Được công nhận là xã NTM năm 2014, hiện Quỳnh Thạch đang phấn đấu cán đích NTM nâng cao vào năm 2023. Theo đó, tiêu chí về tổ chức sản xuất và thu nhập của người dân được coi là “mắt xích” quan trọng và khó nhất trong các tiêu chí. Ông Trần Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: “Để cán đích NTM nâng cao vào năm 2023, xã đã có đề án xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, xã đã vận động người dân xây dựng các vùng chuyên canh rau màu hàng hoá, vùng trồng cây ăn quả tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nhất là đưa vào các mô hình mới”.
Hiện nay, Quỳnh Thạch đã xây dựng được vùng chuyên canh rau màu với diện tích trên 100ha ở các xóm Đồi Đồi, Đồi Nhuệ, Bùi Năm, Cồn ngói, Đại Xuân và vùng trồng cây ăn quả tập trung gồm ổi, mít, xoài trên diện tích 6ha ở khu vực Cồn Lức, Lầm Nho. Đặc biệt, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao được người dân du nhập và phát triển như: Mô hình trồng rau thuỷ canh của hộ anh Hồ Sỹ Vương (làng Quỳnh Viên), mô hình nuôi thỏ thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Dũng, mô hình nuôi dê, hươu, nai… Những mô hình kinh tế này đã giúp đời sống người dân Quỳnh Thạch được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm.
Là một trong những địa phương đang trên hành trình xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Hùng Sơn (Anh Sơn) đã tập trung chỉ đạo, định hướng đầu tư chăm bón, tăng năng suất các loại cây trồng trên đất màu bãi, tăng diện tích cây chè công nghiệp, cây nguyên liệu mía. Trải qua những khó khăn bước đầu, xác định rõ giống cây trồng chủ lực trên địa bàn, Xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi, vệ sang trồng cây chè công nghiệp. Đến nay diện tích cây chè công nghiệp của Xã đạt 600 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 12.000 tấn chè các loại, doanh thu trên 40 tỷ đồng. Với định hướng phát triển cây chè thành cây trồng hàng hóa, Xã triển khai Đề án “Tưới cây trồng cạn” giữ ẩm vùng nguyên liệu, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình triển khai mô hình chế biến chè chất lượng cao. Đồng thời, Xã thực hiện các đề án phát triển kinh tế với các mô hình: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa cây mía ra bãi, cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn rừng, phát triển cây màu vùng bãi… Đồng thời, phối hợp công ty mía đường mở rộng và tăng năng suất mía. Hiện toàn Xã có gần 130ha mía trên đất bãi, năng suất đạt 80-100 tấn/ha. Song song với phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến mang lại hiệu quả cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, địa phương cũng chú trọng hỗ trợ, đầu tư phát triển các tổ hợp chế biến, Hợp tác xã nông nghiệp.
Có thể khẳng định rằng, với mục tiêu cán đích NTM nâng cao đã tạo động lực cho chính quyền cũng như người dân các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng thu nhập để đạt được các tiêu chí đề ra. Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cùng với đó đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi... Đây chính là đòn bẩy để tăng thu nhập, tạo đà cho các địa phương hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu”.
Xây dựng xã NTM nâng cao không chỉ đòi hỏi hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo được sản phẩm chủ lực, mà còn phải tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với mô hình HTX, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây là thách thức rất lớn đối với nhiều địa phương khi khâu liên kết sản xuất đã hình thành, nhưng do quy mô diện tích, mô hình sản xuất còn nhỏ, khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường hạn chế nên liên kết sản xuất trong nông nghiệp thiếu chắc chắn, bền vững; các HTX hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chất lượng; Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất quy mô lớn chưa đồng bộ... Do đó, để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cần có chính sách hỗ trợ nông dân tại vùng chuyển đổi về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực từng địa phương để phát huy giá trị. Cùng với đó, các địa phương cũng tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 25 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới gần 36 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các dự án/kế hoạch liên kết là 6.206 hộ, với tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.424 ha, với đa dạng sản phẩm như lúa giống, lúa thương phẩm; chè; ngô; ớt cay; các sản phẩm chế biến từ cây chanh, cây sen, cây cà gai leo, cây dây thìa canh, gỗ rừng trồng và rau, củ, quả an toàn.
Ông Nguyễn Văn Lập, Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn nông nghiệp của Tỉnh cho rằng: “Tổ chức sản xuất đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, là yếu tố tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Nếu tổ chức sản xuất tốt thì sẽ phát huy được hiệu quả, tổ chức sản xuất không phù hợp có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, như: nông dân bỏ ruộng, không sản xuất; lãng phí tài nguyên đất; lao động thiếu việc làm, tỷ lệ hộ nghèo tăng và bất ổn về mặt an sinh xã hội… Do đó, tiêu chí về tổ chức và thu nhập trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đóng vai trò hết sức quan trọng”.