bna_mot_go_thanh_phos_vinh_557237_312022-1.jpg

tit-phu_1.jpg

Sản xuất dưa lưới, cà chua, dưa chuột trong nhà màng từ năm 2020, ông Lê Diện (xóm 5, Diễn Hải, Diễn Châu) đầu tư vào số vốn khá lớn. Do đó, để sản phẩm làm ra có giá trị thu nhập cao, tiêu thụ ổn định, ông đã mày mò đưa các nông sản do mình làm ra quảng bá và bán trên mạng xã hội như zalo, facebook cá nhân, các hội nhóm đồng hương, các hội chợ hoa quả. Ông Diện cho biết: “Hiện nay, ngoài khách hàng truyền thống là ở các chợ, các đại lý hoa quả thì tiềm năng nhất vẫn là khách hàng online. Với diện tích 1.500m2 nhà màng, mỗi năm sản xuất 4 vụ dưa lưới thu hoạch hàng chục tấn quả nếu chỉ bán cho dân địa phương thì rất khó để tiêu thụ hết, giá cả cũng thấp hơn. Do đó, khi bước vào vụ, tôi đã dùng điện thoại để “live stream” (phát trực tiếp) lên facebook cá nhân, zalo, các hội nhóm về quy trình trồng, chăm sóc, đồng thời cập nhật từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây dưa cho đến khi thu hoạch. Đặc biệt, tôi tham gia vào hội “Dưa lưới miền Bắc”, “Dưa lưới miền Nam”, hội hoa quả sạch, chợ hoa quả… để quảng bá sản phẩm dưa của mình. Do đó, đơn hàng của tôi được mở rộng khắp cả nước, có những đơn hàng lên đến 5-6 tấn dưa nên tôi không phải bán lẻ, không kéo dài thời gian thu hoạch, giá cả vì thế cũng ổn định hơn. Trong năm 2021, 4 vụ dưa, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng”.

Anh-Tan-Ky-.jpg
Hiện nông dân đã tiếp cận với việc đưa nông sản lên các trang mạng xã hội, các hội nhóm để quảng bá, rao bán

Năm 2021, bị tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19 nên hàng chục tấn rau cải của nông dân Nghi Thuận (Nghi Lộc) ùn ứ, tồn đọng trên ruộng phải kêu gọi giải cứu. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là hiệu ứng từ việc chia sẻ, lan toả thông tin, kêu gọi giải cứu trên mạng xã hội mà hàng chục tấn rau đã được lưu thông, nông dân bán hết hàng và có lãi. Điều đáng ghi nhận nhất đó là, sau đợt giải cứu này, chính quyền cũng như người dân Nghi Thuận đã nắm bắt được xu thế về tiêu thụ nông sản qua mạng. Do đó, chính mỗi hộ dân đã dần tiếp cận việc đưa rau, củ quả, trứng gia cầm, con gà, con vịt “nhà làm được” lên facebook, các hội chợ tại địa phương “rao bán”. Bước đầu, nhiều sản phẩm như rau cải, dưa chuột, mướp đắng, hành tăm của bà con được nhiều người biết đến và đặt mua. Chị Nguyễn Thị Sen, cán bộ nông nghiệp xã Nghi Thuận cho biết: “Bà con đưa các nông sản mình sản xuất ra lên mạng xã hội để bán. Nhiều người, không có thời gian đi chợ thực tế thì đi chợ mạng, trao đổi hàng hoá, buôn bán ở trên đó. Người mua là người trong xã, là người trong vùng, trong huyện, trong tỉnh và cả các tỉnh khác. Họ gom đơn và gửi xe ship hàng nhờ thu tiền hộ hoặc chuyển khoản. Như vụ hành tăm vừa rồi, nhiều đơn hàng ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đắc Lắc đặt mua số lượng lớn”.

Tỉnh ta hiện có nhiều nông sản chủ lực như: Cây ăn quả có múi (cam, bưởi); gia súc, gia cầm, lúa, rau màu các loại… với sản lượng lớn, trong đó có 249 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên. Do đó, việc kết nối cung – cầu, tìm kiếm đầu ra ổn định và mở rộng thị trường cho các hộ sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

tit-phu-2_.jpg

Ngày 6/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2345/UBND – TH về việc triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch trong năm 2022 là 100% hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được truyền thông về chương trình; 100% dữ liệu thông tin hộ SXNN phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) được chuẩn hoá, số hoá; 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn” của VNPost, “Voso.vn” của ViettelPost; 100% hộ SXNN có sản phẩm đưa lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn TMĐT từ 15-20%.

Anh-2-1.JPG
Sản phẩm dưa lưới sạch của hộ ông Lê Diện (Diễn Hải, Diễn Châu) chủ yếu tiêu thụ qua mạng xã hội

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các hộ sản xuất nông nghiệp trong hành trình đưa nông sản lên sàn thương mại diện tử. Theo đó, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức 16 lớp tập huấn kỹ năng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và đưa vào tiêu thụ qua hệ thống Bưu điện trên toàn mạng lưới cho 16 huyện, thị với hơn 2.500 người tham gia; Phối hợp và đưa gần 100 sản phẩm và hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, hướng dẫn cho gần 2000 người nông dân tham gia tìm kiếm, mua, bán trên sàn thương mại điện tử. Ngoài tạo kênh bán hàng “online” (bán hàng trực tuyến) thông qua sàn TMĐT Postmart.vn, Bưu điện tỉnh còn đưa một số nông sản vào tiêu thụ qua hệ thống Bưu điện theo kênh bán Offline, qua đó giúp nông dân có thêm nhiều cơ hội tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử góp phần tạo thêm kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương. Đồng thời, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn ra xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông qua sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết mùa vụ… Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như: Kiến thức về kinh doanh trực tuyến của các hộ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; việc chăm sóc gian hàng trên mạng chưa được chú trọng, hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, việc thay đổi giá bán chưa kịp thời...”.

can-bo-buu-dien-huong-dan-nong-dan-cach-dua-hinh-anh-nong-san-len-san-tmdt.jpg
Cán bộ bưu điện hướng dẫn nông dân cách đưa hình ảnh nông sản lên sàn TMĐT

Để tiếp tục hỗ trợ đưa các hộ SXNN, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT hình thành các "Hộ SXNN số” có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT. Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Nghệ An chủ động bố trí nguồn lực, nhân lực, tập trung triển khai các hoạt động đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc được giao. Tăng cường đánh giá, gắn nhãn sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số.

Bài, ảnh: THỤC TUỆ