Điều ít biết về những lần di chuyển thi hài Bác
Một nhiệm vụ đặc biệt
Sức khỏe của Bác đã có những biểu hiện suy giảm từ năm 1967, nên sang 1968 Đảng và Nhà nước ta đã bố trí cho Bác sang nghỉ dưỡng và chữa bệnh ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhưng diễn biến ngày một xấu hơn. Ông Nguyễn Văn Đoàn (nguyên cán bộ bảo vệ Bác) nhớ lại: kể từ sau chiều trung tuần tháng 8/1969, khi trời Hà Nội mưa to, gió lớn Bác vẫn lên thăm hỏi phái đoàn ta vừa rời Hội nghị Paris trở về đang ở nhà nghỉ Hồ Tây; Bác bị nhiễm lạnh, viêm phổi và đến ngày 23/8 Người có cảm giác đau trong lồng ngực. Qua điện tim và hội chẩn, các bác sĩ xác định Bác có hiện tượng bị nhồi máu cơ tim. Hơn một tuần huy động các thầy thuốc giỏi trong và ngoài nước tập trung cứu chữa nhưng trái tim "ôm cả non sông mọi kiếp người" (Tố Hữu) ấy đã ngừng đập vào 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Một sự trùng hợp kỳ lạ bởi cũng chính ngày này 24 năm trước, Hồ Chủ Tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ và để nhân dân đón ngày Quốc khánh bình thường, Bộ Chính trị đã quyết định công bố ngày mất của Bác là ngày 3/9.
Tiên lượng được sức khỏe Hồ Chủ Tịch cho nên giữa năm 1967, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khi đó) chủ trì. Nội dung cuộc họp là bàn về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Bác Hồ và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời (đây được coi là nhiệm vụ tuyệt mật đặc biệt). Mọi hoạt động xung quanh chủ trương này Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương triển khai thực hiện. Đồng thời Trung ương cử đồng chí Lê Thanh Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ sang Liên Xô, hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ trong công tác đào tạo cán bộ đến việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên từ hội nghị bất thường đến chuyến đi của đồng chí Lê Thanh Nghị phải được giấu kín không để Bác biết...
Những ngày đầu tháng 9 cách đây 55 năm, Hà Nội và nhiều nơi khác trong cả nước trời mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như xám xịt và nặng trĩu hơn trong cảnh huống "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa" trước sự ra đi của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhờ có sự chủ động trong công tác chuẩn bị cùng với sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, thi hài Bác được chăm sóc, giữ gìn một cách cẩn thận trong khi còn lưu giữ tại Bệnh viện 108 hay khi di chuyển ra Hội trường Ba Đình để các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế đến viếng, tiễn đưa Người về với "thế giới người hiền". Chiều mùng 9/9/1969 kết thúc lễ truy điệu Bác, ngay tối hôm đó mặc cho trời Hà Nội vẫn mưa rả rích, chiếc xe hồng thập tự và tổ y tế đặc biệt rời Hội trường Ba Đình, đưa thi hài Bác trở lại cơ sở 75A (tức Bệnh viện 108) và bắt đầu một giai đoạn lâu dài trong công việc giữ gìn, bảo quản thi hài lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Sáu lần di chuyển thi hài Bác
Xế chiều ngày 18/7/1975 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh rời khu đồi K84 (sau này quen gọi là K9) thân yêu đã một thời âm thầm che chở cho Người, trở về xuôi. Đến 20 giờ cùng ngày, đoàn xe về tới Quảng trường Ba Đình, những người được giao nhiệm vụ kính cẩn và trang nghiêm rước Bác vào lăng; để đến ngày 29/8/1975 Đảng và Nhà nước ta tổ chức trang trọng lễ khánh thành lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên không mấy ai biết để có ngày rước Bác về nơi an nghỉ vĩnh hằng và cũng là nơi sẽ diễn ra các lễ viếng, tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc vĩ đại thì thi hài Bác đã được di chuyển sáu lần và giữ gìn trọn vẹn suốt 6 năm trời trong hoàn cảnh đất nước luôn xảy ra thiên tai, địch họa...
Cuối năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt; Ních-Xơn (Tổng thống Mỹ lúc đó) một mặt tăng cường viện trợ cho quân ngụy, mở nhiều cuộc càn quét vào các căn cứ cách mạng. Mặt khác ngang nhiên tuyên bố sẵn sàng ném bom trở lại miền Bắc. Đề phòng chiến tranh lan rộng, trong đó Hà Nội là mục tiêu đánh phá trọng điểm của kẻ thù, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sau nhiều cân nhắc đã chọn K9 (một khu đồi thuộc huyện Ba Vì) làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Đây là nơi hơn 10 năm trước, trong một lần đến thăm Sư đoàn 308, Bác đã dừng chân nghỉ ăn cơm trưa; thấy phong cảnh đẹp, địa thế lại hiểm trở nên Bác đã chọn địa điểm này làm khu căn cứ của Trung ương, phòng khi chiến tranh mở rộng ra miền Bắc. Sau khoảng ba tháng, với sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, các đơn vị thuộc binh chủng công binh, mà chủ lực là Lữ đoàn 144, phối hợp các cơ quan chức năng đã hoàn thành công trình ở K9. Nhưng việc di chuyển thi hài Bác từ Hà Nội lên đây, ngoài quãng đường xa (hơn 70km), nhiều ổ gà, đèo dốc thì các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng rung lắc đều phải đặt ra. Chỉ một sơ suất nhỏ, một va chạm ngoài ý muốn có thể dẫn tới ảnh hưởng việc giữ gìn, bảo quản thi hài Người. Bởi vậy, từ cải tạo chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt; những đoạn đường xấu phải sửa chữa ra sao; chiếc bể thủy tinh vừa to vừa trơn phải được khiêng lên, xuống xe thế nào nhằm phục vụ bảo vệ thi hài Bác?... Tất cả đều phải được chuẩn bị, tập dượt một cách chu đáo, thuần thục. Thế rồi, đêm cuối tháng 12/1969, gió mùa đông bắc tràn về giá lạnh, tập thể Bộ Chính trị và đại diện Quân ủy Trung ương có mặt tại Bệnh viện 108 để tiễn đưa Bác về với K9, Ba Vì. Gần một năm sau, với cuộc tập kích của không quân Mỹ (đêm ngày 20/11/1970) vào thị xã Sơn Tây hòng giải thoát cho những tên giặc lái bị bắt không thành, Trung ương quyết định di chuyển thi hài Hồ Chủ Tịch trở lại Hà Nội. Nhiệm vụ này được giao cho tướng Phùng Thế Tài (Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện. Và đầu tháng 12 năm đó, khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì chiếc xe Zin 157 cần mẫn cùng Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô dừng lại trước khuôn viên Bệnh viện 108 đưa Bác từ K9 trở lại Thủ đô.
Vẫn chưa thể nào được yên ổn. Theo Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh thì trong sáu lần di chuyển thi hài Bác, có lẽ lần thứ ba là thách thức cam go nhất. Đưa Bác trở về Hà Nội, các cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 cứ nghĩ thi hài Người sẽ được chăm sóc, bảo vệ lâu dài trong những điều kiện tốt nhất. Nhưng mùa thu năm 1971, miền Bắc nói chung, trong đó có Hà Nội diễn ra nhiều trận mưa lớn và dai dẳng. Giữa tháng 8 năm đó, một đoạn đê sông Đuống bị vỡ, một số địa phương thuộc Hải Hưng, Hà Bắc chìm trong biển nước. Thành phố Hà Nội cũng bị đe dọa; không ít đường phố khu vực nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng nước tràn vào nhà dân, công sở. Phương án di chuyển thi hài Bác lại được đặt ra. Chuyển Bác lên khu nhà cao tầng tại Bệnh viện 108 hay đưa Người trở lại căn cứ K9?
Suốt ngày đêm thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 luân phiên cắt cử người theo dõi tình hình mưa gió và mực nước sông Hồng. Họ chỉ lo mưa lớn, nước ngày càng dâng cao thì thi hài Bác sẽ thế nào. Theo lệnh của cấp trên, trưa ngày 19/8, đoàn xe rời bệnh viện trên xe có đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Công an) và đồng chí Phùng Thế Tài cùng đưa tiễn Bác trở lại khu K9. Lần di chuyển này diễn ra vào ban ngày, vì vậy các xe đều cắm cờ hỏa tốc và được phép đi vào các con đường cấm. Tuy nhiên do đợt mưa lũ dài ngày nên không ít đoạn đường bị ngập, nhất là đoạn rẽ vào căn cứ K9 rất lầy lội khiến đoàn xe di chuyển thi hài Bác phải chạy chậm. Mặt khác đề phòng có chỗ nước ngập sâu, đoàn phải bố trí thêm chiếc xe Pap (một loại xe đặc chủng có thể chạy dưới nước , trên mọi địa hình và thời tiết phức tạp). Phải mất sáu tiếng "hành quân" đoàn xe chở thi hài Bác mới về đến K9.
Đúng như dự tính, đoạn đường rẽ vào nơi để thi hài Người bị ngập sâu xe Zin không thể vượt qua. Sau một hồi bàn tính, chỉ huy Đoàn quyết định di chuyển thi hài Bác từ xe Zin sang xe hồng thập tự rồi dùng hai thanh ray nhỏ làm cầu cho xe hồng thập tự bò lên xe Pap. Đây là "công đoạn" hết sức khó và căng thẳng, bởi trong xe hồng thập tự có thi hài Bác, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Đấu trí, đấu lực, căn chỉnh từng li, cuối cùng xe hồng thập tự đã nằm gọn trong thùng xe Pap và lội qua quãng ngập sâu. Giây phút khi xe hồng thập tự nằm thăng bằng tại điểm đặt thi hài Bác thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm... Điều đặc biệt là trong sáu lần di chuyển thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá Hoàng Đình Thinh (công tác ở Tổng cục Hậu cần) là người vinh dự ba lần lái chính và ba lần phụ lái, góp phần chăm sóc, bảo vệ an toàn, trọn vẹn thi hài Bác.
55 năm đã trôi qua kể từ ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng và để lại bản Di chúc lịch sử. Một ngày cuối tháng 8 trong tiết thu nắng vàng, gió nhẹ này, tôi và mấy người bạn thân quen rủ nhau lên khu K9. Đã ở cái tuổi U70 rồi, nhưng chúng tôi không khỏi bâng khuâng, xao xuyến khi được thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình trước ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ giữa đồi K9. Dừng lại lâu hơn ở ngôi nhà hai tầng mô phỏng ngôi nhà sàn của Người trong khu Phủ Chủ tịch mà mường tượng ra hình ảnh những cuộc họp của Bộ Chính trị để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, hay các lần tiếp khách quốc tế do Bác chủ trì diễn ra nơi này. Một cảm giác đặc biệt khi chúng tôi được phép xuống căn hầm ở độ sâu 6m - vị trí đặt thi hài Bác và bên cạnh là căn buồng nhỏ để các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế làm thuốc nhằm gìn giữ, bảo vệ Người trong những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc cách đây hơn nửa thế kỷ.
***
Kể từ khi Người được an nghỉ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã trở thành một điểm đến trang nghiêm, nơi Nhân dân và bạn bè quốc tế bày tỏ lòng kính yêu sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại, là “Đài hoa vĩnh cửu” như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi mở cửa đến nay đã có hơn 65 triệu lượt đồng bào trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Trong đó có hơn 10 triệu lượt người thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau; hơn 1000 đoàn người có công với cách mạng đã vào Lăng viếng Hồ Chủ Tịch; khoảng 3000 đoàn tổ chức báo cáo, tuyên dương thành tích trong chiến đấu, lao động và học tập trước Lăng Người. Chúng ta cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng và thủy chung của Liên Xô (trước đây) cũng như sự hợp tác hữu nghị của Liên bang Nga suốt hơn 30 năm qua trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trạng thái tốt nhất.
Nhìn lại những nỗ lực và thành quả đạt được, chúng ta có quyền tự hào về công tác bảo quản và giữ gìn thi hài Bác. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng nâng cao trình độ và sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu và thực nghiệm khoa học, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ y sinh để giữ gìn toàn vẹn, lâu dài thi hài Bác trong suốt thời gian tới. Đây không chỉ là một nhiệm vụ kỹ thuật, mà còn là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng đối với lịch sử và các thế hệ mai sau.