toan_canh_ong_hung_20240711105517.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn sáng 11/7.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng đã báo cáo tổng quan về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

ong_hung_20240711105543.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo tại phiên chất vấn.

Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có 1 ĐVHC cấp huyện không đủ tiêu chí theo quy định và thuộc diện phải sắp xếp là thị xã Cửa Lò. UBND tỉnh đã xây dựng phương án sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò (7 phường) có diện tích tự nhiên 29,12 km2, quy mô dân số 77.813 người và điều chỉnh một phần huyện Nghi Lộc có diện tích tự nhiên 32,14 km2, quy mô dân số 45.130 người vào thành phố Vinh. Thành phố Vinh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường có diện tích tự nhiên 166,25 km2, quy mô dân số 580.669 người; có 33 đơn vị hành chính cấp xã gồm 24 phường (Bến Thủy, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hà Huy Tập, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Quán Bàu, Quang Trung, Trung Đô, Trường Thi, Vinh Tân, Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Đức, Nghi Phú, Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Thủy, Nghi Tân) và 9 xã (Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Hưng Chính, Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên).

Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh có 89 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Trong đó, có 65 đơn vị được các địa phương xây dựng phương án sắp xếp và 24 đơn vị đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù (19 đơn vị hành chính thuộc diện quy hoạch đô thị, 05 đơn vị hành chính đề nghị đặc thù: yếu tố vị trí địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, quốc phòng, an ninh). Trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp có 27 đơn vị hành chính liền kề đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng phải thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn liền kề. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 như sau:

Từ 21 đơn vị hành chính cấp huyện, sau sắp xếp toàn tỉnh còn 20 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 01 thành phố thuộc tỉnh và 02 thị xã), giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Cửa Lò).

Sắp xếp 92 đơn vị hành chính thành lập 44 đơn vị hành chính (trong đó 43 đơn vị thành lập mới có 01 đơn vị hành chính điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số) sau sắp xếp toàn tỉnh giảm 48 đơn vị hành chính.

Từ 460 đơn vị hành chính cấp xã (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn) sau sắp xếp giảm còn 412 đơn vị hành chính cấp xã (362 xã, 33 phường, 17 thị trấn).

fd91ae9a-1e70-4199-8903-d5b5377a391a_20240711110216.jpg
Thành phố Vinh sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường có diện tích tự nhiên 166,25 km2, quy mô dân số 580.669 người; có 33 đơn vị hành chính cấp xã gồm 24 phường.

Cán bộ, công chức, viên chức hiện có trước khi sắp xếp của thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò là: 623 người, dự kiến bố trí cán bộ, công chức, viên chức là 416 người. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là 207 người. Theo quy định, số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng.

Sau khi thực hiện sắp xếp, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã toàn tỉnh dự kiến tiếp tục bố trí 913 người (cán bộ là 514 người, công chức là 399 người). Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự kiến bố trí 541 người. Sau khi bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định còn dôi dư 799 người (cán bộ 374 người, công chức 425 người). Theo quy định, số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng.

Thực hiện quy định số lượng cấp phó, số lượng biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị liên quan do sáp nhập, hợp nhất trong khoảng thời gian đầu có thể cao hơn quy định; giảm dần đến năm 2029 đảm bảo số lượng biên chế và bố trí đúng quy định. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư của các cơ quan đơn vị ngành dọc được thực hiện theo hướng dẫn của ngành dọc cấp trên và theo quy định của Trung ương và của ngành.

chat_van_3_20240711110336.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư để đưa vào giải pháp của Đề án, cụ thể phương án theo từng năm như sau:

Đối với cán bộ, công chức xã: Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội; nghỉ thôi việc ngay theo nguyện vọng cá nhân; giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP; giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP; điều chuyển cán bộ, công chức đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã; tiếp nhận tuyển dụng vào công chức cấp trên nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù hợp.
Đối với những người hoạt động không chuyên trách: Cho nghỉ và giải quyết chế độ theo quy định theo Nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ cán bộ, công chức và người hoạt đông không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Tiếp tục bố trí cán bộ, công chức dôi dư trong 5 năm (theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15) và thực hiện giảm dần khi có điều kiện.

Tại phiên chất vấn sáng 11/7, đã có 20 câu hỏi của các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Không khí chất vấn sôi nổi, trách nhiệm. Về phía Giám đốc Sở Nội vụ nắm chắc vấn đề, nội dung mình phụ trách, trả lời đầy đủ, chi tiết, đúng trọng tâm, nêu được giải pháp thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong thời gian tới.