ky-hop-04-8141.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Chín. Ảnh: Lâm Hiển

Và dù chương trình làm việc chỉ vỏn vẹn trong 6,5 ngày, nhưng Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tới 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Có thể thấy, đây là khối lượng công việc lập pháp rất lớn, đặt nặng trách nhiệm lên vai của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội đối với từng dự thảo Luật, Nghị quyết trong suốt quá trình thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua.

Và không phải ngẫu nhiên, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được đặt lên bàn nghị sự ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp bất thường lần này. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh rất rõ trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp sáng qua, (12.2): Việc xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, vai trò là nền tảng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thi hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thực tế cũng cho thấy, 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Dự thảo Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp này được kỳ vọng sẽ gỡ được nút thắt lớn nhất về thể chế để khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Có rất nhiều đổi mới trong dự thảo Luật này, đó là tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm, dự thảo Luật quy định quy trình thông qua các đạo luật trong một kỳ họp. Đồng thời quy định rõ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục rút gọn và bổ sung quy trình thông qua văn bản trong trường hợp đặc biệt đối với các dự án, dự thảo văn bản xử lý các tình huống khẩn cấp và quan trọng quốc gia.

Thực tế cho thấy, dù không nhiều nhưng đã xảy ra những quy định được ban hành nhưng thiếu “hơi thở cuộc sống”, dẫn đến không ít quy định tuổi thọ không cao. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do tham vấn chính sách chưa được coi trọng. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm tham vấn chính sách và quy định về tham vấn chính sách. Quy định này tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo với cơ quan thẩm tra ngay từ rất sớm ở giai đoạn xây dựng chính sách. Qua đó, cơ quan xây dựng chính sách lắng nghe các ý kiến có tính phản biện cao về chuyên môn, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách. Việc tham vấn chính sách sẽ giúp chính sách được ban hành sát thực tiễn, đáp ứng được lòng dân, sớm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Được đánh giá là “luật để làm luật”, với nhiều quy định mới, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào chiều 13.2, và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua vào sáng 19.2 tới. Mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội qua các phiên thảo luận, dự thảo luật khi được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua sẽ tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển đột phá. Đó cũng là mong muốn, kỳ vọng rất lớn của cử tri, Nhân dân ở Kỳ họp bất thường lần thứ Chín này.

Song Hà