Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để giải quyết những kiến nghị cử tri còn tồn đọng, chưa giải quyết xong, nhất là kiến nghị kéo dài.
Nhiều cơ chế, chính sách giải quyết kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thông qua tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu HĐND tỉnh, qua đường dây điện thoại trực tuyến tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổng hợp 648 kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND các cấp, các sở, ngành cấp tỉnh.
Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến trước, trong và sau các kỳ họp HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đến nay, 550/648 kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh, các sở, ngành giải quyết, trả lời; còn 98 kiến nghị cử tri chưa được giải quyết dứt điểm.
Nhiều kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương giải quyết thấu đáo, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, như: Sở Công thương và Điện lực tỉnh hoàn thành việc cấp điện cho bản Phà Khốm, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Vinh giải quyết nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ địa chính phân định các diện tích do Lâm trường quản lý và diện tích đất sản xuất của các hộ dân vùng phụ cận, giáp ranh…
Đặc biệt, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần giải quyết các kiến nghị của cử tri như: Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023 về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 7.7.2023 quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Lấy kết quả giải quyết là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri, như: một số kiến nghị chưa được giải quyết kịp thời do đơn vị được giao giải quyết kiến nghị cử tri chưa quyết liệt, mới chỉ quan tâm đến việc thông tin, trả lời kiến nghị; công tác phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với địa phương có thời điểm, có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả. Một số kiến nghị cử tri dù đã có nhiều giải pháp để giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm, chưa dứt điểm; có kiến nghị có tính chất cấp bách, khẩn cấp nhưng việc giải quyết còn kéo dài, nên cử tri kiến nghị lại nhiều lần.
Đơn cử như nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến công tác đầu tư, sửa chữa các công trình hạ tầng (giao thông, trường học, các tuyến đê, kè…) đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi ngân sách của tỉnh, huyện cũng như sự hỗ trợ của Trung ương còn hạn chế. Thêm vào đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua và được giao vốn theo kế hoạch nên không có cơ sở nguồn vốn để tham mưu bố trí cho các dự án khởi công mới ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao. Vấn đề này đã được các cấp, ngành trả lời nhưng cử tri vẫn kiến nghị nhiều lần…
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc lấy kết quả thực hiện việc giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri làm một trong những tiêu chí thi đua khen thưởng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này. Xử lý quyết liệt, kịp thời đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm, không giải quyết, hoặc giải quyết chưa thấu đáo những vấn đề chính đáng, hợp pháp mà cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần. Tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể giải quyết những kiến nghị cử tri còn tồn đọng, chưa giải quyết xong, nhất là kiến nghị kéo dài để thông tin đến cử tri.
Đồng thời, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh trên cơ sở rà soát các công trình, dự án cấp thiết mà cử tri kiến nghị liên quan đến sản xuất, đời sống, an ninh… tại cơ sở và ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh qua việc tổng hợp, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, hàng năm có kế hoạch ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện các công trình, dự án phù hợp với yêu cầu thực tiễn và điều kiện nguồn lực có thể.