Hàng trăm lá đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi
Sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được xác định là cuộc cách mạng của Đảng nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc cách mạng này đang nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, có nhiều cán bộ, công chức với nhận thức: làm cách mạng là có "hy sinh" và điều “hy sinh” ở đây là "hy sinh" về công việc, quyền lợi của cá nhân để thực hiện chủ trương chung và lớn của Đảng.
Đồng chí Võ Khắc Điệt - Bí thư Đảng uỷ xã Phú Thành (cũ), huyện Yên Thành là một ví dụ. Dù còn đủ tuổi tham gia tái cử nhiệm kỳ đại hội 2025 - 2030 và 4 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, đồng thời quá trình công tác luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm, nhưng thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xã Phú Thành (cũ) và Hồng Thành thành xã Phú Thành (mới), đồng chí đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ trước tuổi. Chia sẻ về quan điểm, tư tưởng của mình, đồng chí Võ Khắc Điệt nêu: “Thứ nhất, ở góc độ là chủ trương của Đảng, mình là đảng viên phải có trách nhiệm tiên phong, gương mẫu để thực hiện. Thứ hai, mình nghỉ để tạo điều kiện cho tổ chức sắp xếp. Thứ ba là tạo cơ hội cho cán bộ trẻ cống hiến. Thứ tư là chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh cho cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi đảm bảo”.
Cũng còn 4 năm mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng khi tiến hành sáp nhập xã Nhân Thành và Hợp Thành, thành xã Đông Thành, trên cơ sở trao đổi của Ban Tổ chức Huyện uỷ Yên Thành, đồng chí Nguyễn Thanh Vân - Phó Chủ tịch HĐND xã Nhân Thành (cũ) đã làm đơn tự nguyện nghỉ trước tuổi “để ủng hộ chủ trương chung, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, trách nhiệm “nhường chỗ” cho người trẻ”.
Đối với đồng chí Hồ Xuân Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thành: “Dù còn 5 năm mới đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, tuy nhiên trong điều kiện sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ, công chức dôi dư, tôi sẵn sàng nghỉ hưu trước tuổi với hy vọng thế hệ cán bộ trẻ với sức bật, sự bứt phá mạnh hơn để lãnh đạo tốt địa phương sau sáp nhập”.
Với tinh thần tiên phong, gương mẫu ủng hộ chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tại huyện Yên Thành, đã có 45 cán bộ, công chức tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 28 người đã có quyết định nghỉ hưu và hưởng chế độ chính sách từ ngày 01/01/2025.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy: “Chính sự tiên phong, gương mẫu của những cán bộ, công chức đã tạo thuận lợi cho cấp uỷ, chính quyền trong sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức ở các đơn vị sáp nhập, đặc biệt giải quyết cán bộ, công chức dôi dư. Trong tổng số 98 cán bộ, công chức dôi dư so sắp xếp, sáp nhập 14 xã, thị trấn, thành 7 xã, thị trấn, đến nay huyện Yên Thành đã giải quyết xong cơ bản, hiện chỉ còn 2 cán bộ, gồm 1 chức danh phó bí thư đảng uỷ xã có phương án, vị trí sắp xếp, có thể bố trí chức danh khác ngay tại địa phương hoặc chuyển đến xã khác giữ đúng chức danh hiện tại, 1 phó chủ tịch UBND xã sẽ luân chuyển sang địa phương khác.
Ở huyện Thanh Chương, địa phương thực hiện sắp xếp, sáp nhập 16 đơn vị thành 7 đơn vị, số cán bộ, công chức dôi dư 158 người. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 33/39 cán bộ và 1/3 công chức tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Là 1 trong 34 người tự nguyện viết đơn nghỉ hưu trước tuổi ở huyện Thanh Chương, đồng chí Trần Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Khê tâm sự: “Xét các yếu tố về sức khoẻ, trình độ, năng lực và uy tín của cá nhân đều đảm bảo để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng chung của Đảng, tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình. Trong điều kiện sáp nhập xã, để tạo thuận lợi cho tổ chức sắp xếp, bố trí cán bộ, tạo cơ hội cho người trẻ cống hiến, mặt khác, về mặt chế độ, chính sách được Trung ương và tỉnh quan tâm, tôi đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi”.
Tại huyện Diễn Châu, 10 xã, thị trấn sáp nhập thành 5 xã, thị trấn, dự kiến có 72 cán bộ, công chức dôi dư. Hiện đã có 11 người tự nguyện làm đơn nghỉ hưu trước tuổi. Hay ở huyện Quỳnh Lưu, tính đến ngày 31/12/2024 đã có 13 cán bộ làm đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Đối với thành phố Vinh (mới), đã có 14 người làm đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 2 trưởng phòng thuộc UBND thành phố, 1 chuyên viên và 1 nhân viên cơ quan Thành uỷ và 10 cán bộ, công chức phường.
Như vậy, đến ngày 31/12/2024, chỉ tính riêng 7/13 đơn vị thực hiện sắp xếp, gồm Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và thành phố Vinh, đã có 123 lá đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Tìm hiểu cách làm ở một địa phương, cho thấy các cấp, ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Yên Thành chia sẻ: “Thời gian đầu cán bộ, công chức cũng có những tâm tư. Tuy nhiên, sau khi được huyện làm rõ yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong điều kiện sáp nhập quy mô, dân số lớn đòi hỏi trình độ, năng lực, sức bật rất lớn của cán bộ, đảng viên... Các đồng chí đã đồng thuận ủng hộ, chấp nhận hy sinh một phần quyền lợi cá nhân để đạt mục tiêu chung của tập thể”.
Với thành phố Vinh, theo đồng chí Nguyễn Trí An - Phó trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ: Trước hết, thành phố xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn, bố trí cán bộ, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Gắn với đó là đưa ra phương án sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác cho từng cán bộ cụ thể để tự đánh giá khả năng đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ của mình, từ đó có sự cân nhắc đưa ra quyết định của mình trong việc lựa chọn nghỉ hay tiếp tục làm việc theo sắp xếp của tổ chức một cách dân chủ, công tâm, khách quan. Điều này đã tạo đồng thuận trong việc sắp xếp, bố trí, cũng như sự chủ động tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi của cán bộ, công chức.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Diễn Châu cho rằng: Huyện đã trực tiếp làm việc từng cơ sở, từng cán bộ trong diện đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi nhằm trao đổi những khó khăn trong công tác sắp xếp cán bộ sau sáp nhập để cán bộ hiểu và cùng đồng hành, đồng thời trên cơ sở tính toán các chế độ chính sách: tiền trợ cấp và chế độ hưu trí, phân tích rõ hơn - thiệt cho từng cán bộ, công chức để họ tự cân nhắc, lựa chọn. Quá trình tuyên truyền, vận động, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đánh giá, phân tích rõ những ưu điểm của cán bộ để giữ những cân bộ có năng lực tiếp tục cống hiến cho địa phương sau sáp nhập.
Với cách làm khoa học, bài bản, công tâm, khách quan trong đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ, cùng với làm tốt công tác tưởng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đã tạo thuận lợi cho các địa phương giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, hiện nay, một số cán bộ, công chức có quyết định nghỉ và hưởng chế độ từ 01/01/2025 băn khoăn về chế độ áp dụng theo Nghị định 29, ngày 3/6/2023 của Chính phủ chỉ được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trong khi đó theo Nghị định số 178, ngày 31/12/2024 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định chế độ hỗ trợ là 5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Thiết nghĩ, điều này cần được các cấp nghiên cứu để có chế độ công bằng đối với tất cả cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy./.
Mai Hoa