vấn đề lớn[3]:
“1. Quốc hội nhất trí tán thành sự đánh giá của Chính phủ về tình hình các địa phương trong mấy năm qua, nêu rõ những biến đổi to lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của miền Bắc nước ta...
2. Quốc hội nhất trí tán thành sự đánh giá của Chính phủ về những cố gắng mới và những thắng lợi mà nhân dân ta đã giành được trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1964, đặc biệt thắng lợi về nông nghiệp trong vụ Đông - Xuân mới đây...
3. Quốc hội hoàn toàn nhất trí với nhận định của Chính phủ về tình hình miền Nam Việt Nam và tình hình Đông Nam Á hiện đang trở nên rất nghiêm trọng do chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra...
4. Quốc hội kêu gọi toàn thể đồng bào ta hãy tăng cường đoàn kết, bồi dưỡng chí khí chiến đấu và nâng cao tinh thần cảnh giác, phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, tác phong cần cù và giản dị, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước với ý thức “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”; kết hợp với cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” và cuộc vận động “ba xây, ba chống” để hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; kiên quyết đập tan mọi âm mưu và hoạt động khiêu khích, phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với miền Bắc; sẳn sàng đánh bại chúng nếu chúng liều lĩnh xâm phạm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
3. Quốc hội bắt đầu thực thi nhiệm vụ thời chiến
Nhằm cứu vãn tình thế ngày càng thất bại ở miền Nam, ngày 5.8.1964 đế quốc Mỹ gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ ném bom miền Bắc. Chúng đã sử dụng không quân và hải quân ồ ạt đánh phá, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên toàn miền Bắc. Ở miền Nam, chúng chuẩn bị đưa quân Mỹ vào để chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” - một hình thức cao của chiến tranh thực dân kiểu mới. Từ đây cả nước đều làm việc trong điều kiện thời chiến...
Toàn miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Do điều kiện chiến tranh nên Quốc hội đã căn cứ Điều 53 của Hiến pháp 1959 sau khi quy định 18 quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có quy định “Ngoài những quyền hạn trên, Quốc hội có thể trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết” và Quốc hội đã quyết nghị giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn: Xem xét và quyết định triệu tập họp Quốc hội vào lúc thuận lợi trong trường hợp Quốc hội không thể họp thường kỳ; thực hiện 3 loại nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội: Một là, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân; xét duyệt, phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Hai là, ấn định các thứ thuế. Ba là, phê chuẩn việc phân vạch địa giới các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tùy tình hình và theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ mà sử dụng những quyền hạn được giao và sẽ trình Quốc hội phê chuẩn những nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề trên vào kỳ họp Quốc hội gần nhất. Các quyền hạn trên được thực hiện cho đến khi có nghị quyết mới của Quốc hội.
Trên thực tế thì ngay trong năm 1964 và các năm sau đó (khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, Quốc hội không thể họp thường kỳ được), Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa III đã thực hiện rất trôi chảy những quyền hạn mới được Quốc hội giao. Ở nhiệm vụ thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Kế hoach phát triển kinh tế quốc dân năm 1965 do Chính phủ trình; đã phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1963 và năm 1964. Ở nhiệm vụ thứ 2, ngày 20.11.1964, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số nguyên tắc mới về thuế sát sinh, làm cơ sở cho Hội đồng Chính phủ ra nghị định quy định thuế sát sinh cho phù hợp với tình hình ngành chăn nuôi của nước ta trong điều kiện đã cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Ở nhiệm vụ thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái; hợp nhất 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Nam Hà; ra Nghị quyết tách Bộ Giáo dục thành 2 bộ là Bộ Đại học, Trung học và Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục; tách Ủy ban Khoa học nhà nước thành Viện Khoa học xã hội và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước; thành lập Tổng cục Thông tin, trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Chiến tranh ác liệt nên thương vong, bệnh tật, hy sinh là điều không tránh khỏi. Ngày 3.10.1964, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê chuẩn quy định và ban hành “Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động về hưu hoặc chết” do Chính phủ trình...
Thực tiễn hoạt động sôi động, có hiệu quả cao của Quốc hội Khóa III, khởi đầu là năm Giáp Thìn 1964, đã thể hiện nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và trí tuệ, năng lực trong công tác tổ chức của lãnh đạo Quốc hội trong điều kiện đất nước có chiến tranh.
__________
[1] Văn kiện Quốc hội Toàn tập, tập 3 (1964 - 1971), trang 10, Nxb CTQG, HN.2007.
[2] Như (1), trang 11-12.
[3] Như (1), trang 127-131.
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội