Trao đổi với báo ĐBND bên lề phiên thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với đề nghị bổ sung nguyên tắc “Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân” được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh… Theo đại biểu, để bảo đảm nguyên tắc này, các nội dung có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Nhật Minh đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Theo quy định của dự thảo Luật “CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam”, đai biểu cho rằng, về nguyên tắc xây dựng Luật là tất cả các quy định về hoạt động của lực lượng CSCĐ trước hết phải tuân thủ theo quy định của Luật Công an Nhân dân, sau đó mới là các quy định về hoạt động mang tính chất “đặc thù”, “đặc biệt” của lực lượng này để so sánh sự khác biệt với các lực lượng khác trong lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có đối tượng điều chỉnh hết sức quan trọng, liên quan đến một trong những lực lượng vũ trang có vai trò cốt yếu trong bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phát triển từ Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Dự thảo hướng tới việc xây dựng đội ngũ CSCĐ chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Để làm được điều này, cần xác định đúng, đủ vị trí, chức năng của CSCĐ cũng như quy định một cách chặt chẽ những quyền hạn của CSCĐ.

plugin_ckeditor_upload.upload.8c655ad0ef289ebb.c49063204d696e682e6a7067.jpg

ĐBQH Trần Nhật Minh

Về chức năng của CSCĐ, dự thảo Luật quy định “CSCĐ là lực lượng vũ trang Nhân dân, thuộc Công an Nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Tuy nhiên, theo Luật Công an Nhân dân, Công an Nhân dân có chức năng “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Việc dự thảo Luật chỉ quy định chức năng “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội” mà không quy định chức năng” đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” theo đại biểu Trần Nhật Minh là chưa tuân thủ đầy đủ, tương thích với Luật Công an nhân dân cũng như quy định về nhiệm vụ của CSCĐ được quy định tại Điều 9 của dự thảo luật. Trong thực tế, lực lượng CSCĐ đã tham gia vào các chức năng trên và thậm chí trong nhiều trường hợp đóng vai trò tuyến đầu khi đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc hoạt động của CSCĐ (Điều 4 dự thảo luật) quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để đảm bảo quyền con người, quyền cơ bản của công dân là một trong 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua mà dự thảo Luật bám sát trong quá trình xây dựng các nội dung cơ bản của dự thảo; và đây là một chính sách hết sức quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng . Vì thực tiễn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, nhiều hoạt động của CSCĐ có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của CSCĐ; quyền được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ; cấm, giải tán hoặc hạn chế các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động của cá nhân, tổ chức xét thấy có hại cho an ninh quốc gia và các nhiệm vụ khác trấn áp tội phạm có tổ chức, khủng bố…

Bên cạnh đó, CSCĐ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, việc thực hiện biện pháp vũ trang với đặc trưng sử dụng sức mạnh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng bị áp dụng... Do đó, nhằm vừa tạo được hành lang pháp lý một cách đầy đủ, vững chắc cho hoạt động của CSCĐ, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật quy định, cần đưa nội dung “bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân” trở thành một trong những nguyên tắc hoạt động của CSCĐ được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật.

Mặc dù, nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật đã được Luật Công an Nhân dân và dự thảo Luật quy định, tuy nhiên do tính đặc thù của lực lượng CSCĐ, nên việc nhấn mạnh “bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân” trở thành một nguyên tắc hoạt động của lực lượng CSCĐ là hết sức cần thiết… Vấn đề này, đại biểu bày tỏ đồng tình cao với đề nghị bổ sung nguyên tắc “Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân” được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc này, các nội dung có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong dự thảo Luật cũng cần được cân nhắc kỹ.

Về trường hợp cấp bách được quy định theo Khoản 5, Điều 10 và khoản 1 Điều 17, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ các trường hợp được coi là cấp bách hoặc giải thích rõ thế nào là “trường hợp cấp bách” để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng luật.

Về hệ thống tổ chức của CSCĐ được quy định tại Điều 13, đại biểu đồng tình với Phương án 1 của dự thảo Luật, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về cơ cấu lực lượng.

"Quy định này vừa bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 17 Luật Công an Nhân dân và các Luật liên quan khác, vừa bảo đảm sự ổn định lâu dài, linh hoạt của Luật khi cần thiết phải thay đổi về cơ cấu lực lượng của CSCĐ để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới", đại biểu Trần Nhật Minh nhận định.

Diệp Anh ghi

(Nguồn: Báo ĐBND)