BỔ SUNG MỘT CHƯƠNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ TƯ LÀ PHÙ HỢP

Vào tháng 4 năm 2023, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin một số sắc phong cổ của Việt Nam được tổ chức bán đấu giá ở nước ngoài. Đây là những tài liệu cổ, có giá trị lịch sử, văn hoá sâu sắc của dân tộc. Thực tế trong những năm vừa qua cho thấy đã có một số lượng lớn các văn bản, tư liệu, sách cổ của Việt Nam, đặc biệt là các văn bản Hán – Nôm, được lưu giữ trong cộng đồng, cá nhân, gia đình, dòng họ đã bị thất thoát do bị đánh cắp hoặc chuyển nhượng ra nước ngoài. Điều này cho thấy nguồn tài liệu do cộng đồng, cá nhân, dòng họ đang lưu giữ là rất phong phú nhưng chưa được quan tâm lưu giữ, quản lý và phát huy có hiệu quả.

Chính vì vậy, việc dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) được bổ sung thêm một chương để quy định cụ thể hơn về khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động lưu trữ tư là rất phù hợp. Trong khi Luật Lưu trữ năm 2011 chỉ quy định về nội dung này tại một điều (Điều 5) thì dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã quy định đầy đủ hơn về các nội dung có liên quan đến hoạt động lưu trữ tư như xác định các hoạt động lưu trữ tư, các yêu cầu đối với hoạt động lưu trữ tư, các chính sách nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư.

271120231123-57385sac-phong-cua-vua-quang-trung-nam-thu-5-(1792)-cho-tuong-quan-dao-dinh-truat-.jpg

Dòng họ Đào ở xóm Phú Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn 17 sắc phong các triều vua ban cho dòng họ. Những tấm sắc phong ấy như báu vật và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong dòng họ.

CHƯA ĐỦ MẠNH MẼ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ TƯ

Tuy nhiên, qua nghiên cứu có thể nhận thấy các quy định trong dự thảo luật vẫn chưa đủ mạnh mẽ để khuyến khích phát triển hoạt động lưu trữ tư. Trong khi đó, bên cạnh những giải pháp khuyến khích thì dự thảo Luật cũng đặt ra những nghĩa vụ đối với những chủ thể sở hữu tài liệu lưu trữ tư, đặc biệt là đối với việc sở hữu tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, như hạn chế quyền định đoạt đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt (chỉ được mua, bán, trao đổi cho cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam); nghĩa vụ phải thông báo cho Bộ Nội vụ khi thay đổi chủ sở hữu, thông tin về chủ sở hữu, các thay đổi về điều kiện về tài liệu lưu trữ đặc biệt; phải thông báo và thực hiện quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt v.v… Việc đặt ra những nghĩa vụ này là cần thiết, tuy nhiên nếu không có những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích mạnh mẽ thì những người sở hữu tài liệu lưu trữ sẽ cân nhắc, không tham gia lập hồ sơ đề nghị công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt để có thể tự do định đoạt hơn đối với tài liệu lưu trữ có giá trị.

CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ TƯ

Từ thực trạng nói trên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật về việc khuyến khích, phát triển hoạt động lưu trữ tư, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung sau đây:

THỨ NHẤT, cần xác định rõ mục tiêu điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích tham gia để nâng cao hiệu quả lưu giữ, quản lý các tài liệu lưu trữ

Với định nghĩa tài liệu lưu trữ như trong dự thảo thì hiện nay số lượng tài liệu lưu trữ tư trong cộng đồng là tương đối lớn. Đó có thể là các sắc phong, gia phả, tộc phả, sách cổ, khế ước… hoặc các tài liệu của các gia đình, cá nhân hình thành trong thời gian gần đây gắn với quá trình hoạt động của các cá nhân tiêu biểu (đặc biệt là tài liệu ảnh). Tuy nhiên, các loại tài liệu này hiện nay phần lớn đang được lưu trữ dưới hình thức rất đơn giản, thậm chí là chủ yếu đang nằm trong rương, hòm tại các gia đình, dòng họ, chưa được đánh giá để phát huy giá trị vốn có của nó.

Đáng chú ý là phần lớn các tài liệu có giá trị văn hoá, lịch sử là tài liệu Hán – Nôm nên hiện nay các gia đình, cá nhân rất khó tự đánh giá được giá trị của các tài liệu này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trong thời gian vừa qua đã có nhiều tài liệu Hán – Nôm cổ không được đánh giá đúng giá trị đã được mua với giá rẻ và chuyển ra nước ngoài.

271120231107-box-2.jpg

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể thống kê đầy đủ thông tin về các tài liệu lưu trữ, nhất là đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đang tồn tại trong cộng đồng. Những thông tin này có giá trị rất quan trọng để cơ quan Nhà nước có thể phát huy giá trị thông tin của các tài liệu này, trong đó có những thông tin rất quan trọng liên quan đến lịch sử, văn hoá của dân tộc. Bên cạnh đó, khi có đầy đủ các thông tin này thì các cơ quan nhà nước mới có cơ sở để thực hiện các giải pháp quản lý tiếp theo như không cho phép mua bán, trao đổi với người nước ngoài; được ưu tiên mua trước các tài liệu này v.v….

Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ chủ trương quản lý đối với hoạt động lưu trữ tư cơ bản là khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân an tâm, phát huy tinh thần tự nguyện trong việc bảo quản và phát huy giá trị của các tài liệu lưu trữ, nhất là các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

THỨ HAI, quy định cụ thể những chính sách khuyến khích trong việc lưu giữ, phát huy các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt

Điều 45 của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hiện nay đang quy định về những chính sách hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở các quy định chung, đồng thời cũng chưa có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung các chính sách này. Chẳng hạn, khoản 5 Điều này có quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt cho Nhà nước, nhưng chưa làm rõ các biện pháp khuyến khích này cụ thể như thế nào. Tham khảo kinh nghiệm trong Luật Lưu trữ của Trung Quốc thì Luật này quy định rõ các cơ quan quản lý lưu trữ của Nhà nước sẽ thực hiện khen thưởng, vinh danh các cá nhân, tổ chức đã hiến tặng tài liệu lưu trữ quan trọng hoặc có giá trị cho Nhà nước. Tương tự, khoản 6 Điều 45 của Dự thảo quy định việc Nhà nước hỗ trợ bảo quản tài liệu lưu trữ tư trong trường hợp xảy ra thảm hoạ hoặc tổ chức giải thể, phá sản nhưng chưa quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc hỗ trợ như thế nào.

271120231125-an-oang-.jpg

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam vừa được một nhà sưu tập trong nước mua lại từ Pháp và đưa về Việt Nam.

Bên cạnh đó, với mục tiêu khuyến khích sự tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, chúng tôi cho rằng cần có thêm những chính sách thiết thực hơn nữa trong dự thảo, trong đó có thể tham khảo một số chính sách như:

Một là: cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Thông qua biện pháp này, người dân sẽ chủ động đưa các tài liệu mình đang lưu trữ để đánh giá, tìm hiểu về tài sản mình đang nắm giữ. Về phía Nhà nước, các cơ quan lưu trữ sẽ có điều kiện thống kê, nắm bắt các nguồn tài liệu đang được lưu giữ trong cộng đồng để từ đó có phương pháp quản lý, bảo vệ một cách tốt hơn. Trong bối cảnh ở nước ta, điều này có giá trị hết sức quan trọng do phần lớn các tài liệu cổ có tuổi đời hơn 100 năm thường được viết bằng chữ Hán – Nôm mà các thế hệ hiện tại rất khó đánh giá được giá trị.

Hai là: thay vì chỉ quy định để cá nhân, tổ chức được ký gửi miễn phí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Lưu trữ lịch sử, dự thảo luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể ký hợp đồng bảo quản miễn phí hoặc có chi phí thấp đối với các kho tài liệu lưu trữ của các gia đình, dòng họ, tổ chức có số lượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở một quy mô nhất định. Đây là chính sách “sưu tầm tại chỗ” có ý nghĩa quan trọng để vừa bảo đảm các cơ quan lưu trữ Nhà nước nắm bắt được thông tin về các tài liệu lưu trữ có giá trị, vừa giúp cho việc bảo quản, lưu giữ, bảo vệ tài liệu đúng với nghiệp vụ lưu trữ. Hơn nữa, thực tế cho thấy điều này còn phù hợp với tâm lý chung của các gia đình, dòng họ do các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt thường có giá trị tinh thần cao đối với gia đình, dòng họ đó. Chẳng hạn như các Đạo Sắc phong là báu vật của Vua ban, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng làng xã; mang ý nghĩa tâm linh và là linh hồn của cơ sở thờ tự, có giá trị đặc biệt đối với từng địa phương, cơ sở thờ tự, dòng họ, gia đình được phong công, ban Sắc nên các gia đình, dòng họ thường mong muốn được giữ ở những nơi linh thiêng của gia đình, dòng họ mình.

Ba là: cần có cơ chế để các cơ quan lữu trữ nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước cũng như huy động các khoản kinh phí từ các nguồn hỗ trợ hợp pháp của cộng đồng để mua những tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt và hỗ trợ việc quản lý, bảo quản những tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được ký gửi hoặc “sưu tầm tại chỗ”. Chính sách này đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Chẳng hạn như ở Cộng hoà Pháp, từ năm 1982 đến năm 1985, Lưu trữ Quốc gia Pháp đã liên tục mua được nhiều sổ sách tài chính của Kho bạc Hoàng gia và Hoàng tộc Pháp từ năm 1731 đến năm 1789 cùng nhiều thư từ trao đổi giữa Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette hoặc những tài liệu lưu trữ được hình thành trong hoạt động phi công vụ của các gia tộc nổi tiếng ở Pháp (như gia tộc Napoléon), của các doanh nhân (chủ yếu là các chính trị gia, nhà kinh tế, nhà báo, nhà khoa học...). Hoặc Chính phủ Pháp áp dụng chính sách “đổi vật lấy thuế”, nghĩa là miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thừa kế để khuyến khích các cá nhân, gia đình quyên tặng tài liệu lưu trữ có giá trị thuộc sở hữu của họ cho cơ quan lưu trữ nhà nước.

THỨ BA, phân định rõ phạm vi điều chỉnh về hỗ trợ, khuyến khích hoạt động lưu trữ tư giữa Luật Lưu trữ và các đạo luật có liên quan

Theo quy định hiện hành, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt có khả năng chịu sự điều chỉnh vừa của Luật Lưu trữ và của Luật Di sản Văn hoá và cả Luật Thư viện. Chẳng hạn, hiện nay trong danh sách 237 bảo vật quốc gia có những tài liệu đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước như Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946, Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc trong đó có cả những cuốn sách như Cuốn “Đường Kách mệnh”.

271120231140-132004814440930786_ffff-10_30_53_220.jpg

Di chúc Bác Hồ. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

Trong những luật này có những quy định riêng về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, di sản văn hoá hoặc sách vở có giá trị quý hiếm. Chẳng hạn, theo điểm c Điều 5 của Luật Thư viện năm 2019 thì Nhà nước có chính sách “sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học”; Điều 42 của Luật Di sản văn hoá năm 2002 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 cũng có quy định cụ thể về các chính sách của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật thuộc sở hữu tư nhân.

Việc trùng lặp như vậy sẽ dẫn đến những khó khăn cho người dân trong việc lựa chọn hình thức bảo vệ các tài liệu có giá trị của mình do những thiết chế khác nhau (thư viện, bảo tàng, cơ quan lưu trữ) có những chính sách hỗ trợ khác nhau. Đồng thời, việc trùng lặp như vậy cũng sẽ dẫn đến việc lãng phí ngân sách nhà nước trong việc bảo vệ các tài liệu cổ, quý hiếm, có giá trị đặc biệt. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ những chính sách cụ thể, riêng có đối với việc khuyến khích hoạt động lưu trữ tư để phân biệt với các hoạt động về thư viện, bảo tàng để từ đó phát huy được giá trị của hoạt động lưu trữ tư.

THỨ TƯ, hoàn thiện thêm về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật Lưu trữ quy định về hoạt động lưu trữ tư

Để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các hoạt động lưu trữ tư, các quy định của dự thảo Luật về nội dung này cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh lý bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật lập pháp, cụ thể như sau:

- Về mặt cấu trúc của Chương, Điều 48 quy định về việc xác định các hoạt động lưu trữ tư cần được đưa lên đầu tiên của Chương để làm cơ sở cho việc quy định các nội dung có liên quan phía sau.

- Trong nội dung của Chương này còn có một số nội dung chưa thống nhất với nhau, ví dụ như khoản 5 Điều 45 có quy định khuyến khích cơ quan, tổ chức bán tài liệu có giá trị đặc biệt cho Nhà nước nhưng ở những điều khoản khác thì lại quy định nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân này là phải dành quyền ưu tiên mua cho Nhà nước (khoản 2 Điều 51, khoản 4 Điều 47).

- Một số điều khoản còn có quy định mơ hồ, khó thực hiện. Chẳng hạn như quy định tại Điều 49 về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tư, dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ theo các Chương III, IV của Luật này để thực hiện cho phù hợp là quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện luật.

- Một số điều khoản còn thiếu những nội dung quan trọng. Chẳng hạn như quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ còn chưa quy định trách nhiệm trong việc công bố những tài liệu lưu trữ có giá trị thì cần tuân thủ theo những quy định về bảo mật có liên quan của nhà nước, không được xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, của tập thể và các lợi ích công cộng khác./.

TS.Hoàng Minh Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An