Khơi dậy nguồn lực trong Nhân dân

Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước đặc biệt là chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, xã Nghi Xá (Nghi Lộc) đã khơi dậy nội lực trong Nhân dân, khai thác tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã vận động Nhân dân hiến trên 7.800m2 đất ở và vườn; 20.000m2 đất nông nghiệp; hơn 148 bờ rào, hàng chục công trình phụ khác và hàng ngàn ngày công lao động, với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn xã đã nâng cấp, xây dựng mới được 9,5km đường nhựa, 25km đường bê tông xi măng. Qua 9 năm xã Nghi Xá đã đầu tư 120 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm cả ngân sách cấp trên hỗ trợ, ngân sách địa phương, hỗ trợ của doanh nghiệp, các dự án lồng ghép, đặc biệt Nhân dân đóng 35 tỷ đồng. Đến nay 100% đường giao thông của xã, trục thôn, xóm ở Nghi Xá được nhựa hóa và bê tông hóa theo tiêu chí NTM và được coi là một khâu đột phá đường giao thông nông thôn, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Đảng uỷ xã Nghi Xá Võ Văn Đình cho biết: “Đối với một xã còn nhiều khó khăn như Nghi Xá thì nguồn vốn hỗ trợ kích cầu này đã thực sự khích lệ, động viên cán bộ, Nhân dân địa phương tích cực tham gia xây dựng NTM. Năm 2019, xã Nghi Xá được công nhận xã NTM, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Để hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, năm 2022 xã đề xuất tỉnh hỗ trợ 300 tấn xi măng để đầu nâng cấp đường giao thông nông thôn”.

ntm.jpg
Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã tại các dịa phương ở Nghệ An được phát triển cùng quá trình xây dựng nông thôn mới

Còn với xã miền núi Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015. Sau khi đón nhận xã NTM, Nghĩa Xuân được tỉnh thưởng 500 triệu đồng. Số tiền này được xã sử dụng đầu tư xây dựng hội trường nhà văn hoá đa chức năng của địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Hoạt – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết, nguồn hỗ trợ kích cầu xã về đích NTM, các xã phát huy hiệu quả nguồn vốn này. Đối với xã Nghĩa Xuân sau khi nhận nguồn hỗ trợ của tỉnh đã xây dựng hội trường nhà văn hoá đa chức năng của xã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của Nhân dân trên địa bàn.

Gia đình chị Bùi Thị Hà ở xóm Thọ Đông, xã Nghĩa Lộc có vườn rộng trên 2.500m2. Trước đây, chị từng trồng nhiều loại cây nhưng giá trị kinh tế không cao. Trên diện tích vườn hơn 2.500m2 của gia đình được quy hoạch bài bản với ao nuôi cá, xung quanh là vườn rau “mùa nào thức ấy”, ở giữa là nhà, phía sau là khu vực chăn nuôi và vườn bưởi da xanh. Chị Hà tâm sự: “Gia đình tôi cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng vườn chuẩn. Số tiền đó không lớn so với hàng trăm triệu đồng vợ chồng chúng tôi đầu tư vào vườn nhưng đó là sự khích lệ, động lực để người dân bắt tay vào xây dựng vườn chuẩn. Hơn nữa, cái quan trọng khi xây dựng vườn chuẩn là chúng tôi được tư vấn để quy hoạch mảnh vườn của mình hợp lý hơn, đẹp hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho gia đình”.

ntm-3.jpg
Năm 2021, huyện Nghĩa Đàn xây dựng thành công 26 vườn chuẩn. Từ những mô hình đó đã tạo được sức lan tỏa rộng lớn trong nông dân trên địa bàn huyện. Năm 2022, huyện Nghĩa Đàn đăng ký 24 vườn chuẩn (trong đó 21 vườn chuẩn cấp huyện và 3 vườn đạt chuẩn cấp tỉnh)

Ban hành chính sách mới

Mặc dù còn có nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An đã có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, qua đó kích cầu, tạo động lực cho toàn xã hội tham gia vào xây dựng, kiến thiết nông thôn. Hiệu quả rõ nét nhất là cơ chế hỗ trợ xi măng và khen thưởng các xã, huyện đạt chuẩn NTM. Cụ thể xã đạt chuẩn NTM được tỉnh hỗ trợ xi măng, xây dựng 6-8km đường bê tông đạt chuẩn mỗi năm; nếu đạt chuẩn NTM thì cấp xã được thưởng 500 triệu đồng, cấp huyện được thưởng từ 1,5 đến 2 tỷ đồng để xây dựng công trình phúc lợi.

Tính đến 31/12/2020 UBND tỉnh Nghệ An đã giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 55.550 tấn/55.550 tấn kế hoạch, nâng tổng số xi măng đã cấp từ khi thực hiện chương trình là 730.476 tấn. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các chương trình, dự án, các đơn vị, doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tỉnh trích ngân sách khoảng 110 tỷ đồng để thực hiện các chính sách triển khai mục tiêu xây dựng NTM.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Hằng đánh giá: Chính sách khuyến khích trong xây dựng NTM tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn. Các địa phương đã phát huy được sức mạnh cộng đồng, huy động được các nguồn lực và sự đóng góp của Nhân dân để thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi diện mạo của làng quê nông thôn đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực của chương trình. Trên cơ sở các chính sách giai đoạn trước, Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách mới phù hợp với giai đoạn mới, nhất là đối với các xã đăng ký đạt chuẩn hàng năm đề xuất tăng tỷ lệ hỗ trợ xi măng và cơ chế chính sách đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đề xuất cơ chế hỗ trợ xi măng, chính sách thưởng hợp lý. Địa phương có đăng ký xây dựng vườn chuẩn trong xây dựng NTM sẽ được hỗ trợ. Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 5/3/2021 về việc phê duyệt danh sách các xã/huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021; tham mưu ban hành Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây dựng NTM năm 2021 (đợt 10).

ntm-1.jpg
Làng quê Nghệ An ngày càng đổi mới, phát triển khi triển khai xây dựng chương trình Nông thôn mới.

HĐND tỉnh khoá XVII nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021 và thay thế Nghị quyết số 166/2015/NQ HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, Nghị quyết quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Điều kiện hỗ trợ là các đơn vị cấp huyện, các xã đăng ký, cam kết hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, nông thôn mới nâng cao được UBND tỉnh phê duyệt hoặc không đăng ký, cam kết, nhưng hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, nông thôn mới nâng cao được cấp có thẩm quyền công nhận; đối với thôn, bản phải được UBND cấp huyện phê duyệt trong kế hoạch UBND tỉnh giao.

Bên cạnh đó, nghị quyết còn quy định chính sách thưởng trong xây dựng NTM. Đặc biệt, nghị quyết cũng quy định sẽ thưởng 15 triệu đồng/hộ gia đình khi có vườn chuẩn nông thôn mới. Đó là đòn bẩy ngày 13/12/2020 ngày 13/12/2020 quan trọng để nhiều hộ đăng ký được xây dựng vườn chuẩn theo hướng giá trị cao, bền vững.

Việc ban hành Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, với các cơ chế, chính sách đồng bộ sẽ tạo động lực mạnh mẽ giúp các địa phương huy động, thu hút nguồn lực cũng như khơi dậy sức dân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Đến nay Nghệ An có 320/411 xã đạt tiêu chí số 3 giao thông, chiếm 77,86%. Năm 2021, toàn tỉnh có 300/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 20 xã so với năm 2020, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Cùng đó, có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM”.

Bài, ảnh: Châu Tuấn