Định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND huyện Thanh Chương đều tổ chức họp nghe tiến độ, kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri, bảo đảm 100% kiến nghị của cử tri đều được UBND huyện, các cơ quan đơn vị, các ngành triển khai, xem xét giải quyết, không bị bỏ quên hoặc gần tới kỳ họp mới tiến hành rà soát báo cáo với HĐND; tăng cường rà soát, theo dõi những ý kiến kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đang vướng mắc, khó khăn chưa được giải quyết; đánh giá tỷ lệ kết quả các kiến nghị đã được giải quyết xong...
6 tháng đầu năm 2024, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 2 cuộc họp định kỳ để nghe UBND huyện và một số ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo tiến độ và kết quả giải quyết 47 kiến nghị của cử tri đã được tổng hợp tại kỳ họp cuối năm 2023; nghe kết quả giải quyết 51 ý kiến cử tri (từ đầu nhiệm kỳ đến nay) chưa được giải quyết tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 14.12.2023 của HĐND huyện… Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc, xem xét, đánh giá sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Qua đó, có ý kiến UBND huyện làm văn bản gửi UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh để xin ý kiến và có hướng giải quyết.
Kết quả cho thấy: Có 47/47 (đạt 100%) ý kiến cử tri đã được UBND huyện chỉ đạo các ngành tiếp thu giải quyết; trong đó, có 15/47 ý kiến giải quyết xong (đạt 31,91%), còn 32 ý kiến đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết; có 51/51 (đạt 100%) ý kiến từ đầu nhiệm kỳ đến nay đang vướng mắc, khó khăn (nêu tại Nghị quyết số 23 ngày 14.12.2023 của HĐND huyện) được UBND huyện tập trung chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết (trong đó, đã giải quyết xong 9/51 (đạt 17,65%), còn 42 ý kiến tiếp tục tiếp tục nghiên cứu, xem xét giải quyết.
Như vậy, việc định kỳ Thường trực HĐND huyện tổ chức họp nghe UBND huyện, các tổ chức, đơn vị liên quan báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng báo cáo trả lời việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đồng thời, bảo đảm việc tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Phát huy vai trò giám sát của Tổ đại biểu
Thường trực HĐND huyện Thanh Chương cũng đã thành lập 6 đoàn giám sát do 6 Tổ đại biểu HĐND huyện trực tiếp giám sát tất cả các kiến nghị chưa được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng cử tri chưa đồng thuận, nhất trí cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay theo từng đơn vị bầu cử. Sau giám sát, Thường trực HĐND huyện tổ chức phiên họp cùng với UBND và các cơ quan, đơn vị cấp huyện nghe kết quả giám sát. Tại phiên họp, Thường trực HĐND huyện mời đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, UBND huyện, các phòng, đơn vị và UBND một số xã liên quan đến các kiến nghị của cử tri tham dự; sau khi các Tổ đại biểu báo cáo kết quả giám sát, đại diện UBND huyện và đơn vị liên quan tiếp thu giải trình làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.
Thực tế, các kiến nghị của cử tri Thanh Chương rộng trên nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực lại liên quan đến nhiều văn bản quy định (đặc biệt là đầu tư xây dựng, đất đai, chế độ chính sách…), đòi hỏi người giám sát phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ; đồng thời, vừa phải đứng trên lập trường của cử tri, vừa phải tuân thủ pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, có quan điểm đánh giá đúng đắn, khách quan về kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để từ đó đưa ra quan điểm của mình với kết quả giải quyết... Quá trình giám sát, Tổ đại biểu HĐND huyện cũng đã mời đại diện UBND cấp xã, ngành liên quan cùng đi thực tế và làm việc, từ đó báo cáo kết quả giám sát của Tổ đại biểu đều có sự thống nhất cao của các thành viên đoàn và các bên liên quan.
Qua giám sát của Thường trực và Tổ đại biểu HĐND huyện cũng cho thấy, việc theo dõi công tác tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài những khó khăn khi xem xét, đánh giá kết quả giải quyết đối với những kiến nghị phức tạp, việc xác định khi nào một ý kiến được coi là đã “giải quyết” xong, những ý kiến nào không thể “giải quyết” được… cũng là nội dung cần phải có sự thảo luận khách quan và căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để có sự thống nhất.
Theo Thường trực HĐND huyện, có những ý kiến chỉ cần trả lời mà không cần kết quả “giải quyết” cũng đã được xác định là “giải quyết” xong. Song, có những ý kiến cần phải có kết quả “giải quyết” cụ thể mới được xác định là “giải quyết” xong… Tuy nhiên, có những ý kiến còn phụ thuộc vào nguồn lực thực hiện nên việc theo dõi, đeo bám và xác định ý kiến, kiến nghị đã “giải quyết” xong là rất khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Thị Quỳnh Nga, việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc của Thường trực HĐND và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Tổ đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị được giải quyết cao hơn, nội dung trả lời rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời, tạo được niềm tin của cử tri đối với đại biểu dân cử, cũng như thấy rõ được tinh thần trách nhiệm của chính quyền, các ngành, cơ quan đơn vị trong việc tiếp thu, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của cử tri.