Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (Ảnh: Trần Hải).

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị này nhằm đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng mong các đại biểu đóng góp ý kiến về điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính xác, công bằng, trong đó có các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, room tín dụng; phân tích đánh giá tình hình tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay.

Đặt vấn đề cần thảo luận về chính sách tiền tệ thời gian tới, Thủ tướng cũng nêu rõ, đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề do cường độ cao, tốc độ nhanh, gió giật mạnh, hoành hành lâu trên đất liền, hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng. Việc ngưng trệ sản xuất, kinh doanh cũng ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.

Do đó Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình; đối với những người bị thiệt hại trong cơn bão lũ thì cần có giải pháp gì? Thủ tướng mong các ngân hàng hiến kế, đề ra các giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với tinh thần "tương thân, tương ái", “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” để có chính sách phù hợp, cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và đất nước”, không để ai bị bỏ lại phía sau.

ndo_br_nh3-1105.jpg.webp

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hải).

Thủ tướng mong muốn các ngân hàng chia sẻ trong lúc đất nước khó khăn, nhất là vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển hệ thống các NHTM. Chúng ta cần thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII đã rất đổi mới, thể hiện ở quyết tâm đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược trong đó đặc biệt là đột phá về thể chế, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển đất nước; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là tiền đề cho sự phát triển, lấy ổn định để phát triển, lấy phát triển để bảo đảm ổn định; đẩy mạnh các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; hoàn thiện hệ thống đường cao tốc, nghiên cứu phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng năng lượng hạt nhân, phát triển các hạ tầng chống biến đổi khí hậu; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu cho hoạch định chính sách; tập trung phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Trung ương, các bộ, ngành làm chính sách, quy hoạch, làm công tác giám sát, kiểm tra; địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Chúng ta quyết tâm xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

ndo_br_nam-hoc-2021-2022-4432.jpg.webp

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Trần Hải).

Với tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngân hàng với tinh thần cầu thị để cùng bàn các giải pháp góp phần phát triển đất nước .

* Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong hơn 8 tháng qua, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động an toàn, lành mạnh, cụ thể:

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống TCTD. Theo đó, về ổn định lãi suất điều hành, chỉ đạo TCTD tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay: NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, chuyển đổi số mạnh mẽ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay, lãi suất cho vay các chương trình, sản phẩm tín dụng trên website của TCTD để doanh nghiệp, người dân tiếp cận.

ndo_br_nh4-4770.jpg.webp

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị (Ảnh: Trần Hải).

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, tính đến tháng 8/2024 ở mức 8,18%/năm, giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân ở mức 9,17%/năm, giảm khoảng 0,96%/năm. Mặc dù tiếp tục xu hướng giảm, nhưng lãi suất cho vay bình quân của nhóm ngân hàng TMCP tư nhân (9,17%/năm) vẫn cao hơn mức bình quân toàn hệ thống (8,18%/năm) và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (6,79%/năm).

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, hấp thu các cú sốc bên ngoài: trong giai đoạn áp lực gia tăng đối với tỷ giá, NHNN kịp thời can thiệp ngoại tệ cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ. Từ đầu tháng 7/2024 tới nay, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhờ tâm lý thị trường tích cực, cân đối cung cầu ngoại tệ trong nước được cải thiện, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Mức mất giá của VND phù hợp xu hướng chung, ở mức trung bình và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới,

 

Giao dịch ngoại tệ của khối ngân hàng TMCP tư nhân trên thị trường liên ngân hàng và với khách hàng chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường ngoại hối Việt Nam. Trong hơn 8 tháng qua, thị phần của khối ngân hàng TMCP tư nhân chiếm khoảng 66% tổng giao dịch ngoại tệ toàn hệ thống và khoảng 30% thị trường giao dịch ngoại tệ của hệ thống ngân hàng với khách hàng.

ndo_br_nh6-5227.jpg.webp

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Trần Hải).

Đảm bảo thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế: NHNN điều tiết thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở, phù hợp với diễn biến thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; đồng thời hoạt động điều tiết thanh khoản cũng góp phần hỗ trợ tỷ giá khi áp lực tỷ giá tăng cao từ biến động thị trường thế giới. Các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở giữa NHNN và khối ngân hàng TMCP tư nhân diễn ra thông suốt, kịp thời, chiếm khoảng hơn 60% doanh số toàn hệ thống.

Đến ngày 17/9/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,38% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức 5,73% của cùng kỳ năm 2023). Nhìn chung các TCTD còn khá nhiều dư địa về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để có thể cung cấp tín dụng cho nền kinh tế; trong đó nhóm ngân hàng TMCP tư nhân phần lớn sử dụng chưa đến 70% chỉ tiêu được NHNN giao từ đầu năm 2024.

NHNN cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cải thiện so cùng kỳ: đến ngày 17/9, đạt trên 14,5 triệu tỷ đồng, tăng 7,38% so cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng TMCP tư nhân tăng 8,6% so với cuối năm 2023, chiếm thị phần 45% và là nhóm tăng cao nhất toàn hệ thống (nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng 7,4%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 4,6%, nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm 4%).

Về cơ cấu tín dụng: tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là ngành công nghiệp và xây dựng và nông, lâm, thủy sản. Cơ cấu tín dụng của khối ngân hàng TMCP tư nhân phù hợp với cơ cấu tín dụng chung, trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống.

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao tăng trưởng tích cực và cao hơn mức tăng toàn hệ thống. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ giảm 0,2%). Trong đó khối ngân hàng TMCP tư nhân, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng khả năng và chiếm lần lượt 52,86% và 41,92% dư nợ lĩnh vực này toàn hệ thống.

Đối với các dự án trọng điểm và đầu tư hạ tầng lớn của đất nước: khối ngân hàng TMCP tư nhân đã cấp tín dụng với các dự án giao thông trọng điểm là 3.660 tỷ đồng, chiếm 66,95% toàn hệ thống.

ndo_br_nh7-881.jpg.webp

Đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần tham dự hội nghị (Ảnh: Trần Hải).

Quy mô và thị phần của khối ngân hàng TMCP tư nhân trong hệ thống TCTD: tổng tài sản của 28 ngân hàng TMCP đến thời điểm 30/6/2024 đạt 9.341,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), tăng 4,8% so với cuối năm 2023, trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu đạt 335,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,8% thị phần, tăng 5,6% so với cuối năm 2023. Trường hợp không bao gồm 2 ngân hàng TMCP đang kiểm soát đặc biệt (Đông Á, Sài Gòn) thì vốn chủ sở hữu của nhóm ngân hàng TMCP đạt 909,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,87% so với cuối năm 2023. Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng TMCP đến ngày 30/6/2024 đạt 8.726,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,44% so với cuối năm 2023, chiếm 46,1% thị phần.