Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là Dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019, do có phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tổng mức đầu tư của dự án là 585,647 tỷ đồng với thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án tại Văn bản số 541/TTg-NN ngày 14/5/2020. Tuy nhiên, ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tình hình dịch Covid -19 đã làm gián đoạn việc triển khai dự án trong 2 năm.
Khu vực Dự án là một trong những khu vực khô hạn nhất cả nước, lượng mưa thấp, cần thiết phải có hồ để tích nước dự trữ. Từ năm 2020, do thường xuyên hạn hán, thiếu nước trên diện rộng nên tỉnh Bình Thuận đã phải cắt giảm khoảng 50% diện tích sản xuất nông nghiệp, tác động rất lớn đến đời sống của người dân và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Nhắc lại phóng sự “Bình Thuận: Người dân đào giếng giữa lòng sông tìm nước”, phát trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam ngày 14/5/2023, phản ánh tình trạng lòng sông Dinh, con sông lớn nhất tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đã trơ cạn đáy sau mấy tháng không mưa. Dù vậy, đây vẫn là nơi duy nhất mà người dân ở thôn 1 có thể đào giếng tìm nguồn nước sinh hoạt.
“Hình ảnh người dân nhọc nhằn tìm nước dưới cái nắng chói chang thực sự làm tôi xúc động. Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung luôn luôn khô hạn và nắng cháy, tôi hiểu rằng dự án hồ chứa nước Ka Pét chính là mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây để không còn nỗi lo về vấn đề nước cho sinh hoạt và sản xuất”, đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2019. UBND tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư và thực hiện dự án từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, dự án triển khai đúng vào giai đoạn dịch Covid - 19 xuất hiện và bùng phát. Cũng như cả nước, Bình Thuận phải tập trung công tác phòng, chống dịch dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Do đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đồng ý với việc cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư để dự án sớm được triển khai thực hiện.
Dự án chậm tiến độ kéo theo thay đổi tổng mức đầu tư do yếu tố trượt giá, bổ sung giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn công trình và do thực hiện các quy định pháp luật mới. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là hơn 874 tỷ đồng. Với nguồn vốn còn thiếu sau khi điều chỉnh, HĐND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 06 ngày 25/5/2022 bố trí hơn 368,856 tỷ đồng cho dự án từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 của Dự án (đối với số vốn là 47 tỷ đồng) đến hết ngày 31/12/2023 để tỉnh Bình Thuận có thêm nguồn lực để thực hiện dự án.
Về đề nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai dự án, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nói: Dự án hồ chứa Pa Két là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư do có phát sinh tiêu chí chuyển mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì tổng số vốn của dự án là 874 tỷ đồng, chỉ tương đương dự án nhóm B, hạng mục công trình cấp II.
“Để đảm bảo thời gian thực hiện dự án, tôi thống nhất với đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc đề nghị Quốc hội giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công và ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh trong thời gian Quốc hội không họp”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu ý kiến.
Trước đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối Lâm Đồng, Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng.
Mục tiêu là hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng.
Trong chương trình làm việc, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đây là đạo luật có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số; tạo ra các thành tố cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số.
Thành Duy - Thu Nguyễn