Không quy định nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án
Bày tỏ sự đồng tình với quy định tại điều 15 của dự thảo Luật về việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, ngoài các lý do đã nêu trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh phân tích, làm rõ sự hợp lý của quy định đó dưới góc độ quy định hiện hành của pháp luật tố tụng.
Theo đó, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Mặc dù khoản 6 Điều 252 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Toà án chỉ thu thập tài liệu, chứng cứ trong "Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được", tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định đó là bất cập vì Toà án không làm thay chức năng của các cơ quan điều tra hình sự.
Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, trường hợp cần bổ sung chứng cứ thì Toà án có quyền quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp yêu cầu điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, việc quy định Toà án các trách nhiệm thu thập chứng cứ trong các vụ án hình sự ít được áp dụng trong thực tiễn và khó đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc trong hoạt động xét xử như "Suy đoán vô tội” và "Tranh tụng trong xét xử được đảm bảo", đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.
Còn đối với việc thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự, hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng Hành chính đều quy định "đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp", Tòa án chỉ có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong những trường hợp do pháp luật quy định. “Việc pháp luật quy định Toà án có trách nhiệm thu thập chứng cứ là chưa hợp lý, dễ dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan, thiên lệch ngay từ giai đoạn thu thập chứng cứ”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đánh giá.
Hơn nữa, trong bối cảnh thẩm quyền của Tòa án được mở rộng và số lượng các loại vụ, việc không ngừng tăng lên thì việc quy định Toà án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài do tình trạng quá tải công việc xảy ra đối với tất cả các ngạch công chức tại Tòa án. Dẫn chứng cho nhận định này, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, theo Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, đến nay, số lượng vụ việc ngành Toà án phải giải quyết hằng năm tăng gần gấp đôi so với năm 2012 khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ biên chế và dự kiến còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong khi số lượng biên chế chưa đủ theo định biên được phân bổ năm 2012.
Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, khi đội ngũ Luật sư ngày càng phát triển về chất lượng và số lượng, khẳng định được vai trò của mình, thì việc trợ giúp cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ không còn là công việc khó khăn, chưa kể đến vai trò của các Trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp đối với những người yếu thế.
Chính vì vậy, đại biểu Trần Nhật Minh thấy rằng việc quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ và Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp.
Tòa án không khởi tố vụ án tại phiên tòa để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động xét xử
Lập luận cho quan điểm này, đại biểu Trần Nhật Minh dẫn chứng mặc dù Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 đã quy định việc Tòa án khởi tố vụ án tại phiên tòa nhưng theo số liệu do Tòa án nhân dân tối cao cung cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/9/2023, TAND các cấp ở địa phương chỉ thực hiện quyền khởi tố tại phiên toà 18 vụ với 19 bị cáo. Điều này cho thấy, quy định Toà án khởi tố vụ án tại phiên toà có hiệu lực không cao và ít được áp dụng trong thực tiễn xét xử.
Hơn nữa, theo quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì TAND là cơ quan xét xử; nhiệm vụ khởi tố, điều tra, truy tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Trong quá trình xét xử, nếu phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, thì Tòa án kiến nghị cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để khởi tố theo quy định của pháp luật. “Do vậy, để đảm bảo tính khách quan, vô tư trong hoạt động xét xử, theo tôi, thay vì thực hiện việc khởi tố vụ án, Tòa án có thể thực hiện quyền kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền khởi tố thực hiện các hành vi tố tụng là phù hợp”, đại biểu Trần Nhật Minh nêu quan điểm.
Chính vì vậy, vị đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An đồng tình với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên toà.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu sửa đổi khoản 2 Điều 100 dự thảo Luật theo hướng không quy định việc bổ nhiệm lại và không quy định về thời hạn bổ nhiệm đối với Thẩm phán TAND (tương tự như việc bổ nhiệm ngạch công chức trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước), vì Thẩm phán là chức danh tư pháp (là một loại chức danh nghề nghiệp), không phải là người giữ chức vụ trong hệ thống TAND, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của TAND.