Điều này cho thấy, Quốc hội đặc biệt coi trọng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động giám sát để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhìn lại hơn 8 năm qua có thể thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp. Trên cơ sở quy định của Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã không ngừng đổi mới, ngày càng nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống và được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát từ chỗ được đánh giá "còn là khâu yếu" thì nay đã ngày càng khẳng định vai trò là công cụ quan trọng, hiệu quả trong thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác hoàn thiện thể chế để tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, xác định đây là trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND... tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động, cách thức thực hiện các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Trung ương xuống địa phương.

Thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND vừa qua đã cho thấy, hiệu lực, hiệu quả các hình thức giám sát đều được tăng cường. Giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn là những điểm sáng, đúng, trúng, kịp thời vào các vấn đề nóng bỏng của đời sống, tạo được sự chuyển biến tích cực ngay từ trong quá trình giám sát. Có những hình thức, hoạt động giám sát trước đây chưa được thực hiện hoặc còn mờ nhạt thì đến nay đã ngày càng sắc nét, hiệu quả, thể hiện đậm nét tinh thần theo đến cùng, lượng hóa được kết quả cụ thể như: giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp theo đến cùng các vấn đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tại các phiên họp hằng tháng; lần đầu tiên các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả giám sát về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được trình Quốc hội và được thảo luận tại phiên họp toàn thể; hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả...

Dù vậy, hoạt động giám sát, nhất là giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương, cũng đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải được khắc phục kịp thời, nhất là câu chuyện cơ quan giám sát, đại biểu giám sát vẫn còn nể nang, ngại va chạm với đối tượng chịu sự giám sát, giám sát nhưng chưa sát với thực tiễn, chưa phát hiện được hết những vấn đề bất cập hoặc đã sát thực tiễn rồi, thấy được bất cập rồi nhưng lại chưa dám truy đến cùng trách nhiệm, theo đến cùng vấn đề, như cách ví von truyền tụng lâu nay "giám nhưng chưa sát - sát nhưng chưa dám". Hay câu chuyện về chế tài trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm sau giám sát còn hạn chế cũng phần nào làm giảm sức nặng giám sát của Quốc hội, HĐND... Căn nguyên sâu xa của những câu chuyện này là gì? Cần thêm những cơ chế nào, công cụ nào để giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thực sự "giám phải sát - sát phải dám"?

Ngay trong từng hình thức giám sát cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những cách làm tốt, hiệu quả và những mặt còn hạn chế để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đơn cử như giám sát chuyên đề của Quốc hội - dù đã đạt được những kết quả rõ nét, tác động sâu rộng nhưng vẫn phải tiếp tục đổi mới về cách thức, phương pháp giám sát, giải quyết mối quan hệ giữa "diện" và "điểm" để vừa thấy được "bức tranh" tổng thể vừa đúng, trúng trọng tâm, trọng điểm, vừa giải quyết được dứt điểm những vấn đề nóng, vừa hoàn thiện được chính sách, pháp luật chung để thúc đẩy và kiến tạo sự phát triển.

Những vấn đề trên đang được Hội đồng Dân tộc - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND khảo sát, đánh giá cụ thể tại các địa phương, tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để lắng nghe được nhiều nhất ý kiến từ thực tiễn, từ đó chắt lọc, luật hóa những đề xuất, giải pháp thật đích đáng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt yêu cầu rất cao đối với dự luật này, như Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây phải là dự án luật "mẫu mực về chất lượng, phương pháp, cách làm và về tinh thần trách nhiệm".

Với yêu cầu và cách làm như vậy có thể kỳ vọng một dự luật chất lượng sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới để giám sát của Quốc hội, HĐND thực sự trở thành một công cụ sắc bén trong việc kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước và kiến tạo phát triển, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân.