Sáng 18/10, tại TP. Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tổ chức kỳ họp đột xuất - Kỳ họp thứ 3 nhằm giải quyết các công việc phát sinh, cấp thiết của tỉnh.
Ông Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Ảnh: Thành Duy
Tại kỳ họp thứ Ba, khóa XVIII, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển TX. Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, giai đoạn 2022-2025.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh, qua hơn 12 năm thành lập, thị xã Thái Hòa đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, bước đầu định hình là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng theo đồng bộ; diện mạo, kiến trúc đô thị có nhiều đổi mới.
Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Nghệ An trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: Thành Duy
Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu xây dựng thị xã Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Nghệ An cần một nguồn lực rất lớn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thị xã Thái Hòa giai đoạn 2022-2025 là cần thiết.
Mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm xây dựng, phát triển thị xã Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An và Nam Thanh - Bắc Nghệ, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2025, là tiền đề quan trọng cho việc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thị xã Thái Hòa thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh: Thành Duy
Theo đó, Nghị quyết gồm có 3 cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển TX. Thái Hòa:
- Về cơ chế thu tiền sử dụng đất với tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất cho ngân sách thị xã Thái Hòa và các phường:
+ Tiền sử dụng đất sau khi đã trừ phần kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn thị xã nhưng không xác định để đầu tư công trình cụ thể được điều tiết theo tỷ lệ: Ngân sách tỉnh 50%; ngân sách thị xã 40%; ngân sách phường 10%.
+ Tiền sử dụng đất từ đấu giá, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất được điều tiết theo tỷ lệ: ngân sách thị xã 70%; ngân sách phường 30%.
TX.Thái Hòa đang phấn đấu trở thành đô thị loại III vào năm 2025, tiền đề quan trọng cho việc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2030. Ảnh tư liệu
- Về chính sách hỗ trợ xi măng: Hỗ trợ thị xã Thái Hòa 3.000 tấn xi măng PC40/năm để nâng cấp, xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi và xây dựng đô thị văn minh.
- Chính sách bố trí kinh phí sự nghiệp thị chính, môi trường và hỗ trợ khác 80 tỷ đồng/năm để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, đường vỉa hè, hệ thống cấp nước và thoát nước, công viên, cây xanh và các hạ tầng thị chính khác; kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường... và chi sự nghiệp kinh tế khác.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Danh mục các dự án, nhóm dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thị xã Thái Hòa ban hành kèm theo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển TX. Thái Hòa trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An, giai đoạn 2022-2025.
Phạm Bằng - Thành Duy
(Nguồn: BNA)