Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh,....Thông qua đó đã tạo thuận lợi, giúp Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

bna_toan3919486_1342022--n1.jpg
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật

Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An thực hiện nghiêm túc việc tham gia góp ý các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương; cung cấp thông tin, phối hợp tổ chức hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi có yêu cầu. Việc thực hiện các thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND kịp thời theo quy định.

Sau các kỳ họp của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã xem xét, thẩm tra, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong hoạt động thẩm tra ngân sách phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trên cơ sở các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 03 năm quốc gia, phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm; Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 974/2020/UBTVQH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên báo cáo, cung cấp thông tin với Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân như các báo cáo, việc hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, ban hành các văn bản về nhân sự, miễn nhiệm, bầu bổ sung các chức danh do HĐND tỉnh phê chuẩn; tham gia Hội nghị giao ban các tỉnh Bắc Trung bộ; Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp; bồi dưỡng kỹ năng cho ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức.

bna_19269027_2532022.jpg
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết tại kỳ họp

Công tác hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND tỉnh được thực hiện kịp thời, đặc biệt là công tác hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử HĐND các cấp, công tác tổ chức kỳ họp thứ nhất; lấy ý kiến Nhân dân về các dự thảo luật, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng do đó tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân các cấp được kiện toàn và hoạt động ổn định, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND tỉnh nói riêng và HĐND các cấp nói chung vẫn có những khó khăn, vướng mắc do chưa có quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân thực hiện theo Luật (thay thế quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005 đã hết hiệu lực); chưa quy định cụ thể cách thức, trình tự xử lý những công việc giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh khi tham gia quyết định các vấn đề phát sinh; quy định đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân để xét các hình thức thi đua, khen thưởng nên việc triển khai, tổ chức thực hiện gặp một số khó khăn. Trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, cơ quan trình dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Ban của HĐND để thẩm tra và báo cáo thẩm tra phải được gửi đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh. Như vậy quy định chỉ có 5 ngày để các Ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra, nhất là đối với những nội dung quan trọng, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu.

Để tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế hoạt động của HĐND các cấp; hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; quy định cụ thể thẩm quyền, quy trình của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh giải quyết những công việc phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND – UBND cấp huyện trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã (khoản 4, Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Xem xét, trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy định thời gian thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh dài hơn so với quy định hiện nay, tạo điều kiện cho các Ban có thời gian nghiên cứu kỹ hơn các dự thảo nghị quyết. Tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát nhằm tránh sự chồng chéo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.

Lê Xuân

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh