Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, năng động
Cơ hội và vị thế mới Mặt trận Tổ quốc
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 vinh dự được đón đồng chí Đỗ Văn Chiến - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự và chỉ đạo đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Đỗ Văn Chiến đã thông tin một số kết quả kinh tế - xã hội, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và đối ngoại của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cùng với sự lãnh đạo phát triển đất nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng khẳng định: Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác Mặt trận. Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xuất bản cuốn sách: "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc", thể hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương của Đảng về vai trò của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và Nhà nước; về truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị, theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được nâng lên một bậc trong hệ thống chức danh lãnh đạo. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 với nhiều nội dung chỉ đạo rất sát sao, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của MTTQ Việt Nam. Đây là những cơ sở chính trị rất quan trọng để MTTQ Việt Nam triển khai nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cao cả được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Định hướng 5 nội dung trọng tâm nhiệm kỳ mới
Đồng chí Đỗ Văn Chiến ghi nhận, biểu dương kết quả đáng trân trọng của MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ XIV đề ra; động viên các tầng lớp nhân dân đồng lòng, chung sức, cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, thúc đẩy sự phát triển với kết quả toàn diện của tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã chỉ đạo, định hướng, gợi mở và gửi gắm nhiều tâm tư, mong muốn đến đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện, to lớn hơn nữa trong nhiệm kỳ 2024 - 2029. Trong đó, có 5 nội dung trọng tâm đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất để triển khai thực hiện thật tốt trong nhiệm kỳ mới:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc". Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Nghệ An. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của tỉnh, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tin, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết, thống nhất: Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã quyết, cả tỉnh một lòng; Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ đề ra.
Hai là, tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn của địa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với phương châm: nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và nhân dân được hưởng lợi thật.
Triển khai thực hiện thật tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Chương trình Xây dựng khu dân cư "Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”, đây là một chương trình mới, đang thảo luận từ cấp tỉnh và trên tinh thần đó, MTTQ Việt Nam sẽ báo cáo Ban Bí thư để trình tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tới đây.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có hội viên, đoàn viên, do vậy hoạt động ở địa bàn khu dân cư là quan trọng nhất, đối tượng vận động là toàn dân, tính chất toàn diện; làm sao để nhân dân ủng hộ việc tốt và phê phán việc xấu, xây dựng từng thôn, xóm, bản an yên là cơ sở quan trọng để tỉnh ổn định và phát triển. Cha ông ta từ xưa đến nay, nhà có việc gì khẩn cấp đều kêu “Ơi làng nước ơi”, không ai gọi “Ơi ông Trung ương ơi”, chính vì vậy, chương trình xây dựng khu dân cư "Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” là điểm nhấn của nhiệm kỳ này. Nếu từng khu dân cư, từng thôn, xóm, bản tốt thì xã sẽ tốt, huyện sẽ tốt, tỉnh sẽ tốt, đất nước cũng sẽ tốt.
Ba là, phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong sạch vững mạnh; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thấm nhuần sâu sắc chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ Nguyễn Trãi đã từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; chúng ta là con cháu của cụ, phải ghi nhớ điều đó phát triển thêm, nếu dân chưa yên thì phải xem lại việc ta làm.
Tôi xin báo cáo với Đại hội, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có tính chất nhân dân, thấy sao nói vậy, cung cấp thông tin đa chiều tiếng nói của người dân để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tự soi, tự sửa; cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra chủ trương, quyết định cho chính xác hơn. Chứ sau khi nghe góp ý của Mặt trận cứ hỏi chứng cứ ở đâu? Căn cứ nào? Nếu có chứng cứ thì xử lý hình sự rồi, còn gì mà góp ý. Tất nhiên, MTTQ Việt Nam nói phải có trách nhiệm, với tinh thần xây dựng. Nói cho nở hoa, kết trái; nói cho nước mạnh, dân giàu, vì lợi ích chung chứ đừng nói quá, làm ly tán lòng người, nói xong không ai làm thì không được.
Bốn là, muốn đổi mới cách nghĩ, cách làm, muốn nâng cao kết quả và chất lượng công việc, thì cán bộ là nhân tố quyết định. Do vậy, nhiệm kỳ này, chúng ta phải cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận, với phương châm: Tận tụy để dân mến/Trách nhiệm để dân thương/Kỷ cương để dân trọng/Năng động để dân được nhờ.
Tôi có tâm niệm rằng, làm việc gì cũng vinh quang, Đảng, Nhà nước phân công anh em chúng ta làm công tác Mặt trận, ta phải cố gắng làm tròn vai, thuộc bài như đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhớ: MTTQ không trực tiếp làm ra tiền, không làm ra những công trình đồ sộ, to lớn, hiện đại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận sẽ góp phần quan trọng vun đắp cho sức mạnh của lòng dân, cái đó có khi còn có giá trị hơn kim, ngân, vàng, bạc. Tôi đề nghị cán bộ Mặt trận các cấp tự động viên mình không “tham, sân, si”, thấy người ta giàu có thì mừng cho người ta, đừng cố quá sức có thể “gãy chân, què tay”, trở thành người khuyết tật thì khổ. Động lực làm việc của chúng ta là cuộc sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, làm được gì giúp đỡ họ thì chúng ta cố gắng làm.
Năm là, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững mối quan hệ “máu - thịt” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữ vững sự đoàn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị; đoàn kết giữa các thành phần, giai cấp, tầng lớp xã hội; đoàn kết giữa đồng bào dân tộc đa số với đồng bào dân tộc thiểu số; giữa dân tộc thiểu số này với dân tộc thiểu số khác; giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, giữa các thế hệ cán bộ, tập hợp rộng rãi các giai cấp, giai tầng xã hội, không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn tỉnh. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng bày tỏ niềm tin tưởng, nhiệm kỳ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình, thật sự sẽ là địa chỉ tin cậy, là mái nhà chung đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
“Cái gì khó nói với mọi người thì nói với Mặt trận, MTTQ Việt Nam sẽ tìm cách hóa giải, chia sẻ, thông cảm, động viên mỗi người hoàn thành nhiệm vụ. Hòa giải ở cơ sở chính là ở yếu tố này” - đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Mai Hoa